Phát hiện sớm bệnh nhân COVID-19 để BV không trở thành “ổ dịch”

VietTimes – Tại tâm dịch Đà Nẵng đã có tới 4 BV phải đóng cửa, nên rất cần phát hiện sớm bệnh nhân COVID-19 giúp bệnh viện an toàn, không trở thành “ổ dịch”. 
Rất cần phát hiện sớm bệnh nhân COVID-19 giúp bệnh viện an toàn, không trở thành “ổ dịch” (Ảnh: BYT)
Rất cần phát hiện sớm bệnh nhân COVID-19 giúp bệnh viện an toàn, không trở thành “ổ dịch” (Ảnh: BYT)

Chiều nay 8/8, PGS.TS Lương Ngọc Khuê - Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh, Phó Trưởng Tiểu ban Điều trị, Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 đã kiểm tra công tác phòng, chống dịch và đảm bảo bệnh viện an toàn tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam và Bệnh viện đa khoa Đồng Văn-Hà Nội.

Đây là một trong 5 đoàn kiểm tra vừa được Quyền Bộ trưởng Bộ Y tế ký quyết định thành lập trong sáng 8/8 nhằm kiểm tra, đánh giá công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại các địa phương.

Tại buổi kiểm tra, PGS.TS Lương Ngọc Khuê cho biết, hiện dịch bệnh diễn biến phức tạp, đã có 4 bệnh viện trong tâm dịch Đà Nẵng phải đóng cửa, 10 nhân viên y tế mắc COVID-19 và 10 bệnh nhân tử vong.  

“Bệnh viện là nơi ghi nhận và phát hiện COVID-19, vì vậy việc phát hiện sớm, phân luồng và cách ly người bệnh đóng vai trò quan trọng đối với sự an toàn của bệnh viện”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh.

Vì vậy, càng nêu cao tinh thần chủ động, cảnh giác, càng giảm bớt khó khăn cho bệnh viện. “Chỉ cần một bệnh nhân nhiễm bệnh đi lung tung, không được kiểm soát là BV đã rơi vào nguy cơ phải đóng cửa. Mặt khác các cán bộ y tế là những người không thể thay thế trong cuộc chiến chống COVID-19, nên các BV phải hết sức cảnh giác và tập trung chống dịch”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê lưu ý.

"Các cán bộ y tế là những người không thể thay thế trong cuộc chiến chống COVID-19, nên các BV phải hết sức cảnh giác và tập trung chống dịch”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê lưu ý (Ảnh: BYT)
"Các cán bộ y tế là những người không thể thay thế trong cuộc chiến chống COVID-19, nên các BV phải hết sức cảnh giác và tập trung chống dịch”, PGS.TS Lương Ngọc Khuê lưu ý (Ảnh: BYT) 


Hiện nay, Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Nam đang điều trị cho một bệnh nhân COVID-19 là bệnh nhân 620, nhập viện ngày 2/8/2020. Hiện tại bệnh nhân đã hết sốt, hết ho, không khó thở. Đoàn kiểm tra đã rà soát các tiêu chí an toàn chống dịch để đảm bảo bệnh viện là nơi khám, chữa bệnh an toàn…

Đoàn kiểm tra đã góp ý cho Bệnh viện về công tác phân luồng, cách ly người bệnh từ khi bước chân vào bệnh viện; công tác kiểm soát nhiễm khuẩn; quản lý bệnh nhân COVID-19; việc phân loại bệnh nhân tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực; xây dựng quy trình hội chẩn trực tuyến giữa các khoa; thực hiện chăm sóc toàn diện tại Khoa Cấp cứu và Hồi sức tích cực; rà soát các công ty cung cấp dịch vụ, nhắc nhở người bệnh người nhà đeo khẩu trang… cần được đặc biệt quan tâm. 

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, các BV cần quan tâm đến các khoa có nhiều nguy cơ như Hồi sức cấp cứu, Thận nhân tạo, Ung bướu, Lão khoa... (Ảnh: Lê Hảo)
Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, các BV cần quan tâm đến các khoa có nhiều nguy cơ như Hồi sức cấp cứu, Thận nhân tạo, Ung bướu, Lão khoa... (Ảnh: Lê Hảo) 


Tại Bệnh viện đa khoa Hà Nội- Đồng Văn, Đoàn kiểm tra đánh giá BV đã xây dựng và triển khai Kế hoạch phòng chống dịch; xây dựng kịch bản tổ chức cách ly y tế và hướng dẫn chi tiết đến từng khoa, phòng, từng các nhân… trong BV.

Tuy nhiên, Đoàn kiểm tra cũng chỉ ra những nội dung BV cần khẩn trương khắc phục, nhất là trong bối cảnh dịch bệnh đang diễn biến phức tạp như cần kiểm soát chặt chẽ người bệnh và người ra vào BV; chủ động và đề cao cảnh giác trước mọi nguy cơ có thể xâm nhập, ảnh hưởng đến hoạt động khám chữa bệnh…

PGS.TS Lương Ngọc Khuê yêu cầu các bệnh viện cần xem kỹ các biện pháp dự phòng của Bộ Y tế đưa ra và cập nhật những cảnh báo về tình hình dịch COVID-19. 

PGS.TS Lương Ngọc Khuê nhấn mạnh: BV phải là nơi phát hiện bệnh nhân dương tính với virus SARS-CoV-2 đầu tiên, đặc biệt, cần quan tâm đến các khoa có nhiều nguy cơ như Hồi sức cấp cứu, Thận nhân tạo, Ung bướu, Lão khoa... để hạn chế những diễn biến nặng của bệnh nhân.

BV cần bố trí thông thoáng nơi cách ly và điều trị bệnh nhân COVID-19; tuân thủ các hướng dẫn kiểm soát nhiễm khuẩn đối với nhân viên y tế và người bệnh; thực hiện các khu cách ly nơi bệnh nhân nghi ngờ, bệnh nhân chờ xét nghiệm; khu vực điều trị bệnh nhân dương tính...

Theo PGS.TS Lương Ngọc Khuê, sau kiểm tra, các BV đạt chỉ số an toàn cần tiếp tục duy trì “phong độ” vì cuộc chiến chống dịch COVID-19 còn dài. Đối với các BV chưa đạt, rất cần sự quyết liệt của đồng chí lãnh đạo Sở Y tế, lãnh đạo BV trong thúc đẩy, tạo điều kiện cho các BV thực hiện đạt các tiêu chí nhằm đảm bảo an toàn cho BV, cho người bệnh và cho nhân viên y tế.