|
Phát Đạt đang làm gì với hàng nghìn tỷ thu về từ cổ đông và vay mượn? |
"Vật lộn" xoay xở vốn đảm bảo dòng tiền hoạt động
Nếu phải chọn dấu ấn nổi bật của Công ty Cổ phần Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HoSE: PDR) trong gần 2 năm trở lại đây thì đó là câu chuyện dòng tiền.
Doanh nghiệp địa ốc hàng đầu miền Nam này đã trải qua một năm 2023 đầy vất vả để xử lý khoản nợ trái phiếu lên tới 2.510 tỷ đồng bằng việc bán vốn hàng loạt tại các đơn vị thành viên như: Bán 99,8% tại CTCP Đầu tư và Phát triển Khu công nghiệp Phát Đạt (PDI), bán một phần tại CTCP Kinh doanh và Dịch vụ bất động sản Phát Đạt và bán CTCP Địa ốc Sài Gòn – KL.
Ngoài ra, Phát Đạt cũng gọi 671,6 tỷ đồng từ cổ đông thông qua việc chào bán 67,61 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.
Năm 2024, Phát Đạt tiếp tục "vật lộn" trong công cuộc xoay xở vốn để đảm bảo dòng tiền hoạt động.
Tại đại hội cổ đông thường niên năm 2024, ban lãnh đạo của Phát Đạt đã đưa ra một loạt đề xuất tăng vốn, bao gồm: Chào bán 134,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, chào bán 14,6 triệu cổ phiếu ESOP (giá 12.000 đồng/cổ phiếu), phát hành 131 triệu cổ phiếu để trả cổ tức và phát hành 34,1 triệu cổ phiếu để hoán đổi khoản nợ 30 triệu USD với ACA Vietnam Real Estate III LP (giá hoán đổi 20.000 đồng/cổ phiếu).
Trong 9 tháng năm 2024, Phát Đạt đã hoàn thành xong việc chào bán 134,3 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu, qua đó hút về 1.343 tỷ đồng. Bên cạnh đó, doanh nghiệp này cũng thông qua hoạt động vay mượn mang về thêm 1.500 tỷ đồng. Như vậy, tổng cộng Phát Đạt đã huy động tới 2.843 tỷ đồng.
Số tiền khổng lồ này đã giúp Phát Đạt tạm thời cân đối được các khoản chi, bởi hoạt động kinh doanh suốt 9 tháng qua không tạo ra “tiền tươi” cho doanh nghiệp. Dòng tiền kinh doanh 6 tháng âm 1.746 tỷ đồng, quý III âm tiếp 1.189 tỷ đồng, khiến tiền và tương đương tiền ở thời điểm kết thúc quý III/2024 chỉ là 220 tỷ đồng, giảm 56% so với đầu năm.
Tiền chảy vào đâu?
Việc huy động được 2.843 tỷ đồng có thể xem là thành quả tích cực của Phát Đạt, tuy nhiên việc doanh nghiệp này sử dụng nguồn vốn đó ra sao lại là một vấn đề đáng nói.
Số liệu cho thấy, tài sản của Phát Đạt tăng lên rất mạnh ở các khoản phải thu. Cụ thể, tại ngày 30/9/2024, các khoản phải thu đạt 7.084 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm, tức tăng thêm 2.236 tỷ đồng. Điều này đồng nghĩa phần lớn số tiền huy động được nêu trên đã đổ vào đây.
Bên cạnh đó, Phát Đạt cũng phát sinh khoản phải thu lên tới 726 tỷ đồng đối với 2 cá nhân là ông Nguyễn Trà Giang (350 tỷ đồng) và Phạm Thanh Điền (376 tỷ đồng).
Cơ cấu các khoản phải thu có điểm đáng chú ý là Phát Đạt rót tới 1.473 tỷ đồng cho CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620, tăng gần 14 lần so với thời điểm cuối năm 2023, tức tăng thêm 1.367 tỷ đồng.
Tìm hiểu của VietTimes cho thấy CTCP Đầu tư và Phát triển hạ tầng 620 được lập ra từ 2006, hiện do ông Phan Văn Tiến làm CEO, người đại diện theo pháp luật. Tuy nhiên, trước đó, ông Phạm Thanh Điền – người phát sinh khoản phải thu 376 tỷ đồng nêu trên, chính là cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu 37,21%. Ông Điền cũng có thời gian là chủ tịch HĐQT công ty này.
Ông Phạm Thanh Điền có liên hệ mật thiết với Phát Đạt, khi từng đứng ra nhận 180 tỷ đồng khoản tạm ứng của Phát Đạt trong phi vụ mua CTCP Bến Thành – Long Hải hồi 2020 và là một trong 7 nhà đầu tư tham gia mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ cuối năm 2023 của Phát Đạt. Đó là chưa kể, ông còn đứng tên tại CTCP Khu du lịch và Khách sạn Bình Minh – đơn vị đã nhận chuyển nhượng một phần dự án Nhơn Hội của Phát Đạt.
Ông Phạm Thanh Điền có mối quan hệ khá khăng khít với ông Nguyễn Trà Giang – người đang có khoản phải trả 350 tỷ đồng với Phát Đạt nêu trên. Ông Giang chính là người đã kế nhiệm vị trí của vị này tại CTCP Đầu tư Bất động sản Du lịch An Điền – đơn vị vừa mua lại phần vốn góp của Phát Đạt tại BIDICI trong năm 2024, góp phần quan trọng giúp Phát Đạt thoát khỏi tình cảnh thua lỗ.
Và cũng như ông Điền, ông Giang là một trong 7 nhà đầu tư đã tham gia mua cổ phiếu phát hành riêng lẻ của Phát Đạt vào cuối năm 2023.
Như vậy, có thể thấy, dòng tiền của Phát Đạt đang chảy mạnh vào chỗ của những “người quen”. Bất chấp khoản chi lên tới hàng nghìn tỷ, Phát Đạt không đưa ra một thuyết minh chi tiết nào cho cổ đông – những người đã góp vốn cho doanh nghiệp trong giai đoạn “nước sôi lửa bỏng” này.
Tất nhiên, một phần dòng vốn huy động được của Phát Đạt cũng đã chảy vào các dự án, song không nhiều, chủ yếu là Bắc Hà Thanh – giỏ hàng được kỳ vọng nhất năm 2024 của doanh nghiệp.
Chỉ có điều cho đến thời điểm này, giỏ hàng được kỳ vọng nhất cũng chưa mang lại quả ngọt nào đáng kể cho Phát Đạt. Doanh thu bán hàng quý II và quý III đều khá hiu hắt, chỉ vài tỷ đồng, hoàn toàn không tương xứng với danh mục dự án đồ sộ mà doanh nghiệp đang sở hữu và so với những khoản chi phí khổng lồ thì không đáng kể.