Cơ sở nào để Coteccons đặt mục tiêu doanh thu tỷ USD?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Coteccons (HOSE: CTD) vừa công bố kế hoạch kinh doanh năm tài chính 2025 với doanh thu 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng, tăng trưởng hai chữ số so với năm trước đó. Đâu là nguyên do khiến CTD tự tin đến vậy?

Coteccons đặt mục tiêu doanh thu trở lại mốc tỷ USD
Coteccons đặt mục tiêu doanh thu trở lại mốc tỷ USD

Mục tiêu doanh thu tỷ USD: Không quá khó

CTD đã kết thúc năm tài chính 2024 với kết quả kinh doanh rất ấn tượng: doanh thu 21.045 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 310 tỷ đồng, lần lượt tăng 31% và gấp 4,6 lần so với năm trước. Đây là năm kinh doanh thành công nhất của CTD kể từ khi ông Bolat Duisenov nắm quyền (2020).

Nhìn lại lịch sử CTD, lần đầu tiên doanh nghiệp này đạt đến cột mốc doanh thu 20.000 tỷ đồng là năm 2016 và duy trì điều này đến năm 2019. Trong đó, đỉnh cao là năm 2018 với doanh số 28.561 tỷ đồng. Còn về lợi nhuận, sau khi vượt qua cột mốc 300 tỷ đồng vào năm 2014, CTD đã có 7 năm liên tiếp làm được điều này.

Những thống kê trên cho thấy, thành tích trong năm 2024 dẫu ấn tượng, song chưa phải là những gì CTD từng có, nếu không muốn nói là còn cách khá xa. Cần biết, trong lịch sử, giai đoạn 2016 – 2018, CTD có lợi nhuận sau thuế dao động trong khoảng 1.400 – 1.600 tỷ đồng, tức gấp 5 lần lợi nhuận năm 2024.

Vì thế, kế hoạch kinh doanh 2025 (doanh thu 25.000 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng) chưa phải là một tham vọng to lớn, dù cho đây vẫn là nỗ lực không tầm thường của CTD trong hoàn cảnh ngành xây dựng đang rất khó khăn và bản thân doanh nghiệp này mới chỉ hồi phục từ năm 2022 (sau giai đoạn khủng hoảng nghiêm trọng 2020 – 2021).

Ảnh màn hình 2024-10-07 lúc 01.21.54.png

Nhìn vào bối cảnh hiện tại, có thể thấy mục tiêu doanh thu 25.000 tỷ đồng, tăng 19% so với năm trước, là không quá khó với CTD. Nguyên nhân là từ 2022 tới nay, doanh nghiệp này đã thể hiện năng lực hồi sinh khá mạnh mẽ với tốc độ tăng trưởng doanh thu lên tới hàng chục % mỗi năm: 60% (2022), 30% (2023) và 31% (2024).

Backlog (giá trị hợp đồng chưa thực hiện) khi kết thúc năm tài chính 2024 lên tới 30.000 tỷ đồng, trong đó riêng cho năm tài chính 2025 là hơn 22.000 tỷ đồng, theo chia sẻ của ông Trần Ngọc Hải, Giám đốc điều hành CTD, tại buổi đối thoại cổ đông hồi trung tuần tháng 9 vừa qua.

Giá trị backlog này hoàn toàn có thể tăng thêm trong năm 2025, do CTD đang là một trong những cái tên “ăn khách” nhất thị trường xây dựng và chiến thuật “bán hàng lặp lại” (repeat sale) phát huy hiệu quả suốt 3 năm qua.

Điều đáng nói khác là CTD đang mở rộng rất nhanh ở lĩnh vực xây dựng công nghiệp, bên cạnh duy trì vị thế hàng đầu trong lĩnh vực xây dựng dân dụng. Theo ông Võ Hoàng Lâm - Tổng giám đốc CTD - xây dựng công nghiệp chiếm hơn 50% giá trị doanh thu năm tài chính 2024 (tương đương khoảng 11.000 tỷ đồng). Và CTD đang là doanh nghiệp dẫn đầu trong việc kí kết hợp đồng xây dựng công nghiệp với khối ngoại.

Ngoài ra, CTD còn có nguồn thu từ thị trường nước ngoài với triển vọng ngày càng sáng hơn. Riêng trong năm 2024, thị trường nước ngoài, đơn cử Mỹ, đã mang về cho CTD “vài triệu USD” như chia sẻ của Chủ tịch Bolat Duisenov.

Kế hoạch lợi nhuận có khả thi?

Đối với kế hoạch lợi nhuận, 430 tỷ đồng sau thuế rõ ràng là một con số lớn đối với ngành xây dựng hiện nay, song với CTD, điều này có lẽ không phải thách thức lớn. Có ít nhất 2 nguyên do để nhìn nhận như vậy.

Một là trọng tâm doanh thu của CTD đã lệch về xây dựng công nghiệp. Đây là lĩnh vực xây dựng tốt nhất hiện nay, do dòng tiền đều đặn, biên lợi nhuận cao và đặc biệt phù hợp với các doanh nghiệp có quy mô “khủng” như CTD. Không phải ngẫu nhiên mà biên lợi nhuận gộp của CTD trong năm 2024 đạt 3,39%, cao hơn đáng kể so với 1 năm trước đó (chỉ 2,25%).

Với giả định doanh thu 25.000 tỷ đồng, thì mức lợi nhuận sau thuế 430 tỷ đồng chỉ tương đương với biên lợi nhuận 1,17% - còn thấp hơn cả mức thực hiện năm 2024 (1,47%).

Mặt khác, yếu tố gây ảnh hưởng lớn đến lợi nhuận của CTD trong nhiều năm qua là trích lập dự phòng đã được khống chế tương đối tốt. Tại ngày 30/6/2024, giá trị dự phòng của CTD là 1.432 tỷ đồng, tăng 24% so với đầu năm (tức tăng thêm 276 tỷ đồng).

Giám đốc điều hành Trần Ngọc Hải cho biết năm tài chính 2025, mức trích lập sẽ nhỏ hơn đáng kể so với năm 2024. Đây là điều sẽ hỗ trợ cho lợi nhuận của CTD tăng trưởng. Chưa kể CTD còn được hoàn nhập dự phòng; như trong năm 2024, mức hoàn nhập là 70 tỷ đồng.

Tất nhiên, thị trường vẫn tồn tại những yếu tố ảnh hưởng tới khả năng hoàn thành kế hoạch kinh doanh năm 2025 của CTD, như sự phục hồi chậm chạp của thị trường bất động sản, công tác thu hồi công nợ có thể gặp khó do nhiều chủ đầu tư yếu về dòng tiền trong bối cảnh tiếp cận vốn vay khó khăn cũng như áp lực thanh toán trái phiếu doanh nghiệp đến hạn…

Dù vậy, CTD vẫn được xem là có nhiều lợi thế hơn bất lợi. Và như những gì đã “trình diễn” từ 2022 đến nay, nội lực của CTD vẫn là điều vượt trội so với phần còn lại của thị trường.