Pháp trở thành “đôi mắt của LHQ”, theo dõi hoạt động vi phạm lệnh cấm vận Triều Tiên

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Bay trên biển Hoàng Hải giữa bán đảo Triều Tiên và Trung Quốc, một phi hành đoàn của Pháp quét bề mặt biển để tìm dấu hiệu hàng lậu được chuyển tới Triều Tiên.
Các binh sĩ Pháp quan sát mặt biển qua cửa sổ máy bay để phát hiện những hành vi vi phạm lệnh cấm vận Triều Tiên (Ảnh: AFP)
Các binh sĩ Pháp quan sát mặt biển qua cửa sổ máy bay để phát hiện những hành vi vi phạm lệnh cấm vận Triều Tiên (Ảnh: AFP)

Đội ngũ này là một phần trong nhiệm vụ quốc tế nhằm thực thi các lệnh trừng phạt mà LHQ áp dụng với Bình Nhưỡng và sẽ thực hiện các chuyến bay do thám cất cánh từ căn cứ quân sự Futenma của Mỹ trên đảo Okinawa của Nhật Bản.

“LHQ gửi cho chúng tôi thông tin về những con tàu mà họ nghi ngờ có hành động trái phép”, sau đó một kế hoạch bay được vạch ra; ông Guillaume, sĩ quan chỉ huy nhóm do thám, chỉ cho biết một phần tên của mình vì lý do an ninh, nói.

Trên khoang của chiếc máy bay Falcon 200, một nhóm gồm 6 binh sĩ sử dụng radar và AIS – hệ thống nhận diện tự động giúp truyền phát thông tin như danh tính của một con tàu và hành trình của nó. Nhưng công cụ tốt nhất của họ vẫn là quan sát bằng mắt thường: 2 thành viên ngồi gần cửa sổ máy bay, theo dõi mặt biển bằng ống nhòm và chụp ảnh. “Chúng tôi là đôi mắt của LHQ ở khu vực này”, ông Guillaume nói.

Trong một tình huống khiến cả đội báo động: một con tàu được phát hiện đang di chuyển trong khi tắt hệ thống AIS, vốn bị coi là hành động đáng ngờ. Các phi công lập tức đổi hướng, thực hiện 2 cú lướt ở độ cao dưới 150 m để nhìn rõ tên của con tàu và cố gắng liên lạc bằng sóng radio với nó.

Thông báo vắn với đội ngũ trước chuyến bay, ông Guillaume nhấn mạnh về tầm quan trọng của việc đưa ra “phản ứng một cách chuyên nghiệp và thân thiện”. “Trong bối cảnh căng thẳng quốc tế gia tăng trong khu vực, mục tiêu của chúng tôi là tránh làm xấu thêm tình hình. Chúng tôi vừa phải kiên cường vừa phải nhã nhặn”, ông nói.

Khi đến gần, họ phát hiện 2 con tàu đang đứng yên ở vị trí sát nhau. Cú lượng đầu tiên càng khiến họ nghi ngờ: các đường ống kết nối con tàu lớn hơn với con tàu nhỏ, dường như là một tàu buôn, như đang tiếp tế thứ gì đó.

Đội bay của Pháp nhanh chóng thu thập nhiều thông tin nhất mà họ có thể về 2 con tàu nọ và gửi cho LHQ để cơ quan này mở một cuộc điều tra về hành động vi phạm các Nghị quyết 2375 và 2397 về hạn chế bán, cung cấp và chuyển giao khí tự nhiên và xăng cho Triều Tiên. Nếu xác nhận có hành động vi phạm, 2 con tàu và chủ sở hữu của chúng sẽ bị khởi tố.

Đội bay này đã được điều động từ căn cứ của họ ở Polynesia, Pháp tới Nhật Bản vào giữa tháng 10 năm nay.

Lực lượng Pháp đã tham gia vào các nhiệm vụ do thám như vậy từ năm 2018, cùng với 8 quốc gia khác, để thực thi các nghị quyết của LHQ. Đối với Pháp, những nhiệm vụ như vậy cũng là một cách để họ tăng cường sự hiện diện trong khu vực, đặc biệt là sau khi công bố chiến lược quốc phòng của họ ở Ấn Độ-Thái Bình Dương vào năm 2019.

Pháp có khoảng 1,6 triệu công dân và vùng đặc khu kinh tế rộng 9 triệu km vuông trong khu vực, mang giá trị chiến lược đặc biệt trong bối cảnh Trung Quốc thúc đẩy những tham vọng lãnh thổ, và tình hình căng thẳng giữa Mỹ và Trung Quốc.

Nhiệm vụ của Pháp dưới lá cờ của LHQ cũng cho thấy “lợi ích vượt ngoài khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương của họ”, theo Hugo Decis, chuyên gia phân tích đến từ Viện Quốc tế nghiên cứu Chiến lược ở London. Ông cho rằng nhiệm vụ này giúp Pháp “nhận định rõ về khả năng phối hợp với các đối tác, đồng minh của lực lượng Pháp, đồng thời thể hiện vai trò có trách nhiệm của Pháp ở Thái Bình Dương với tư cách một cường quốc.”