Nghị sĩ Mariani cũng cho rằng, chính phủ Pháp không đủ dũng cảm để thông báo số tiền bồi thường mà nước này phải gánh chịu để giải quyết “cuộc khủng hoảng chính trị và ngoại giao nghiêm trọng với Nga” liên quan đến hợp đồng tàu chiến lớp Mistral.
Trước đó cùng ngày, cả Nga và Pháp đều ra tuyên bố cho biết hai nước đã chính thức ký kết thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng tàu chiến lớp Mistral. Sau khi tháo trả toàn bộ thiết bị của Nga được lắp đặt trên hai chiến hạm Mistral, Pháp sẽ có toàn quyền sử dụng hai con tàu này.
Pháp bí mật trả tiền cho Nga
Theo tiết lộ của tờ Kommersant của Nga, Paris đã chuyển cho một ngân hàng của Nga số tiền hơn 1,1 tỉ euro (khoảng 1,2 tỉ USD) trong tình trạng “bí mật tuyệt đối”.
Dẫn lời một nguồn tin giấu tên, tờ báo của Nga cho hay, việc chuyển tiền bồi thường cho Nga được Pháp thực hiện vô cùng bí mật vì những lo ngại của Moscow liên quan đến vụ Yukos. Năm 2014, tòa án The Hague đã ra phán quyết yêu cầu Moscow phải trả 50 tỉ USD cho các cổ đông của công ty Yukos bị phá sản với cáo buộc giới chức Nga dưới thời Tổng thống Vladimir Putin đã thao túng hệ thống luật pháp để làm phá sản Yukos và tống giam ông chủ của công ty này - Mikhail Khodorkovsky vì tội lừa đảo và trốn thuế.
Khoản tiền bồi thường 1,2 tỉ euro bao gồm số tiền mà Nga thanh toán trước cho hợp đồng là 860 triệu USD cùng với những khoản chi phi mà Moscow phải bỏ ra trong quá trình theo đuổi hợp đồng này. Nga sẽ được nhận lại toàn bộ các thiết bị của họ được lắp đặt trên hai chiến hạm Mistral.
Pháp sẽ được bán lại siêu chiến hạm Mistral
Ngay sau khi hoàn tất mọi thủ tục thanh toán cũng như tháo dỡ và trao trả các thiết bị cho Nga, Pháp sẽ được Moscow trao lại quyền sử dụng cuối cùng của hai chiếc tàu Mistral. Khi đó, Paris có quyền bán lại hai chiếc chiến hạm siêu tối tân này cho một bên thứ ba.
Một số nước được cho là đang rất quan tâm đến hai chiếc tàu chiến lớp Mistral mà Nga vừa “nhả ra”. Trong số những nước này có hai cái tên đáng quan tâm là Trung Quốc và Ấn Độ. Chưa có nước này công khai ý định mua lại hai chiếc tàu đóng riêng cho Nga. Nếu có nước nào mua lại tàu Mistral thì họ sẽ phải bỏ ra nhiều triệu USD để lắp đặt trang thiết bị cho hai con tàu. Trong khi đó, hiện tại, để duy trì, bảo dưỡng và bảo đảm an ninh cho hai chiếc tàu Mistral, mỗi tháng Pháp phải tiêu tốn số tiền lên tới 5,5 triệu USD từ tiền đóng thuế của người dân.
Theo đánh giá của ông Franz Klintsevich – một thành viên của ủy ban quốc phòng thuộc Duma Quốc gia Nga (Quốc hội Nga), việc tìm một đối tác thứ ba để bán lại hai chiếc tàu lớp Mistral sẽ là một vấn đề đau đầu cho Pháp.
“Nói thật là tôi hoàn toàn không hiểu được Pháp sẽ làm gì với hai chiếc tàu chiến được thiết kế chuyên biệt dành riêng cho Hải quân Nga và chỉ có thể mang vũ khí của Nga”. Theo ông Klintsevich, “chẳng có thứ gì khác có thể lắp đặt được trên tàu lớp Mistral”.
Bất chấp việc cả Nga và Pháp chẳng được lợi gì khi hủy bỏ hợp đồng Mistral, Tổng thống Nga Vladimir Putin và người đồng cấp Pháp vễn hoan nghênh lập trường tích cực trong các cuộc đàm phán giúp kết thúc cuộc khủng hoảng liên quan đến tàu Mistral.
Phát ngôn viên điện Kremlin - ông Dmitry Peskov hôm nay (6/8) cho hay: “Cả Tổng thống Putin và người đồng cấp Hollande đều đánh giá cao không khí mang tính xây dựng và hữu nghị tại các cuộc đàm phán giúp dẫn đến thỏa thuận hủy bỏ hợp đồng”, ông Peskov đã nói như vậy với cánh phóng viên.
Nga đã ký hợp đồng mua 2 siêu tàu chiến lớp Mistral của Pháp với trị giá 1,2 tỉ euro (1,5 tỉ USD) từ hồi tháng 6 năm 2011. Theo hợp đồng, Pháp phải bàn giao chiếc tàu chiến đầu tiên được đặt tên là Vladivostok cho Nga vào ngày 14/11 năm ngoái trong khi chiếc thứ hai mang tên Sevastopol sẽ được bàn giao vào cuối năm nay.
Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở Ukraine nổ ra hồi năm ngoái đã kéo theo cuộc đối đầu Đông-Tây căng thẳng chưa từng có kể từ sau Chiến tranh Lạnh. Diễn biến này ngay lập tức ảnh hưởng đến hợp đồng tàu chiến lớp Mistral giữa Nga và Pháp. Phương Tây cho rằng, việc Pháp bàn giao hai siêu tàu chiến Mistral cho Nga sẽ làm phương hại đến nỗ lực cô lập Nga của họ sau khi xảy ra vụ sáp nhập bán đảo Crimea và cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông Ukraine. Chính vì thế, Mỹ cùng với Liên minh Châu Âu (EU) ra sức gây áp lực buộc Pháp phải tạm ngừng bàn giao hai siêu tàu chiến lớp Mistral và giờ là hủy bỏ hoàn toàn hợp đồng này.
Pháp dù không hề muốn phá bỏ hợp đồng bán chiến hạm Mistral cho Nga nhưng vẫn buộc phải từ bỏ vì sức ép quá mạnh từ các đồng minh. Kết quả là Paris đã phải hứng chịu tổn thất nặng nề vì điều này.
Vân Linh theo VnMedia