Pháp nhân phải chịu trách nhiệm hình sự?

Việc áp dụng chính sách hình sự là chỉ xử lý đối với cá nhân, không xử lý pháp nhân thể hiện sự thiếu công bằng, khi mô hình các công ty, doanh nghiệp đã khác nhiều so với các mô hình công ty, xí nghiệp trong cơ chế quản lý kinh tế cũ... 
Sông Thị Vải bị Công ty Vedan "đầu độc" từng gây chấn động dư luận. Ảnh: Internet
Sông Thị Vải bị Công ty Vedan "đầu độc" từng gây chấn động dư luận. Ảnh: Internet

Tội phạm "tổ chức" ngày càng nhiều 


Công cuộc đổi mới, đặc biệt là đổi mới về kinh tế đã tạo ra động lực để đất nước phát triển toàn diện, vững chắc qua đó đời sống của nhân dân không ngừng được nâng cao; an ninh, chính trị được giữ vững làm cơ sở để củng cố quốc phòng và tăng cường hội nhập quốc tế. Từ một nền kinh tế chủ yếu là các doanh nghiệp Nhà nước, các hợp tác xã, hộ kinh doanh cá thể, đến nay nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa đã dần được định hình và ngày càng phát triển. Nhiều thành phần kinh tế mới như các doanh nghiệp tư nhân, các doanh nghiệp liên doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài được hình thành và phát triển, ngày càng phát huy vai trò to lớn, đóng góp cho sự phát triển chung của nền kinh tế.  

Tuy nhiên, Việt Nam đã và đang phải đối mặt với nhiều biểu hiện tiêu cực phát sinh trong nền kinh tế thị trường như các hành vi vi phạm quy định về độc quyền, cạnh tranh không lành mạnh, buôn lậu, trốn thuế, trốn đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho một số lượng lớn người lao động, xâm phạm sở hữu trí tuệ, gian lận thương mại, làm ô nhiễm môi trường... gây ra hoặc đe dọa gây ra những hậu quả rất nghiêm trọng, thậm chí đặc biệt nghiêm trọng cho xã hội. Những hành vi vi phạm này có thể do cá nhân thực hiện nhưng cũng có hành vi chủ yếu do những doanh nghiệp, các tổ chức kinh tế thuộc các thành phần kinh tế gây ra. Thực tiễn này đặt ra cần phải áp dụng các biện pháp xử lý đủ mạnh để nâng cao tính răn đe đối với loại hành vi nguy hiểm này. 

Trước tình hình vi phạm ngày càng nghiêm trọng của các loại hình pháp nhân này, Nhà nước ta đã áp dụng các chế tài xử phạt hành chính và chế tài dân sự để buộc các pháp nhân vi phạm phải chịu phạt và bồi thường thiệt hại do hành vi vi phạm gây ra. Tuy nhiên, thực tiễn áp dụng các biện pháp này cho thấy đã và đang bộc lộ nhiều bất cập, cụ thể là: 

Chế tài xử phạt hành chính trong Luật xử lý vi phạm hành chính vừa thiếu tính răn đe lại vừa không đầy đủ. Theo đó, Luật xử lý vi phạm hành chính cho phép các cơ quan chức năng áp dụng phạt tối đa đối với pháp nhân, doanh nghiệp có hành vi vi phạm nặng nhất không vượt quá hai tỷ đồng. Còn đối với một số lĩnh vực cụ thể như: lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm thì mức phạt tối đa không quá 300 triệu đồng; lĩnh vực bảo hiểm xã hội không quá 150 triệu đồng hay lĩnh vực thương mại không quá 200 triệu đồng. Với mức phạt này, theo ý kiến của một số chuyên gia, nhiều doanh nghiệp pháp nhân nhất là pháp nhân là các doanh nghiệp có quy mô lớn như: các tập đoàn kinh tế, công ty liên doanh, các công ty đa quốc gia, các hãng vận biển quốc tế có thể chấp nhận nộp phạt để tiếp tục vi phạm. Đồng thời, qua rà soát hệ thống pháp luật hiện hành cho thấy, một số hành vi vi phạm do pháp nhân thực hiện không được qui định trong các Nghị định xử phạt vi phạm hành chính như: hành vi mua bán người, hành vi tham nhũng, rửa tiền… nên không có căn cứ để xử phạt. 

Mặt khác, mặc dù thủ tục xử phạt vi phạm hành chính tuy có ưu điểm là nhanh, kịp thời ổn định trật tự trong quản lý, nhưng lại thiếu tính chuyên nghiệp, không được tiến hành bởi một cơ quan điều tra mang tính chuyên nghiệp cao, với một trình tự, thủ tục tư pháp chặt chẽ, nhất là việc xác minh mức độ thiệt hại do pháp nhân gây ra cho nhiều người dân, cho môi trường sống… nên tiềm ẩn nguy cơ việc xử phạt vi phạm pháp nhân không tương xứng với mức độ hậu quả đã gây ra, làm giảm tác dụng răn đe, phòng ngừa. Hơn nữa, việc xử lý pháp nhân theo thủ tục xử phạt hành chính làm cho bản thân doanh nghiệp vi phạm không có nhiều cơ hội để tự mình hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền lợi của mình thông qua hoạt động tranh tụng tại một phiên tòa công khai.  

Việc áp dụng biện pháp buộc bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong pháp luật dân sự cũng tỏ ra bất cập, nhất là đối với việc bồi thường trong lĩnh vực gây ô nhiễm môi trường. Các quy định về án phí dân sự và nguyên tắc người bị hại phải tự chứng minh thiệt hại khi khởi kiện đòi bồi thường thiệt hại trong pháp luật dân sự hiện nay là một sự cản trở rất lớn đối với người bị thiệt hại. Điển hình là vụ Công ty Vedan thực hiện hành vi xả nước thải có chứa nhiều chất độc hại chưa qua xử lý ra sông Thị Vải . Hành vi vi phạm này diễn ra trong nhiều năm, gây ảnh đến đời sống sản xuất, sinh hoạt của hàng vạn hộ dân thuộc các tỉnh: Đồng Nai, Bà Rịa – Vũng Tàu và Thành phố Hồ Chí Minh. Tuy nhiên, việc xác định ai là người đứng đơn khởi kiện trong vụ kiện này là một vấn đề phức tạp. Đó là nguyên nhân dẫn đến những bức xúc của người dân khi tiến hành khởi kiện Công ty Vedan. 

Xử lý hình sự với những vi phạm của pháp nhân? 

Theo đánh giá của Ban soạn thảo Bộ Luật Hình sự (sửa đổi), việc áp dụng chính sách hình sự là chỉ xử lý đối với cá nhân, không xử lý pháp nhân thể hiện sự thiếu công bằng, nhất là khi mô hình các công ty, doanh nghiệp đã khác nhiều so với các mô hình công ty, xí nghiệp trong cơ chế quản lý kinh tế cũ. Trong nền kinh tế thị trường, Giám đốc điều hành có thể chỉ là người làm thuê. Họ chỉ là người triển khai thực hiện một quyết định, chính sách của cả một tập thể là Hội đồng quản trị hoặc của những ông chủ thực sự của công ty, doanh nghiệp. Vì vậy, nếu vẫn chỉ buộc cá nhân người Giám đốc (hoặc người đại diện doanh nghiệp) chịu trách nhiệm hình sự là thiếu sự công bằng vì họ làm theo quyết định của tập thể và vì lợi ích của tập thể chứ không vì lợi ích của cá nhân họ. 

Trách nhiệm hình sự của pháp nhân không phải là vấn đề mới mà đây là vấn đề đã được ghi nhận trong pháp luật hình sự quốc gia cũng như các văn bản pháp luật quốc tế. Xét ở góc độ pháp luật quốc gia, vấn đề trách nhiện hình sự của pháp nhân đã được quy định trong pháp luật hình sự của nhiều nước trên thế giới, như Anh, Mỹ, Canada, Australia, Hà Lan, Bồ Đào Nha, Phần Lan, Vương quốc Bỉ, Thụy Sĩ, Tây Ban Nha và gần đây, một loạt các nước xã hội chủ nghĩa ở Đông Âu như Slovakia, Hungari, Lavia, Estonia, Croatia, v.v.... Trong khu vực Châu Á, một số quốc gia cũng đã ghi nhận trách nhiệm hình sự của pháp nhân như Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Trung Quốc… Dưới góc độ pháp luật quốc tế, trách nhiệm hình sự pháp nhân đã được khẳng định và nhấn mạnh trong nhiều Công ước của Liên Hợp quốc, như Công ước về trừng trị việc tài trợ cho khủng bố, Công ước quốc về chống tham nhũng, Công ước về chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia… 

Ở nước ta, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân đã được đưa ra thảo luận và nghiên cứu chính thức trong quá trình xây dựng BLHS năm 1999. Tuy nhiên, tại thời điểm này, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân chưa được nghiên cứu sâu về mặt lý luận và thực tiễn, do vậy, vấn đề này vẫn tiếp tục được nghiên cứu. 

Năm 2009, khi sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân một lần nữa được đưa ra nghiên cứu, thảo luận để quy định bổ sung vào BLHS. Nhưng do đây là lần sửa đổi, bổ sung một số điều của BLHS, chỉ tập trung sửa đổi, bổ sung một số vấn đề thật sự cấp bách nhất, bức xúc nhất của thực tiễn tại thời điểm đó để tháo gỡ một số khó khăn, vướng mắc lớn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm, nên vấn đề trách nhiệm hình sự của pháp nhân được thống nhất để lại tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng cả về mặt lý luận và thực tiễn cho lần sửa đổi, bổ sung cơ bản, toàn diện BLHS. 

Đến thời điểm hiện nay, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, đã đến lúc cần bổ sung chế định trách nhiệm hình sự của pháp nhân để xử lý đối với các trường hợp tổ chức kinh tế (pháp nhân) vì chạy theo lợi ích cục bộ, đã thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật mang tính chất tội phạm, đặc biệt là trong lĩnh vực kinh tế, gây hậu quả rất nghiêm trọng cho xã hội, cho nền kinh tế nhưng chỉ xử lý hình sự đối với cá nhân mà trong nhiều trường hợp việc xác định trách nhiệm cá nhân là rất khó khăn. Trong khi đó, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp chỉ bị xử lý bằng các chế tài hành chính, kinh tế, dân sự, không đảm bảo tính răn đe, phòng ngừa. Vì vậy, cần nghiên cứu khả năng bổ sung quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân vào BLHS. 

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế về pháp luật và tư pháp diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành thành viên của nhiều công ước quốc tế về phòng, chống tội phạm như: Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, Công ước chống tham nhũng, Công ước phòng chống rửa tiền. Mặc dù khi tham gia các Công ước, đặc biệt là Công ước chống tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia (gọi tắt là Công ước TOC), Việt Nam tuyên bố không bị ràng buộc về quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân, nhưng theo quy định tại Điều 10 của Công ước này, các quốc gia thành viên phải ban hành những biện pháp cần thiết phù hợp với những nguyên tắc pháp lý của nước mình, để xác định trách nhiệm pháp lý của pháp nhân trong việc thực hiện những hành vi phạm tội như: tham gia nhóm tội phạm có tổ chức (Điều 5); rửa tiền (Điều 6), tham nhũng (Điều 8), cản trở công lý (Điều 23). Đồng thời tuỳ theo những nguyên tắc pháp lý của mình, việc xử lý pháp nhân vi phạm có thể là trách nhiệm hình sự, dân sự hay trách nhiệm hành chính. Tuy nhiên, Ở Việt Nam, hành vi tham gia nhóm tội phạm có tổ chức, buôn bán người và hành vi tham nhũng luôn được coi là tội phạm mà không coi là hành vi vi phạm hành chính. Do đó việc định trách nhiệm hình sự của pháp nhân để xử lý các hành vi nêu trên cũng là để thực hiện những cam kết quốc tế mà Việt nam là thành viên và để thể hiện chủ trương là một thành viên có trách nhiệm của cộng đồng quốc tế. 

Ngoài ra, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS (sửa đổi) cũng là một bước chuẩn bị tiền đề cần thiết cho quá trình hội nhập với cộng đồng kinh tế các quốc gia thuộc hiệp hội các nước ASEAN vào cuối năm 2015.   

Qua các phân tích ở trên, có thể thấy rằng, việc đề xuất hình sự hóa trách nhiệm hình sự của pháp nhân là tổ chức kinh tế đến thời điểm này là rất cần thiết, phù hợp với xu thế chung của thế giới nhằm khắc phục những bất cập của hệ thống pháp luật hiện hành khi xử lý hành vi vi phạm của pháp nhân; đồng thời tạo cơ sở pháp lý trong hợp tác giữa các quốc gia nhằm đấu tranh có hiệu quả hơn đối với tội phạm do pháp nhân gây ra, mà trước hết là hợp tác giữa các quốc gia ASEAN. Qua rà soát, hiện có 119/173 quốc gia thành viên UNCAC có quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân. Trong hiệp hội các quốc gia ASEAN, hiện có 05 nước chính thức và 02 nước đang trong quá trình xem xét (trong đó có Việt Nam) . 

Tuy nhiên, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân trong BLHS (sửa đổi) là vấn đề mới trong chính sách hình sự của Nhà nước ta, động chạm trực tiếp đến lợi ích các doanh nghiệp, đến cuộc sống của người lao động, đến những vấn đề lý luận đã tồn tại rất lâu trong đời sống chính trị, pháp lý ở Việt Nam nên còn có nhiều ý kiến khác nhau, thậm chí là trái chiều. Bên cạnh đó, việc quy định trách nhiệm hình sự của pháp nhân đặt ra yêu cầu cần phải sửa đổi một số văn bản pháp luật quan trọng như: Bộ luật hình sự, Bộ luật tố tụng hình sự, Luật thi hành án hình sự, Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự… tác động đến hoạt động của nhiều Bộ, ngành như Bộ Công an, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao nên cần có những nghiên cứu bài bản, lập luận có tính thuyết phục để tạo sự đồng thuận cao của các Bộ, ngành cũng như toàn xã hội, tạo thuận lợi khi thi hành BLHS (sửa đổi).

Theo: VnMedia