Bộ trưởng Quốc phòng Pháp Florence Parly viết trên Twitter hôm cuối ngày 8/2 rằng tàu ngầm tấn công hạt nhân của Pháp Émeraude cùng tàu hỗ trợ hải quân Seine đã đi dọc qua các vùng biển tranh chấp để “khẳng định rằng luật pháp quốc tế là quy định duy nhất hợp lệ, bất kể vùng biển nào mà chúng tôi đi qua”.
“Nhóm tuần tra đặc biệt này vừa hoàn thành chuyến đi qua Biển Đông” – bà Parly viết – “Đây là bằng chứng cho thấy khả năng của Hải quân Pháp trong việc triển khai quân lực ở địa điểm xa và trong khoảng thời gian dài, cùng với các đối tác chiến lược Australia, Mỹ và Nhật Bản”.
Bà Parly nói thêm rằng Pháp có các vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) ở khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương, và dự định sẽ bảo vệ các lợi ích và chủ quyền của họ ở đó.
Pháp đã thực hiện một vài chiến dịch tự do hàng hải ở khu vực Biển Đông trước đây, tham gia cùng các nước như Anh và Mỹ để đẩy lùi sự thống trị tăng dần và quân sự hóa của Trung Quốc trong khu vực. Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với phần lớn Biển Đông, hứng phải chỉ trích của nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Tháng 9 năm ngoái, Pháp, Anh và Đức đã đưa ra một tuyên bố chung gửi LHQ để ủng hộ phán quyết của tòa trọng tài quốc tế năm 2016 chống lại các tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên Biển Đông. 3 quốc gia này nói rằng các tuyên bố “quyền lịch sử” của Bắc Kinh đối với vùng biển này không phù hợp với luật pháp quốc tế.
Bộ trưởng Quốc phòng Parly từng nói rại Đối thoại Shangri-La tổ chức tháng 6/2019 rằng Paris sẽ tiếp tục cho tàu đi qua Biển Đông nhiều hơn 2 lần/năm và hối thúc các nước có chung chí hướng làm theo để duy trì quyền tiếp cận với các vùng biển.
Chính quyền Bắc Kinh từ lâu đã phản đối sự hiện diện của các chiến hạm nước ngoài ở Biển Đông và thậm chí tuyên bố rằng Pháp đã công nhận chủ quyền của Trung Quốc ở các vùng biển, bao gồm cả ở quân đảo Trường Sa (của Việt Nam).
Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Trung Quốc hiện chưa đưa ra bình luận gì trước hoạt động mới nhất của các tàu quân sự Pháp.
Thứ Sáu tuần trước, Mỹ cũng điều tàu khu trục tên lửa dẫn đường USS John S. McCain tới sát quần đảo Hoàng Sa (của Việt Nam) trên Biển Đông, sau khi băng qua Eo biển Đài Loan. Hải quân Mỹ nói rằng hoạt động này, lần đầu tiên được tổ chức kể từ khi Tổng thống Joe Biden nhậm chức, là một phần nỗ lực thách thức “những tuyên bố hàng hải quá đáng trên toàn thế giới, bất chấp bên tuyên bố”.
Chiến khu Nam Bộ của quân đội Trung Quốc trước đó tuyên bố họ đã xua đuổi chiến hạm Mỹ khỏi các đảo tranh chấp bằng một lời cảnh báo, và mô tả hành động của phía Mỹ là “chiến thuật thao túng hỗn hợp được áp dụng thường xuyên, kết hợp với sự bá quyền hàng hải và định hướng sai dư luận”.