Nghiên cứu được thực hiện bởi ĐH Y Hàng hải ở Thượng Hải chỉ ra rằng hơn 500 thủy thủ và sĩ quan đang thực thi nhiệm vụ ở vùng biển tranh chấp mắc phải các vấn đề về tâm lý.
Dựa trên những câu trả lời để đánh giá trong bản nghiên cứu, 21% những người trả lời được phát hiện đang mắc phải các vấn đề tâm lý ở một mức độ nhất định. Những binh sĩ làm việc trên tàu ngầm còn có mức độ lo lắng và hoang tưởng – nghĩ rằng họ đang bị đe dọa bởi những thứ đáng ngờ - cao hơn so với mức trung bình của binh sĩ trong quân đội Trung Quốc.
Binh sĩ tàu ngầm “chịu rủi ro cao hơn và mắc các chứng bệnh tâm lý nghiêm trọng hơn”; các nhà nghiên cứu nói trong bản nghiên cứu được đăng tải trên Military Medicine (Quân Y), tạp chí trục thuộc Liên hiệp chuyên gia Y tế ở Mỹ.
Nghiên cứu nói cần thêm nghiên cứu để hiểu nguyên nhân của các chứng bệnh tâm lý này, nhưng thêm rằng tầm quan trọng chiến lược của các vùng biển đối với Trung Quốc dường như là một trong những nhân tố chính.
“Chúng tôi ngờ rằng điều này có thể là do, một mặt nào đó, các hoạt động quân sự tăng cường ở khu vực phía Nam Trung Quốc trong những năm gần đây có thể bao gồm những hành trình dưới mặt nước kéo dài từ 60 – 90 ngày” – các nhà nghiên cứu nói.
“Mặc khác, môi trường không thân thiện đồng nghĩa với việc các lính tàu ngầm không chỉ phải sống thường xuyên trong một môi trường biệt lập mà họ còn phải ngủ trong một cabin đầy tiếng ồn” – theo nghiên cứu.
Nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thủy thủ làm việc trên các tàu ngầm hạt nhân dễ bị mắc các vấn đề về tâm lý hơn những người đồng nghiệp làm việc trên các phương tiện khác.
Các nhà nghiên cứu nói rằng môi trường làm việc dưới nước có thể “không đạt các tiêu chuẩn làm việc của những nhân sự được đào tạo kỹ lưỡng, vốn yêu thích tự do và hội nhập xã hội”.
Bất chấp những thực tế này, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng 21% thủy thủ tàu ngầm đang trải qua các vấn đề về tâm lý là con số không khác nhiều so với nghiên cứu năm 2005, trong đó 18% tất cả các nam binh sĩ Trung Quốc chịu các vấn đề tương tự.
Tuy nhiên, mức độ rủi ro mắc các bệnh tâm lý cao đã nhấn mạnh vào sự dễ tổn thương của các thủy thủ tàu ngầm Trung Quốc đang làm việc trên khu vực Biển Đông, và cung cấp cơ sở cho quân đội nước này tăng cường sức khỏe tâm lý của nhóm binh sĩ này; các nhà nghiên cứu nói.
Để tăng cường các tuyên bố chủ quyền phi pháp trên Biển Đông, Trung Quốc đã tăng cường sự hiện diện quân sự ở vùng biển này, phát triển nhiều căn cứ và tăng các cuộc tuần tra trên biển.
Theo SCMP