Mỹ cho máy bay B-52 tuần tra Biển Đông, tuyên bố không công nhận yêu sách chủ quyền Trung Quốc

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ngay sau khi ông Biden lên nắm quyền, Mỹ đã đưa nhóm tác chiến tàu sân bay vào Biển Đông, cho máy bay ném bom chiến lược bay tuần tra; ngày 27/1 lại tuyên bố không công nhận đòi hỏi chủ quyền của Trung Quốc.
Ngay sau khi ông Biden lên nắm quyền, Mỹ đã tăng cường gây sức ép quân sự đối với Trung Quốc (Ảnh: Dongfang).
Ngay sau khi ông Biden lên nắm quyền, Mỹ đã tăng cường gây sức ép quân sự đối với Trung Quốc (Ảnh: Dongfang).

Theo trang tin Hồng Kông Dongfang (Đông Phương), tài khoản mạng xã hội Aircraft Spots chuyên theo dõi các hoạt động của máy bay quân sự ngày 28/1 cho biết hai máy bay ném bom chiến lược B-52H, mang mã số PEPSI51 và PEPSI52, hôm thứ Hai (25/1) đã bay từ Căn cứ Không quân Barksdale ở bang Louisiana đến căn cứ Anderson ở Guam để thực hiện việc triển khai lực lượng đặc nhiệm ném bom. Chiếc PEPSI51 đã hạ cánh trực tiếp trên đảo Guam, nhưng chiếc PEPSI52 đã bay vào vùng trời Biển Đông qua biển Philippines, biển Celebes và biển Sulu.

Theo bản đồ đường bay do Aircraft Spots cung cấp, chiếc máy bay ném bom B-52H đã bay vào Biển Đông rồi bay theo hướng Tây, sau đó bay về hướng Bắc dọc theo bờ biển Việt Nam, khi bay đến vùng trời phía Nam đảo Hải Nam thì chuyển hướng bay về hướng Đông, dọc đường đổi về phía nam, rồi cuối cùng bay trở lại căn cứ không quân Anderson qua eo biển Bashi. Ngoài ra, trong khi chiếc máy bay ném bom này đang bay tuần tra Biển Đông, nhóm tấn công tàu sân bay USS Roosevelt đã tiến hành các cuộc tập trận chung ở vùng biển cách bãi Scaborough tranh chấp với Philippines (tên Trung Quốc là Hoàng Nham, hiện Trung Quốc đang kiểm soát thực tế) 48 km về phía tây. Ngày 25/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên đã nói trong cuộc họp báo: Mỹ thường xuyên điều tàu và máy bay vào Biển Đông hoạt động để diễu võ dương oai, điều này không có lợi cho cục diện hòa bình và ổn định trong khu vực.

Sơ đồ đường bay của hai chiếc B-52H hôm 25/1 (Ảnh: Dongfang).

Sơ đồ đường bay của hai chiếc B-52H hôm 25/1 (Ảnh: Dongfang).

Hôm thứ Tư (27/1) người phát ngôn của Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết, Ngoại trưởng Antony Blinken cùng ngày đã nói với Bộ trưởng Ngoại giao Philippines Teodoro Locsin, Mỹ không công nhận các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông vì chúng vượt quá khu vực cho phép của Công ước Liên hợp quốc về luật biển. Ông Blinken cũng cam kết sẽ ủng hộ các bên tranh chấp ở Đông Nam Á cùng nhau chống lại sức ép của Trung Quốc. Năm ngoái, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là Mike Pompeo đã tuyên bố lần đầu tiên Mỹ chính thức phản đối yêu sách “đường chín đoạn” của Trung Quốc về chủ quyền trên Biển Đông.

Đáp lại, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm thứ Năm (28/1) đã nói: “Chủ quyền và quyền lợi của Trung Quốc ở Biển Đông được hình thành trong một quá trình lịch sử lâu dài và phù hợp với luật pháp và thông lệ quốc tế. Trung Quốc dốc sức giải quyết hòa bình các tranh chấp thông qua đàm phán và tham vấn với các nước có liên quan trực tiếp khác”. Triệu Lập Kiên ám chỉ Mỹ khi nói: “Hy vọng các nước ngoài khu vực tôn trọng nỗ lực của Trung Quốc và các nước trong khu vực nhằm xử lý đúng đắn các mâu thuẫn và bất đồng trên biển, duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông”. Ông Triệu Lập Kiên cũng nói: “Quần đảo Điếu Ngư (Senkaku) và các đảo liên kết của nó là lãnh thổ cố hữu của Trung Quốc, Hiệp ước an ninh Mỹ - Nhật là sản phẩm của Chiến tranh Lạnh và không được làm tổn hại đến lợi ích của các bên thứ ba, càng không nên gây nguy hiểm cho hòa bình và ổn định khu vực”.

Máy bay trinh sát Trung Quốc vào Vùng nhận dạng phòng không Đài Loan (Ảnh: Dongfang).

Máy bay trinh sát Trung Quốc vào Vùng nhận dạng phòng không Đài Loan (Ảnh: Dongfang).

Trong khi đó, tại khu vực eo biển Đài Loan, quân đội Trung Quốc hôm nay (28/1) đã cho nhiều máy bay quân sự bay vào khu vực nhận dạng phòng không của Đài Loan ở tây nam đảo Đài Loan. Cùng lúc đó, một máy bay quân sự của Mỹ loại máy bay chỉ huy E-8C cũng bay ngang qua khu vực này.

Truyền thông Đài Loan đưa tin, máy bay của không quân PLA đã bay vào vùng trời Tây Nam Đài Loan ba lần trong vòng 10 phút vào các lúc 9h39, 9h43 và 9h45, ở độ cao từ 6.000 đến 7.500 mét, và lực lượng không quân Đài Loan đã cất cánh để cảnh giới và phát thanh xua đuổi. Theo thống kê, máy bay của không quân PLA trong tháng này đã bay vào không phận Đài Loan 27 ngày, với tổng số 82 lần phát thanh xua đuổi được ghi chép.

Cùng lúc này, quân đội Trung Quốc đã triển khai các cuộc tập trận ở Biển Đông. Kênh quân sự của Đài Truyền hình Trung Quốc (CCTV) ngày 26/1 đã phát một đoạn video cho biết một số tàu đổ bộ, bao gồm tàu ​​Ngũ Chỉ Sơn, tàu Trường Bạch Sơn và tàu Côn Luân Sơn của hải quân Chiến khu Miền Nam PLA, đã tới một vùng biển nhất định trên Biển Đông để huấn luyện chiến đấu thực tế.

Máy bay Mỹ tập cất cánh trên tàu sân bay USS Roosevelt (Ảnh: Dwnews).

Máy bay Mỹ tập cất cánh trên tàu sân bay USS Roosevelt (Ảnh: Dwnews).

Theo cảnh báo hàng hải mới nhất do Cục Hải sự Quảng Đông đưa ra, từ ngày 27 đến ngày 30/1, sẽ diễn ra hoạt động huấn luyện quân sự tại vùng biển phía tây bán đảo Lôi Châu trên Biển Đông, mọi tàu thuyền bị cấm đi vào.

Liên quan đến các hoạt động thường xuyên của quân đội Mỹ xung quanh Trung Quốc, ông Ngô Khiêm, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc, trước đó đã nói tại một cuộc họp báo thường kỳ: “Mỹ gần đây đã gia tăng sức ép đối với các hành động khiêu khích đối với Trung Quốc. Thái độ của Trung Quốc đối với việc này rất rõ ràng: Một là phản đối; hai là không sợ. Quân đội Trung Quốc sẽ kiên quyết bảo vệ chủ quyền quốc gia, an ninh và lợi ích phát triển; đồng thời kiên quyết bảo vệ hòa bình, ổn định thế giới và khu vực”. Ngô Khiêm nói: "Chúng tôi khuyên một số chính trị gia Hoa Kỳ nhìn nhận khách quan tình hình thực tế, giữ lý trí, ngừng các hành động khiêu khích, thúc đẩy quan hệ giữa hai nước và hai quân đội quay trở lại quỹ đạo đúng".

Quân đội Trung Quốc diễn tập đổ bộ (Ảnh: Dwnews).

Quân đội Trung Quốc diễn tập đổ bộ (Ảnh: Dwnews).

Trước những động thái của Mỹ sau khi tân Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức, người phát ngôn quân đội Trung Quốc đã kêu gọi Mỹ, nói rằng kiềm chế Trung Quốc là một nhiệm vụ bất khả thi.

Theo trang tin Hoa ngữ Dwnews (Đa Chiều), ngày 28/1, người phát ngôn Bộ Quốc phòng Trung Quốc Ngô Khiêm đã đánh giá mối quan hệ giữa quân đội Trung Quốc và Mỹ dưới thời chính quyền Donald Trump phải đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức.

Ông Ngô Khiêm nhấn mạnh: “Kiềm chế Trung Quốc là nhiệm vụ bất khả thi, cuối cùng chỉ vác đá ghè chân mình. Hy vọng chính phủ mới của Mỹ sẽ nỗ lực cùng Trung Quốc giải quyết thỏa đáng các mối quan tâm của Trung Quốc trong lĩnh vực quan hệ giữa hai quân đội, tăng cường giao tiếp, quản lý rủi ro và tránh khủng hoảng”.