Vụ đánh bạc trực tuyến nghìn tỷ:

Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa phải nhận mức án cao hơn đề nghị

VietTimes -- Với tội danh “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, bị cáo Phan Văn Vĩnh bị tuyên phạt 9 năm tù, Nguyễn Thanh Hóa 10 năm tù, đều cao hơn mức đề nghị trước đó của Viện kiểm sát. Nguyễn Văn Dương phải nhận mức 10 năm tù, Phan Sào Nam nhận mức án 5 năm.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đứng hàng trên trong nhóm các bị cáo nghe tòa tuyên phạt hôm nay.
Bị cáo Nguyễn Thanh Hóa đứng hàng trên trong nhóm các bị cáo nghe tòa tuyên phạt hôm nay.

Sau gần 3 tuần đưa vụ án ra xét xử và nghị án Vụ án đánh bạc trực tuyến qua mạng quy mô hơn 9.000 tỷ đồng, xảy ra tại nhiều địa phương liên quan đến game bài RikVip, chiều nay (30/11), TAND tỉnh Phú Thọ tuyên án Phan Văn Vĩnh và 91 bị cáo trong vụ đánh bạc.

Cụ thể, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty CNC 5 năm tù về tội tổ chức đánh bạc, 5 năm tội rửa tiền; tổng hợp hình phạt 10 năm tù cho cả 2 tội danh.

HĐXX buộc Nguyễn Văn Dương nộp lại hơn 1.300 tỷ đồng tiền thu lời bất chính từ hành vi phạm tội; Tịch thu 329 tỷ mà Dương rửa tiền, ghi nhận đã thu hồi được trên 211 tỷ đồng, còn lại Dương phải nộp bổ sung ngân sách và kê biên, tạm giữ các tài sản khác để đảm bảo thi hành án.

Bị cáo Phan Sào Nam 2 năm tù tội tổ chức đánh bạc, 3 năm tù tội rửa tiền; Tổng hình phạt chung là từ 5 năm tù. HĐXX cũng buộc Phan Sào Nam nộp lại 926 tỷ đồng tiền thu lời bất chính từ hành vi phạm tội để sung ngân sách; Tịch thu 518 tỷ do Nam rửa tiền, xác nhận đã thu hồi 236 tỷ và gần 60 tỷ từ các hành vi khác, còn lại Nam phải nộp bổ sung ngân sách.

Bị cáo Phan Văn Vĩnh - Cựu trung tướng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục cảnh sát 9 năm tù về tội “Lợi dụng chức vụ quyền hạn trong khi thi hành công vụ”.

Cùng tội danh này, Hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo Nguyễn Thanh Hóa - nguyên Thiếu tướng, Cục trưởng Cục Cảnh sát phòng chống tội phạm công nghệ cao (C50) 10 năm tù.

Ngoài ra, 2 cựu tướng công an còn bị xử phạt bổ sung mỗi bị cáo 100 triệu đồng.

Mức án 2 cựu tướng công an phải nhận cao hơn mức đề nghị của Viện kiểm sát. Mức đề nghị trước đó lần lượt với ông Vĩnh và ông Hóa là 7-7,5 năm tù và 7,5-8 năm tù.

Đặc biệt, bị cáo Lưu Thị Hồng - Nguyên Tổng giám đốc CNC bị tuyên phạt 1 năm 3 tháng tù giam về tội tổ chức đánh bạc, phạt bổ sung 50 triệu đồng. Bị cáo Hồng được thả tự do ngay tại tòa. 

Các bị cáo còn lại bị tuyên phạt từ vài 3 năm tù giam đến 36 tháng tù cho hưởng án treo.

Tinh vi trong hành vi phạm tội

Hội đồng xét xử nhận định, qua bút lục hồ sơ, lời khai của các bị cáo, quan điểm của Viện kiểm sát, Luật sư, đủ cơ sở buộc tội các bị cáo như tội danh đã truy tố.

Vụ án có số tiền phạm tội lớn lên đến hơn 9.000 tỷ đồng, hành vi phạm tội của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, với số tiền thu lời bất chính sau đó được rửa tiền thể hiện sự tinh vi trong hành vi phạm tội.

Chủ tọa phiên tòa cho rằng ông Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nhưng quanh co, chối tội nên dù bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ cũng bị HĐXX xử lý thật nghiêm.
Chủ tọa phiên tòa cho rằng ông Nguyễn Thanh Hóa thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội nhưng quanh co, chối tội nên dù bị cáo có các tình tiết giảm nhẹ cũng bị HĐXX xử lý thật nghiêm.

Vụ án gây thiệt hại lớn cho nền kinh tế, uy tín của các cơ quan nhà nước trong đó đặc biệt là bộ công an, có hai cán bộ từng đứng đầu các cơ quan phòng chống tội phạm lại chống lưng, bảo kê, bao che cho tội phạm… do vậy gây bức xúc dư luận nên cần xử lý nghiêm để đảm bảo tính răn đe. Đồng thời, việc làm này cũng là cần thiết để cảnh tỉnh cho các cán bộ khác.

Tòa sơ thẩm đánh giá, ngoài việc đưa ra xét xử Phan Văn Vĩnh và Nguyễn Thanh Hóa, 2 bị cáo từng giữ chức vụ cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật về tội Lợi dụng chức vụ, cần tiếp tục xem xét hành vi phạm tội khác và làm rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân liên quan.

Việc điều tra giai đoạn 2 thể hiện sự kiên quyết trong đấu tranh phòng chống tham nhũng mà Đảng đã và đang thực hiện, không có vùng cấm, không có ngoại lệ hay đặc quyền bất kể người đó là ai. Mặc dù việc xử lý hình sự đối với 2 bị cáo từng là cán bộ, đạt nhiều thành tích và có đóng góp lớn là điều không mong muốn nhưng vẫn phải trừng trị thật nghiêm minh, thể hiện sự bình đẳng của pháp luật, không phân biệt thành phần và địa vị xã hội…

Đối với 3 nhà mạng được hưởng lợi từ vụ việc này, cụ thể Viettel là hơn 913 tỷ; Vinaphone là gần 150 tỷ; Mobifone là hơn 171 tỷ, tổng số tiền đạt hơn 1.230 tỷ đồng. HĐXX nhận định đây là số tiền thu lời không chính đáng đã được chứng minh là nguồn gốc tiền do đánh bạc mà có, nên việc hưởng lợi của các nhà mạng là không có căn cứ pháp lý.

HĐXX xét thấy, cần phải trừ các chi phí hợp lý trước khi buộc nộp lại tiền bất chính. Do đó, Viettel hưởng lợi hơn 913 tỷ đồng nhưng chỉ phải nộp lại hơn 90 tỷ đồng; Vinaphone hưởng gần 150 tỷ đồng nhưng chỉ cần nộp hơn 13 tỷ đồng; Mobifone hưởng lợi hơn 171 tỷ đồng nhưng chỉ phải nộp lại hơn 15 tỷ đồng.