Phận đắng cay người giải bí ẩn máy mật mã Enigma

Alan Turing, cha đẻ của ngành khoa học máy tính và nổi tiếng với phép thử Turing, một phương pháp để giúp phân biệt giữa người thật và trí thông minh nhân tạo là người giúp cơ quan Tình báo Anh giải mã thành công máy mật mã Enigma của Đức Quốc Xã. 
Thiên tài toán học người Anh, ông Alan Turing. Ảnh: Pinterest.

Tình báo Anh và cuộc đấu trí với máy móc

Bắt đầu từ những năm 1939, cơ quan tình báo quốc tế của Anh với mật danh MI6 đã bắt tay vào việc giải mã các máy điện tín Enigma với nguyên mẫu là chiếc máy mật mã Enigma phiên bản mới nhất do lực lượng tình báo Ba Lan lấy cắp được của phe Phát Xít. Quá trình giải mã bắt đầu với việc tập hợp những người thông minh nhất nước Anh lúc bấy giờ thành một nhóm bao gồm các nhà toán học lỗi lạc, các nhà ngôn ngữ học và các chuyên gia giải mã.

Do công việc cần quá nhiều chất xám nên phía tình báo MI6 của Anh buộc phải tuyển chọn nhiều công dân ưu tú thông qua các trò chơi giải ô chữ được phát hành trên nhật báo thường ngày, những người giải được ô chữ hóc búa do các nhân viên giải mã lỗi lạc của MI6 đặt ra sẽ trải qua nhiều vòng thi tuyển, chọn lọc và ưu tiên có một lý lịch “sạch không tì vết” do lúc này tình báo Liên Xô, tình báo Đức và tình báo Mỹ đang hoạt động cực kỳ sôi nổi ở Anh và công việc giải mã máy Enigma lại cực kỳ nhạy cảm, càng ít người biết càng tốt.

Một nhóm giải mã máy điện toán Enigma được ra đời với người đứng đầu là giáo sư toán học Alan Turing, một thiên tài toán học khi đó đang làm nhiệm vụ giảng dạy tại trường đại học Cambridge, ông cũng được biết đến như là cha đẻ của ngành khoa học máy tính và nổi tiếng với phép thử Turing, một phương pháp để giúp phân biệt giữa người thật và trí thông minh nhân tạo mà hiện nay vẫn còn được sử dụng rộng rãi trong lĩnh vực internet với tên gọi quen thuộc là CAPCHA. Ngoài ra, Alan Turing còn là người mắc chứng đồng tình luyến ái và vào thời gian này ở Anh, những người đồng tính luyến ái được coi là những kẻ ngoài vòng pháp luật, không được công nhận nên Turing phải cố hết sức để che đậy khiếm khuyết này.

Nhóm giải mã mà ông đứng đầu có tên mật là Hut 8, nhiệm vụ của nhóm này ban đầu chỉ là cố gắng giải các bức mật mã của Đức theo cách thông thường, nghĩa là thử bằng tay theo từng trường hợp một, như đã nói ở phần trước, nếu thử theo kiểu thủ công này thì toàn bộ người dân Anh sẽ mất khoảng... 6 tháng để giải mã được một bức điện của máy điện toán Enigma. Turing nhận ra rằng cách thức này tốn quá nhiều thời gian và phi khoa học, ông bắt đầu xây dựng một chiếc máy giải mã đầu tiên trên thế giới với nhiệm vụ tự động giải các bức điện mật của Đức với tốc độ cao nhất có thể.

Một chiếc máy giải mã Bombe hiếm hoi còn sót lại tới ngày nay. Ảnh: Pinterest.
Cơ chế hiển thị đồng hồ với các phép thử vòng lặp của máy giải mã Bombe. Ảnh: NPR.

Chỉ mất khoảng một năm kể từ ngày nhận nhiệm vụ, đến năm 1940 Alan Turing đã sáng chế ra được chiếc máy giải mã Bombe với nhiệm vụ giải mật các thông điệp của Đức Quốc Xã. Máy Bombe được coi là cỗ máy tính điện tử đầu tiên của nhân loại có trí thông minh nhân tạo, nó có khả năng tìm công thức cài đặt trong khối quay của máy Enigma và tự biết loại bỏ các phép thử sai ngay từ lần thử đầu tiên nếu tạo ra các từ vô nghĩa. Với mỗi một phép thử, máy Bombe sẽ tự tìm ra các điểm gây mâu thuẫn trong kết quả và lập tức dừng quá trình thử ngay khi phát hiện ra chi tiết phi lô-gic trong lời giải, cứ như vậy cho đến khi nó có thể xếp được các mật mã thành một chuỗi ký tự có nghĩa và đưa ra kết quả giải mã chính xác. Máy Bombe có thể đọc được 156.000 tỷ ký tự phức tạp và đặt ra các phép thử liên tục để tự loại bỏ các mâu thuẫn phi lô-gic trong quá trình giải mã, với mỗi phép thử sai, Bombe sẽ được lập trình để bỏ qua một vài công thức thử khác có thể đưa ra kết quả sai tương tự dựa trên yếu tố sắc xuất được lập trình sẵn.

Dù độ chính xác không đạt được 100% và cũng có nhiều mật mã chiếc máy này không thể giải mật được, tuy nhiên phía Anh đã xây dựng tổng cộng khoảng 210 chiếc máy giải mật Bombe trong suốt thời kỳ chiến tranh với niềm tin rằng số lượng sẽ bù đắp được sai số của chiếc máy Bombe và trong thời kỳ hoàng kim nhất của ngành giải mã tình báo, người Anh đã đọc được khoảng 3000 bức điện của Phát Xít Đức mỗi ngày với những chiếc máy này.

Người Mỹ giải mã Enigma

Quá trình giải mã máy Enigma của tình báo Mỹ cũng bắt đầu từ khi chiến tranh thế giới thứ hai nổ ra nhưng đã gặp quá nhiều khó khăn và bế tắc. Cho tới tận đầu năm 1943 người Mỹ mới có thể giải mã được cỗ máy bày và công lao vẫn thuộc về thiên tài Alan Turing.

Cơ cấu cực kỳ phức tạp dưới mỗi bánh xe hiển thị chữ cái trên chiếc máy giải mã Bombe. Ảnh: MLB

Vào cuối năm 1942, Alan Turing du lịch sang Mỹ và bắt liên lạc với các nhân viên phân tích mật mã của Hải quân Mỹ về việc chiếc máy không thể giải mã Enigma đã được MI6 giải mã thành công. Không những thế, Alan Turing còn cố vấn cho các chuyên gia mật mã của Mỹ để lắp ráp lại cỗ máy Bombe để người Mỹ có thể tự giải mã các bức điện họ bắt được của Phát Xít Đức.

Phía tình báo Anh biết việc Alan Turing hợp tác với người Mỹ cũng như việc một vài nhân viên của Hut 8 đang làm điệp viên cho tình báo Liển Xô, tuy nhiên phía Anh đã làm ngơ. Việc chia sẻ thông tin tình báo với Đồng Minh trong chiến tranh thế giới thứ hai khá khó khăn và phía Anh thay vì chia sẻ theo cách trao đổi thông tin thì lại chọn cách “làm ngơ” cho điệp viên của nước bạn tung hoành trong cơ quan tình báo của mình, tất nhiên là dưới sự giám sát chặt chẽ của các điệp viên chống phản gián. Tuy nhiên những thông tin được các nhà khoa học kiêm phản gián này cung cấp cho các nước đồng minh cũng đủ để các nước này tăng thêm sức mạnh trên trận tuyến giải mã chiếc máy Enigma, góp phần trực tiếp vào chiến thắng của quân Đồng Minh trước Phát Xít Đức hùng mạnh.

Kết cục bi thảm của cha đẻ máy điện toán

Ngay sau khi chiến tranh thế giới thứ hai kết thúc, toàn bộ các máy giải mã Bombe đã bị MI6 phá hủy, hồ sơ của Alan Turing bị cơ quan tình báo Anh đóng dấu “MẬT” và ông quay trở lại làm việc tại trường đại học Cambrige. Tuy nhiên, sau khi bị mọi người phát hiện là kẻ đồng tính luyến ái, cuộc đời của Turing đã trở thành bi kịch với việc bị thôi giảng dạy tại trường đại học và bị điều trị cưỡng ép bằng phương pháp hoạn hóa học đã khiến ông bị ảnh hưởng tâm lý cực kỳ nặng nề.

Đến năm 1954, Alan Turing được phát hiện đã treo cổ tự tử tại nhà riêng, cho tới tận lúc mất, cuộc đời của ông vẫn là một bí ẩn lớn với rất nhiều người. Tới tận những năm 2012, khi nước Anh giải mật các tài liệu lưu trữ từ trong CTTG 2 và công nhận rằng MI6 với nhóm Hut 8 đã giải mật được máy điện toán Enigma từ năm 1941 thì khi đó tên tuổi của Alan Turing mới được công chúng biết đến rộng rãi.

Ông được Nữ hoàng Anh xóa bỏ mọi cáo buộc khi còn sống và Thủ tướng Anh khi đó là ông Gordon Brown đã chính thức lên tiếng xin lỗi vì “cách hành xử khủng khiếp” đối với Alan Turing nói riêng và những người đồng tính ở Anh trong quá khứ nói chung.

Máy giải mã Bombe. Ảnh: Public.
Việc giải mã được máy điện toán Enigma được các sử gia cho là đã rút ngắn được cuộc chiến tranh thế giới thứ hai từ ba tới năm năm, cứu sống được hàng triệu mạng người. Trong quá trình nghiên cứu cách thức giải mã máy điện toán Enigma, Alan Turing còn đưa ra được nhiều học thuyết làm nền tảng cho ngành khoa học máy tính điện tử sau này.
Theo Kiến thức
http://kienthuc.net.vn/quan-su/phan-dang-cay-nguoi-giai-bi-an-may-mat-ma-enigma-867486.html