|
Thị trường phân bón của Việt Nam đang rất hỗn loạn - (Ảnh minh họa) |
Đó là thông tin từ Hội thảo “Lập lại thị trường phân bón Việt Nam” do Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam phối hợp cùng Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 Quốc gia tổ chức .
Thị trường phân bón hỗn loạn
Hiện tại, mỗi năm nước ta cần khoảng 11 triệu tấn phân bón, trong đó 80% là phân bón vô cơ, 20% là phân bón hữu cơ.
Để phục vụ cho nhu cầu trên, theo số liệu của Hiệp hội Phân bón Việt Nam, cả nước ta có gần 490 doanh nghiệp được cấp phép sản xuất, gia công từ 5.000 đến 7.000 loại phân bón khác nhau. Tuy nhiên, trên thực tế, cả nước có trên 1.000 cơ sở sản xuất 9.000 loại phân bón.
Điều đáng lo ngại là trong số 9.000 loại phân bón được sản xuất, hầu hết đều không đạt chất lượng như đăng ký với cơ quan chức năng. Đơn cử như các đơn vị đăng ký sản xuất phân bón đều cam kết hàm lượng NPK là 53%, nhưng khi kiểm tra, hầu hết hàm lượng NPK trong mẫu kiểm tra đều chưa tớ 10%, còn lại đều là... bột đá vôi.
Theo đại diện của Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam, tình hình sản xuất phân bón ở Việt Nam hiện rất hỗn loạn, hầu hết đều tự phát, nơi nào làm được cứ làm… Sau đó nhái nhãn mác, bao bì của các thương hiệu nổi tiếng hoặc đóng bao bì nhãn phân bón mập mờ, chưa thể hiện được bản chất của các loại phân bón, gây sự hiểu lầm về công dụng sản phẩm. Cùng với đó, một số kênh phân phối gây sức ép về giá thành đối với người sản xuất, buộc phải giảm chất lượng đầu vào….
Ngoài ra, chính người nông dân bị phụ thuộc vào người bán, mua phải hàng không chất lượng cũng phải chịu. Chính điều này đang tiếp tay cho cơ sở sản xuất không nghiêm túc có cơ hội làm bậy.
Trung ương Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, vì tình trạng hỗn loạn của thị trường phân bón, mỗi năm ngành Nông nghiệp tổn thất lên tới 2,6 tỷ USD và người chịu thiệt lớn nhất là người nông dân.
Tuy thị trường phân bón hỗn loạn như vậy, nhưng cơ quan chức năng vẫn im hơi lặng tiếng, bình chân như vại…
Theo thông tin từ Ban Chỉ đạo 389 (Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả), từ trước đến nay các vụ phát hiện phân bón giả quy mô lớn đều từ nguồn tin từ báo chí cung cấp mà không phải do lực lượng chức năng phát hiện.
Trách nhiệm của cơ quan chức năng
Lực lượng quản lý thị trường, cơ quan tiên phong trong việc phát hiện hàng giả, kêu rằng không thể phân biệt được hàng giả bằng mắt thường, rồi chi phí không đủ (bao gồm cả phí giám định lẫn chi phí tiêu hủy hàng giả)…
Về phía trung tâm khảo nghiệm kiểm định, theo kết luận số 235 ngày 28/4/2016 của Bộ NNPTNN, Thanh tra Bộ này khi tiến hành kiểm tra 11 trung tâm khảo nghiệm kiểm định, thì 100% đều vi phạm các nghị định, thông tư về quản lý khảo nghiệm phân bón. Trong khi đó, các trung tâm này đều thuộc sự quản lý của... Bộ Công thương.
Lãnh đạo Bộ Công thương, thừa nhận: “Phòng thử nghiệm chứng nhận hợp quy đáng lẽ là nơi tôn nghiêm, là công cụ để quản lý tốt nhất thì không ít cơ sở phòng thử nghiệm coi thường quy định pháp luật, tiếp tay cho DN làm ăn phi pháp, làm hàng giả”.
Tình trạng buông lỏng quản lý, không xử lý nghiêm các đối tượng vi phạm pháp luật, lợi ích nhóm, bảo kê, bao che còn phổ biến ở nhiều địa phương. Việc giao cho hai Bộ cùng quản lý về phân bón dẫn đến việc quản lý mặt hàng phân bón càng phức tạp nhưng lại lỏng lẻo hơn.
Để giải quyết những vấn đề trên, Hiệp hội Phân bón Việt Nam cùng đại diện các bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công Thương và doanh nghiệp kiến nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung Nghị định 202/2013/NĐ-CP, Thông tư 41 và 29 về quản lý phân bón theo hướng quy định cụ thể hơn trách nhiệm của chính quyền các cấp ở địa phương khi để xảy ra những vụ việc vi phạm về sản xuất, kinh doanh phân bón giả, kém chất lượng...
Bên cạnh đó, kiện toàn và tổ chức lại hệ thống Trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định của hai bộ về phân bón vô cơ và hữu cơ. Đồng thời, tăng mức chế tài xử phạt đối với cơ sở, cá nhân sản xuất, kinh doanh cũng như trung tâm kiểm nghiệm, kiểm định về phân bón.
Ngoài ra, cần tổ chức đợt tổng kiểm tra hệ thống sản xuất, kinh doanh phân bón trên toàn quốc; trong đó làm điểm ở các địa bàn Tp. Hồ Chí Minh, Đồng Nai, Nghệ An; cương quyết xóa sổ những đơn vị không đủ điều kiện quy định để góp phần lập lại trật tự thị trường phân bón.
Đặc biệt, để phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo lợi ích cho người nông dân cũng như doanh nghiệp sản xuất trong nước, Hiệp hội Phân bón Việt Nam, Bộ Công Thương, Bộ NNPTNT cùng nhiều doanh nghiệp đều kiến nghị sớm sửa đổi Luật 71/2014/QH13.