Tháng 3 năm 2011, tôi đang ngồi trên xe của Trung Nguyên ở Ban Mê Thuột cùng Đại sứ Phạm Sanh Châu và Đại sứ Nga Andrey Kovtun, chợt điện thoại của Sanh Châu réo lên. Sanh Châu nghe máy rồi nói: “Yên tâm đi, không bị bắt cóc đâu. Đại sứ Nga đang đi cùng với anh, bọn anh chuẩn bị đến chỗ gặp Đặng Lê Nguyên Vũ.”
Quay sang phía tôi, Sanh Châu nói: “Bên an ninh thấy hai đại sứ mất tích nên gọi điện gấp ra Bộ Ngoại giao ngoài Hà Nội. Vì đang ở Tây Nguyên nên họ cũng sợ hai đại sứ bị bắt cóc.”
Thì ra, lúc đoàn ngoại giao vừa kết thúc chuyến thăm nhà sàn của người dân tộc, Sanh Châu nói với tôi hãy tách đoàn lên cùng xe với ông và Đại sứ Kovtun. Tối hôm trước, tôi đã phải từ chối cuộc nhậu do TBT Báo Thanh Niên Nguyễn Công Khế mời các anh Trần Đình Thiên, Võ Trí Thành, và Đặng Lê Nguyên Vũ, để chờ Sanh Châu để phỏng vấn. Rất tiếc, Sanh Châu lại bận suốt tối…
Phạm Sanh Châu trong một lần phiên dịch cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt (Ảnh nhân vật cug cấp)
|
Gặp gỡ xong Vũ Trung Nguyên, Sanh Châu rủ tôi đi ăn cơm trưa rồi nói “hỏi gì thì hỏi”, bởi sau đó ông phải ra sân bay về Hà Nội. Ông chuẩn bị lên đường đi đại sứ ở Bỉ và EU. Lần đầu tiên, kể từ khi tôi biết Sanh Châu, chúng tôi là hàng xóm ở khu tập thể 151 Lê Duẩn từ thuở mặc quần thủng đít, hai đứa ngồi nhậu với nhau.
Trong cuộc nhậu, Sanh Châu kể với tôi rằng ông muốn tận dụng khoảng thời gian ngắn ngủi gặp Đại sứ Kovtun để vận động Nga bầu cho di tích Thành Nhà Hồ là Di sản Văn hóa Thế giới. Ông vẫn thường sử dụng những thời gian gặp gỡ để vận động đại sứ các nước bầu cho di sản của Việt Nam.
Sanh châu đẻ ngọc
Bác Khang, mẹ Sanh Châu, có 5 người con trai và 2 cô con gái. Anh em trai của Sanh Châu đều có đệm mang ý nghĩa riêng: Chí Thiện, Tài Thành, Minh Khánh, hay Chí Tín. Riêng Sanh Châu có ý nghĩa là “sanh châu, đẻ ngọc”, vì bác Khang đẻ Sanh Châu khi đã 53 tuổi.
ĐS Phạm Sanh Châu kể lại về cái tên của mình rằng: “Tối hôm đó, Tổng thống Myanmar chiêu đãi đoàn ngoại giao. Má tôi là Nguyễn Thị Vân Khang, phu nhân Đại sứ Phạm Ngọc Quế, mở một con trai, và thấy có viên ngọc. Ba tôi cảm hứng nói luôn là “Lão Bạng Sanh Châu”, theo thơ Đường có nghĩa là “Con Trai già sinh viên Ngọc Quí”!
Đêm hôm đó, ba tôi mơ thấy một ông tiên nói là sẽ có con trai, và đó là con trai út. Mà trai càng già thì ngọc càng quí. Lúc đó, mẹ tôi, ngoài 50 tuổi, đang có mang, và sau đó sinh ra tôi.”
Chúng tôi biết nhau từ khi còn nhỏ. Vì muốn Sanh Châu tập đá bóng cho khỏe người ra, hồi đó Sanh Châu gầy lắm, hai chân khẳng khiu, nên bác Khang cứ bảo tôi dẫn Sanh Châu ra công viên, cạnh rạp xiếc, để tập đá bóng. Nhưng đụng một cái vào quả bóng, Sanh Châu đã ngã ngửa ra, ê hết đít. Thế là bỏ luôn ý định chơi bóng.
Nhưng Sanh Châu học rất giỏi, và chịu khó học. Sanh Châu học giỏi toán, nhưng lại đăng ký vào Trường Đại học Ngoại giao. Sanh Châu là người duy nhất trong gia đình kế nghiệp cha ông - Đại sứ Phạm Ngọc Quế.
Phiên dịch cho Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh internet)
|
Sanh Châu học tiếng Pháp ở trường, nhưng khả năng tiếng Anh, được đào tạo 3 năm ở Trường Phố thông Trung học chuyên ngoại ngữ Lý Thường Kiệt và tự học thêm, của ông mới thực sự đáng nể. Đại sứ Nguyễn Vũ Tú có kể rằng trong dạ hội tiếng Anh do lớp ông tổ chức, Sanh Châu, học kém 2 khóa, nói tiếng Anh như gió khiến mọi người đều lác mắt.
Sanh Châu ra trường, đi bộ đội ở Binh chủng Pháo binh 2 năm, được vào Đảng Cộng sản Việt Nam, rồi trở về Bộ Ngoại giao làm ở Vụ Vấn đề chung. Nhưng những năm tháng đáng nhớ nhất của Sanh Châu là thời gian làm phiên dịch cho các lãnh đạo cao cấp của Việt Nam, suốt từ khi làm ở Vụ Vấn đề chung đến cuối 1999, khi.Sanh Châu đi Pháp làm đại sứ ở UNESCO.
Những kỷ niệm đáng nhớ trong nghề phiên dịch
Sanh Châu làm chuyên viên Phòng Nghiệp vụ Ngoại ngữ năm 1991, trước khi lên trưởng phòng sau đó 2 năm. Trong thời gian làm phiên dịch, ông đã dịch cho 10 vị lãnh đạo cao cấp, trong đó những người mà ông nhớ nhất là Chủ tịch nước Lê Đức Anh, Thủ tướng Võ Văn Kiệt và Thủ tướng Phan Văn Khải.
Nhiều người đánh giá rằng Sanh Châu đã thành công trong việc dịch thoát ý cho các lãnh đạo cấp cao trong thời kỳ chuyển đổi kinh tế từ bao cấp sang thị trường. Có lần Sanh Châu tâm sự: “Tôi phải hiểu văn hóa của hai bên, hiểu rõ vấn đề nội bộ từng bên, và hiểu rõ toàn bộ bối cảnh, từ đó mới dịch. Cái đích cuối cùng là chuyển tải mục đích người nói muốn gì, chứ không phải từng câu đơn lẻ.”
Cố Thứ trưởng Lê Mai đã từng nói với Vụ Báo chí và Vụ Châu Mỹ rằng “phải nói Sanh Châu giỏi thật đấy, ông Võ Văn Kiệt nói mình chẳng hiểu gì, toàn phải dựa vào phần dịch tiếng Anh của Sanh Châu để ghi biên bản.”
Để làm được điều này, ngoài thời gian chuẩn bị tài liệu, Sanh Châu dành rất nhiều thời gian bên các lãnh đạo cấp cao mà Sanh Châu đi dịch, để hiểu cách suy nghĩ và diễn đạt, cũng như thói quen của từng người. “Chỉ cần bác Kiệt nói nửa câu là mình biết bác định nói gì”, Sanh Châu nêu ví dụ.
Mãi đến năm 1993, Sanh Châu mới được học lớp phiên dịch đầu tiên của Liên minh châu Âu tại Bỉ. “Tôi có năng khiếu, nhận thức được, và tự đào tạo để có quan niệm riêng về dịch, trước khi khẳng định quan niệm đó tại khóa học bài bản”, Sanh Châu nói.
Kỷ niệm đáng nhớ nhất của tôi về Sanh Châu lại liên quan đên chuyện khác - đó là lần Trung tâm Báo chí (Bộ Ngoại giao) tổ chức lễ Noel. Vũ Bình, hồi đó đã chuyển từ TTBC lên Phòng Phiên dịch, cũng đến dự, và nói Sanh Châu cũng tới dự góp vui.
Chúng tôi chờ chừng một tiếng mới thấy Sanh Châu xuất hiện, chân cà nhắc phải có người dìu. Hóa ra, Sanh Châu tham gia đá bóng, và bị đốn ngã. Lúc đó, nhớ lại chuyện đá bóng ngày xưa, tôi nghĩ “Sanh Châu đã trưởng thành hoàn toàn.”
Nhưng có lẽ điều lớn nhất mà Sanh Châu học được khi đi làm phiên dịch cho các lãnh đạo cấp cao là học được cách ứng xử trong những tình huống gay cấn, những cách nói có thể thuyết phục người khác, và quan trọng nhất là “cách nghĩ lớn”.
Tôi có thể thấy rõ điều này, khi phỏng vấn (Phó Thủ tướng) Vũ Đức Đam cách đây hơn 20 năm, khi ông còn là Phó Chủ tịch UBND Bắc Ninh. Ông Đam nói: “Tôi đã tốt nghiệp đại học ở Bỉ, nhưng thời gian làm thư ký và trợ lý cho Thủ tướng Võ Văn Kiệt mới thực sự cung cấp cho tôi cách tư duy và ứng xử đúng đắn. Quãng thời gian đó còn hơn cả học tại một trường đại học.”
Ông Châu quảng bá tranh của các danh họa Việt Nam tại Ấn Độ(Ảnh nhân vật cung cấp).
|
13 lần vận động thành công cho Di sản Thế giới
Đến giờ tôi vẫn không hiểu tại sao Bộ Ngoại giao lại cử Sanh Châu đi làm đại sứ ở UNESCO cuối năm 1999. Có hai cách lý giải có vẻ dễ chấp nhận hơn cả:
Nguyễn Á Phi, chuyên viên Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO đã nghỉ hưu sớm, nói rằng có thể có những vị lãnh đạo không thích Sanh Châu, nhưng có việc cần vẫn cứ giao cho ông, vì Sanh Châu có khả năng làm tốt tất cả mọi việc. Còn tôi thì nhớ lại lúc nhỏ Sanh Châu rất thích múa bài Hoa Chăm pa – một cơ duyên dẫn Sanh Châu tới lĩnh vực văn hóa?
Trong thời gian làm đại sứ ở UNESCO, Sanh Châu được bầu làm Phó chủ tịch Hội đồng chấp hành UNESCO năm 2001, và Chủ tịch Nhóm soạn thảo Công ước 2005 về đa dạng biểu đạt văn hóa. Ông được đánh giá là đóng góp mang ý nghĩa lâu dài cho vai trò, vị thế và sự phát triển của UNESCO, như tham gia soạn thảo Công ước 2003 về di sản văn hóa phi vật thể.
Còn khi giữ chức Tổng Thư ký UBQG về UNESCO Việt Nam, kiêm Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO (Bộ Ngoại giao), Sanh Châu có công rất lớn trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan để vận động cho các hồ sơ di sản Việt Nam được UNESCO công nhận. Trong thời gian Sanh Châu làm TTK UNESCO Việt Nam và Vụ trưởng Vụ Văn hóa Đối ngoại có 13 di sản được công nhận, bởi Sanh Châu có cách làm riêng, không giống với người khác.
Giới thiệu ẩm thực Việt Nam trong buổi ra mắt CLC các Đại sứ yêu ẩm thực tại Ấn Độ (Ảnh do nhân vật cung cấp)
|
Ví dụ như vụ Hoàng Thành Thăng Long. Sanh Châu nói: “Chúng tôi biết rằng UNESCO là người ra đề bài, và dựa trên cơ sở đề bài này chúng tôi chọn ra những hồ sơ phù hợp để trình, và vận động để được công nhận. Còn đối với các học giả và chuyên gia trong nước, việc tranh luận dường như có mục đích tìm ra chân lý, hay chứng minh ai đúng ai sai.”
Trong vụ Hoàng Thành Thăng Long, các giáo sư, học giả Việt Nam đã tranh luận rất găng trong rất nhiều buổi họp, và dường như không có hồi kết. “Tôi đã thoáng sợ rằng nếu cứ tiếp tục như vậy, hồ sơ về Hoàng thành chắc sẽ phá sản”, Sanh Châu nhớ lại.
Ông đã phải thông báo rằng trong buổi họp sau rằng các giáo sư, học giả Việt Nam cứ tiếp tục thảo luận, nếu thống nhất được những điểm gì sẽ dịch ra và bổ sung vào hồ sơ. Còn các chuyên gia quốc tế, do Sanh Châu vận động UNESCO tài trợ cho 20.000 USD để thuê vào, đã cùng ông ở một phòng bên cạnh để viết hồ sơ, dựa theo tư liệu do mình cung cấp, theo đúng yêu cầu UNESCO.
Kết quả là sau gần 2 năm kể từ khi đăng ký, Hoàng Thành Thăng Long đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới, đúng vào 31.7 năm 2010, năm mà Hà Nội tổ chức Lễ Kỷ niệm 1000 năm Thăng Long.
Trình quốc thư lên Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind
|
Ứng cử Tổng Giám đốc UNESCO
Sanh Châu từng nói với tôi: “Khi đang làm Đại sứ EU ở Bruxeles (Bỉ), tôi thấy bà Bokova người Bulgaria, một nước nhỏ vừa gia nhập Liên minh châu Âu, ra ứng cử vị trí TGĐ UNESCO thành công. Tôi mới nghĩ tại sao mình không thử xem.”
Trong một chuyến về nước công tác, Sanh Châu đã chia sẻ ý định đó cho các vị lãnh đạo mà ông quen biết. “Mọi người đều ủng hộ bằng lời nói, nhưng chỉ có nguyên Chủ tịch Lê Đức Anh thể hiện bằng hành động thiết thực - đó là viết thư cho Thủ tướng và Bộ trưởng Ngoại giao”, Sanh Châu nói.
Đương nhiên, để Thủ tướng đồng ý giới thiệu một người Việt Nam vào vị trí lãnh đạo cao nhất của một tổ chức chuyên môn của Liên Hợp Quốc là việc chưa từng có tiền lệ, và đòi hỏi một thời gian dài cân nhắc, xem xét trong Bộ Ngoại giao, cũng như tham khảo các ngành khác về nhiều mặt khác nhau. Cuối cùng, Thủ tướng đã chấp thuận.
Sau đó lại là quá trình đi vận động các nước ủng hộ, và vượt qua vòng phỏng vấn, bỏ phiếu nhiều vòng. Tổng Giám đốc lúc đó của UNESCO là bà Bokova đã trả lời phỏng vấn báo chí Việt Nam rằng “Việt Nam có một ứng cử viên rất chuyên nghiệp, có chuyên môn.”
Sanh Châu đã viết trên facebook trước mười ngày diễn ra cuộc phỏng vấn chính thức cho 9 ứng cử viên vào vị trí TGĐ ở UNESCO: “Trong cuộc đời dày dặn với chinh chiến với thi cử trong và ngoài nước, tôi chưa bao giờ cảm thấy sức ép về tâm lý lớn đến thế.” Sức ép về kiến thức, sức ép về thời gian, sức ép về truyền hình trực tiếp, và sức ép lớn nhất là đại diện cho quốc gia.
Tháp tùng Tổng thống Ấn Độ Ram Nath Kovind thăm Việt Nam
|
May mắn thay, Sanh Châu đã được xem phim “Tìm người lính trẻ Việt Nam”, do NDN (Nhật Bản) sản xuất, phát trên VTV1, sau đó ông cảm thấy “tự tin hơn bao giờ hết”, bởi vì các anh “sẽ tiếp thêm sức mạnh, giúp mình mang về niềm kiêu hãnh cho dân tộc”.
Sanh Châu vượt qua vòng 2 với 5 phiếu ủng hộ, so với 2 phiếu lần 1, trước khi quyết định rút ngay trước vòng 3. Một cán bộ Bộ Ngoại giao, người được phân công theo sát Sanh Châu trong quá trình này, có nói: “Sanh Châu, so với các ứng cử viên khác có nhiều bất lợi, bởi họ được cả bộ máy trong nước ủng hộ, cả về uy tín lẫn tiền bạc. Trong khi người lãnh đạo cao nhất được phân công hỗ trợ Sanh Châu chỉ là Thứ trưởng Lê Hoài Trung.”
Ví dụ, Qatar, nước cùng Pháp còn sót lại ở vòng bỏ phiếu cuối cùng, dành rất nhiều tiền bạc cho chiến dịch tranh cử của ứng cử viên nước họ. Còn Pháp, có ứng cử viên thắng cử, thì ngay cả Tổng thống Macron cũng tham gia trực tiếp vào cuộc vận động tranh cử của bà Audrey Azoulay, ví dụ như hẹn gặp riêng Tổng thống Hàn Quốc đề nghị nước này ủng họ cho ứng cử viên của mình…
Trong Bộ Ngoại giao lại có nhiều ý kiến cho rằng Phạm Sanh Châu đã thành công, khi ông được phong hàm trợ lý bộ trưởng (một cương vị cần thiết để tham gia ứng cử)?!
Tổng Lãnh sự hiện nay tại Fukuoka (Nhật Bản) Vũ Bình, lúc đó là Vụ phó Vụ Văn hóa Đối ngoại và UNESCO, đã nói với tôi: “Nếu trở thành Tổng Giám đốc UNESCO thì uy tín và vị thế còn cao hơn nhiều so với cả thứ trưởng Bộ Ngoại giao.”
Tôi lại nghĩ rằng điều quan trọng nhất là Sanh Châu đã có suy nghĩ và hành động (tuy chưa thành công) là dám vượt khỏi tầm Việt Nam để góp phần tham gia với thế giới. Có lẽ, đây là cái điều quan trọng nhất ông học được từ các vị lãnh đạo cao cấp – học cách nghĩ lớn.
Hẳn là những chuyện hay ho về Đại sứ Phạm Sanh Châu, người dám nghĩ lớn và dám hành động, sẽ còn những diễn biến thú vị. Nhưng kết cục chắc phải chờ khi ông hoàn thành nhiệm vụ đại sứ ở Ấn Độ, ở một đất nước đông dân, giàu màu sắc văn hóa, và cũng là nguồn cảm hứng đa dạng với thế giới.