Liên quan đến việc cư dân tòa nhà Keangnam Hanoi Landmark Tower (Nam Từ Liêm, Hà Nội) đã gửi văn bản “kêu cứu” Thủ tướng Chính phủ trước lo ngại mất trắng toàn bộ số tiền khoảng 160 tỷ đồng phí bảo trì, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã yêu cầu UBND TP Hà Nội kiểm tra, xử lý theo thẩm quyền và quy định hiện hành, báo cáo Thủ tướng những vấn đề vượt thẩm quyền.
Theo sự chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, chiều 1/6, các cơ quan chức năng của Hà Nội như đại diện Sở Xây dựng, Thanh tra Sở Xây dựng, UBND quận Nam Từ Liêm… đã làm việc với chủ đầu tư là Công ty TNHH MTV Keangnam Vina và Ban quản trị nhà chung cư Keangnam Hà Nội về việc quản lý, sử dụng quỹ bảo trì chung cư.
Thông tin từ Ban Quản trị chung cư Keangnam cho biết, tại cuộc họp UBND Quận Nam Từ Liêm đã ra công văn số 652/UBND-QLĐT yêu cầu Công ty TNHH MTV Keangnam Vina có trách nhiệm bàn giao kinh phí bảo trì 2% của tòa nhà xong trước ngày 10/6/2015.
“Trong trường hợp chủ đầu tư vẫn không thực hiện bàn giao quỹ bảo trì 2% cho Ban Quản trị nhà chung cư và doanh nghiệp được Ban quản trị lựa chọn quản lý vận hành nhà chung cư quản lý vận hành nhà chung cư theo quy định, Ban Quản trị chung cư Keangnam có quyền thực hiện theo các quy định tại quyết định số 08/2008/QĐ-BXD ngày 25/5/2008 của Bộ Xây dựng và quyết định số 01/2013/QĐ-UBND ngày 04/01/2013 của UBND TP Hà Nội”, công văn của UBND quận Nam Từ Liêm nêu rõ.
Trước đó, trao đổi với Infonet, Ban quản trị cư dân cho hay: Chung cư Keangnam được xây dựng từ năm 2008 đến 2011 được đưa vào sử dụng, với 922 căn hộ cao cấp, giá bán trung bình 60 triệu đồng/m2 nên quỹ bảo trì chung cư Keangnam theo ước tính của Ban quản trị khoảng 160 tỷ đồng (chưa tính lãi suất ngân hàng), trong khi phía chủ đầu tư Keangnam thông báo chỉ là 125 tỷ.
Đến tháng 12/2014, Keangnam Vina thừa nhận số tiền quỹ bảo trì đã thu được là 125 tỷ (chưa tính lãi suất ngân hàng và diện tích bán lẻ mà chủ đầu tư giữ lại) và đã sử dụng sai mục đích số tiền này.
Đến tháng 3/2015, Keangnam Vina gửi công văn đề nghị trả quỹ bảo trì mỗi năm 5 tỷ đồng và trả trong vòng 25 năm. Phương án này Ban quản trị không chấp nhận do số tiền trả hàng năm nhỏ hơn lãi suất tiền gửi ngân hàng.
Theo Infonet