GS.TS. Nguyễn Viết Tiến – nguyên Thứ trưởng thường trực Bộ Y tế, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ sinh sản Quốc gia trả lời VietTimes sáng 14/10.
|
Chia sẻ với báo chí trong buổi sáng nay, 14/10, GS. Nguyễn Viết Tiến cho biết, vụ việc người chồng giả mạo hồ sơ để lấy phôi thai của vợ cũ tại Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) vừa qua khiến ông liên tưởng tới các trường hợp mang thai hộ, thậm chí môi giới mang thai hộ.
“Có trường hợp chồng làm giả giấy tờ của vợ để mang thai hộ, tới khi chuẩn bị lấy trứng thì người vợ thật đến. Cũng có nhiều trường hợp người chồng tới gặp bác sĩ, khẳng định sẽ chịu trách nhiệm, yêu cầu bác sĩ cứ chuyển phôi cho mình để cấy vào bụng người phụ nữ khác. Họ cứ năn nỉ, van nài nhưng chúng tôi không thể thực hiện được, thậm chí phải nói thẳng rằng “thế cậu có vào tù thay tôi được không” để từ chối cung cấp dịch vụ” – GS. Nguyễn Viết Tiến nói.
Bên cạnh đó, ông cũng ghi nhận trường hợp người chồng và tình nhân tới thụ tinh trong ống nghiệm, nhưng do không có giấy đăng ký kết hôn nên giả làm người vợ hợp pháp.
“Các trường hợp đó, bệnh viện phải ngay lập tức ngừng cung cấp dịch vụ” – GS. Nguyễn Viết Tiến chia sẻ.
Trong trường hợp của Bệnh viện Bưu điện, nhiều khả năng hồ sơ giấy tờ đã được người chồng làm giả tinh vi, giả chữ ký và giấy tờ tùy thân, giấy ủy quyền của người vợ để có thể thuận lợi lấy phôi.
Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) nơi xảy ra vụ việc.
|
Từ đây, ông cho rằng các bệnh viện, trung tâm hỗ trợ sinh sản phải tìm các cách thức, phương pháp quản lý chặt chẽ hơn, để hạn chế các trường hợp giả mạo hồ sơ, người nhà để chuyển phôi thai.
Nguyên Thứ trưởng Bộ Y tế gợi ý, bệnh viện có thể gọi điện mời riêng người vợ, người chồng tới bệnh viện làm việc trong cùng 1 ngày để kiểm tra, ký xác thực thay vì hoàn toàn tin lời của người chồng hoặc người vợ.
Trong trường hợp cặp vợ chồng đó đã ly hôn, cả hai người phải đồng thuận, xác nhận bằng văn bản thì bệnh viện mới đồng ý chuyển phôi, hoặc thực hiện các dịch vụ sinh sản. Nếu người vợ hoặc người chồng vắng mặt hoặc không đưa ra các xác nhận hợp pháp, bệnh viện có quyền từ chối cung cấp dịch vụ.
GS. Nguyễn Viết Tiến cũng chia sẻ thêm, hiện nay Bộ Y tế đang thúc giục các trung tâm, bệnh viện đưa vào ứng dụng quản lý bằng vân tay, mống mắt, kết nối các trung tâm sinh sản để tăng tính bảo mật. Song các bệnh viện và người dân phải đợi thêm một thời gian nữa thì hệ thống bảo mật cấp cao này mới có thể đi vào hoạt động.
Về các quy định pháp luật, GS. Nguyễn Viết Tiến cho biết, ông chồng này sẽ phải chịu xử phạt hành chính từ 30 - 40 triệu đồng, theo quy định của Nghị định 176/2013.
Cũng theo Nghị định 176, cơ sở y tế sẽ bị phạt tùy mức độ.
Trước đó, bà Nguyễn Thị N. (Quế Võ, Bắc Ninh) tố chồng cũ đánh cắp phôi thai của mình đang lưu trữ tại Bệnh viện Bưu Điện (Hà Nội) cho tình nhân là cô G.T.D (45 tuổi, Bắc Giang). Vụ việc ngay lập tức gây xôn xao dư luận.
Bác sĩ Nguyễn Thị Nhã, Trưởng Trung tâm hỗ trợ sinh sản của Bệnh viện Bưu điện đã xác nhận vụ việc và cho biết do người chồng làm giả giấy tờ và có thủ đoạn qua mặt các nhân viên y tế quá tinh vi, nên đã chuyển nhầm phôi thai, đồng thời, cho biết sẽ rút kinh nghiệm, tăng cường quản lý, siết chặt các thủ tục nhận phôi thai hơn nữa.