Phải ghi âm, ghi hình việc hỏi cung bị can từ 1/1/2020

VietTimes -- Kể từ ngày 1/1/2020 sẽ thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc. Đó là nội dung tại Đề án về cơ sở vật chất, bộ máy, cán bộ và lộ trình cụ thể thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Kể từ ngày 1/1/2020 thực hiện thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Mục tiêu của Đề án là tổ chức thực hiện quy định của Thông tư liên tịch số 03/2018/TTLT-BCA-VKSNDTC-TANDTC-BQP đến các cán bộ có liên quan việc thực hiện ghi âm, hoặc ghi hình có âm thanh trong hoạt động hỏi cung bị can (như cán bộ kỹ thuật của lực lượng hồ sơ, điều tra viên, cán bộ thực hiện công tác tạm giữ, tạm giam...); chuẩn bị các điều kiện vật chất, kỹ thuật phục vụ ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can phù hợp với yêu cầu, nhiệm vụ và thực tiễn công tác hỏi cung bị can trong hoạt động tố tụng hình sự.

Xây dựng bộ máy, cán bộ; đào tạo bồi dưỡng cán bộ, chiến sĩ để thực hiện ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can; xây dựng lộ trình và phân công nhiệm vụ cụ thể đối với cán bộ, cơ quan, đơn vị trong việc tổ chức triển khai thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Cùng với đó, chuẩn bị các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật phục vụ việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can; xây dựng tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện công tác ghi âm, ghi hình có âm thanh trong hỏi cung bị can.

Theo lộ trình thực hiện Đề án, năm 2019 hoàn thành Đề án tổng thể và triển khai đầu tư đảm bảo các điều kiện về cơ sở vật chất, kỹ thuật, tổ chức bộ máy và bố trí cán bộ thực hiện việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can.

Kể từ ngày 1/1/2020 thực hiện thống nhất ghi âm, ghi hình có âm thanh việc hỏi cung bị can trên phạm vi toàn quốc.

Kinh phí thực hiện Đề án do ngân sách nhà nước đảm bảo và được sử dụng trong dự toán ngân sách nhà nước hàng năm của các bộ, cơ quan trung ương, các địa phương theo quy định về phân cấp ngân sách nhà nước hiện hành.

Được biết, trước đó, Bộ Công an, VKSND tối cao, TAND tối cao và Bộ Quốc phòng đã ban hành thông tư liên tịch số 03/2018, có hiệu lực từ ngày 18/3/2018, hướng dẫn về trình tự; thủ tục thực hiện ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh; sử dụng, bảo quản, lưu trữ kết quả ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh trong quá trình điều tra, truy tố, xét xử.

Theo nội dung thông tư, cán bộ hỏi cung chỉ được thực hiện hoạt động tố tụng này khi bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh. Trường hợp không bố trí được thiết bị ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh thì không được tiến hành hỏi cung. 

Cán bộ hỏi cung hoặc lấy lời khai người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phạm tội (người bị hỏi cung) phải đăng ký với cán bộ chuyên môn tại cơ sở giam giữ hoặc trụ sở CQĐT, VKS để được bố trí phòng chuyên dụng trong việc ghi âm, ghi hình có âm thanh.

Sau đó, cán bộ hỏi cung làm thủ tục trích xuất đối với bị can bị tạm giam hoặc triệu tập bị can đang tại ngoại theo quy định (không được đưa bị can tại ngoại vào hỏi cung ở cơ sở giam giữ, trừ trường hợp đối chất với bị can đang bị tạm giam).

Thông tư nêu rõ, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh phải được thông báo cho người bị hỏi cung và ghi vào biên bản.

Theo quy trình, việc ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bắt đầu từ khi cán bộ hỏi cung nhấn nút bắt đầu. Cán bộ phải đọc thời gian bắt đầu và ghi rõ trong biên bản.

Trong quá trình hỏi cung có thế tạm dừng ghi âm hoặc ghi hình có âm thanh bằng cách nhấn nút tạm dừng.

Trước khi tạm dừng phải đọc rõ thời gian tạm dừng, lý do tạm dừng, khi tiếp tục làm việc cũng phải đọc rõ thời gian tiếp tục, quá trình này được ghi rõ trong biên bản,…