Phải chăng lỗi do “cò thủ tục”?

VietTimes -- Lâu nay, ở nước ta đã hình thành đội quân hùng hậu có tên “cò thủ tục”. Đối tượng này là có thể len lỏi vào bất cứ chỗ nào và sống rất khỏe miễn thu được lợi ích. Họ chính là một phần “lực cản” vô hình không chỉ làm tha hóa đội ngũ cán bộ, công chức mà còn khiến Nhà nước mất đi nguồn thu đáng kể. Phải chăng những yếu kém trong thực thi công vụ gây bức xúc trong xã hội hiện nay là do lỗi ở “cò”?
Ba "cò đất" bị lực lượng Công an tỉnh Trà Vinh bắt giữ vì có hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Ảnh: thanhnien.vn
Ba "cò đất" bị lực lượng Công an tỉnh Trà Vinh bắt giữ vì có hành vi “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí". Ảnh: thanhnien.vn

Vụ việc 3 “cò đất” và 5 cán bộ Phòng Tài nguyên - Môi trường (TNMT) TP Trà Vinh bị khởi tố, bắt giam vì hành vi câu kết vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí tới 120 tỷ đồng đang làm nóng dư luận. Nó như “giọt nước làm tràn ly” khiến nhiều người băn khoăn đặt câu hỏi về những kẽ hở trong cơ chế chính sách, trong công tác quản lý nhân sự và cả đạo đức của cán bộ, công chức thời nay.

“Cò đất” chỉ là một dạng của “cò thủ tục”, là danh xưng mà người dân đặt cho những đối tượng lấy nghề môi giới để kiếm cơm. Ở nước ta, cứ khi Nhà nước ban hành một chính sách mới là sinh ra “cò”.

Đối tượng này hiện diện ở đủ các nơi trong xã hội. Tùy lĩnh vực, tùy lợi ích thu được mà có nhiều loại “cò” với các tên gọi khác nhau. Nếu cơ quan chức năng kiểm soát nghiêm ngặt thì “cò” hoạt động bí mật, bán công khai; ngược lại, nếu thả lỏng thì sẽ hoạt động công khai, có khi rầm rộ.

Các đối tượng “cò vé” bóng đá trước SVĐ Mỹ Đình bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Các đối tượng “cò vé” bóng đá trước SVĐ Mỹ Đình bị cơ quan chức năng bắt giữ.

Ở bến xe, ga tàu có “cò vé” chuyên bán vé cho công chức nhà nước hợp thức giấy tờ thanh toán công tác, nghỉ phép. Ở bệnh viện có “cò bệnh viện”, chuyên chạy “lốt” khám trước và lấy kết quả trước hoặc cá biệt có môi giới để bán mô, tạng, đẻ thuê. Ở lĩnh vực giáo dục có “cò trường”, chuyên làm nhiệm vụ lo lót để chuyển trường hoặc vào các trường có uy tín. Trong lĩnh vực giải trí có “cò vé” xem chương trình nghệ thuật, thi đấu thể thao.

Nguy hiểm hơn cả là các loại cò: “cò thương binh”, “cò da cam”, chuyên giúp những đối tượng không đủ điều kiện hoàn thiện thủ tục được hưởng các chế độ người có công. Bởi khi chính sách Nhà nước được sử dụng không đúng đối tượng sẽ gây ra bức xúc trong xã hội. Đặc biệt, quá trình môi giới để hưởng lợi rất dễ dẫn đến lừa đảo mà phần thiệt bao giờ cũng là người dân.

Thực tế cho thấy, đã có hàng nghìn người ở nhiều địa phương bị thu hồi quyết định hưởng chế độ chính sách, bị cơ quan chức năng truy thu tiền, nhưng “cò” và cán bộ, công chức tiếp tay cho những việc làm ấy và bị pháp luật trừng trị chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Nổi cộm vẫn là “cò đất”, “cò chạy việc’, “cò dự án”. Do lợi ích lớn nên những đối tượng này hoạt động rất kín kẽ, tinh vi, rất ít khi để lộ thân phận và mối quan hệ với “người nhà nước”. Vì thế, cơ quan chức năng cũng khó có thể thu thập được bằng chứng và tìm ra chân tướng đề xử lý.

Thậm chí hiện nay, nhiều đối tượng “cò” đã lợi dụng sự cả tin của người dân, xưng là cán bộ nhà nước, thậm chí xưng cả là bộ đội, công an giữ chức vụ cao, có quyền, có khả năng lo lót chạy việc, "chạy án" để lừa đảo, kiếm tiền. Vụ việc Công an tỉnh Lạng Sơn tiếp nhận trình báo, đang tiến hành điều tra, truy bắt đối tượng giả danh cán bộ trong công an, viện kiểm sát, tòa án để lừa đảo hàng trăm triệu đồng qua hình thức chuyển tiền từ ngân hàng là một ví dụ điển hình trong hằng trăm ví dụ khác nhau mà xã hội đã biết.

Thế nên, muốn dẹp được hiện tượng “cò thủ tục” trong xã hội ta thì trước tiên cần phải quản lý được đội ngũ cán bộ, công chức làm việc ở những vị trí nhạy cảm liên quan đến làm thủ tục hưởng lợi từ chế độ chính sách trong cơ quan công quyền từ địa phương đến Trung ương.

Các đối tượng trong đường dây mua bán thận, một loại "cò viện" bị Công an bắt giữ hồi tháng 1/2019. Ảnh: anninhthudo.vn

Các đối tượng trong đường dây mua bán thận, một loại "cò viện" bị Công an bắt giữ hồi tháng 1/2019. Ảnh: anninhthudo.vn

Bởi trong mối quan hệ tay ba (người dân-cò-cán bộ, công chức) thì cán bộ, công chức có vai trò quyết định đến hiệu quả về nhu cầu mà người dân theo đuổi. Họ tham mưu, giúp việc hoặc trực tiếp thực thi quyền lực nhà nước nên hiểu rộng, nắm chắc thông tin và các chủ trương. Họ có thể ăn cánh với nhau để biến báo, hợp thức hồ sơ người dân đề nghị hưởng lợi ích mà vẫn rất đúng quy trình, quy định của Nhà nước.

Do vậy, những tiêu cực phát sinh bị lôi ra ánh sáng hoặc còn lẩn khuất trong bóng tối chưa chắc đã phải hoàn toàn do lỗi ở “cò thủ tục”.

Để chặn đứng hiện tượng “cò” trong xã hội thì việc cần nhất là phải quản lý được cán bộ, công chức trong các cơ quan công quyền. Trong đó, biện pháp tối ưu là tuyển dụng, đào tạo, điều động, bổ nhiệm phải công tâm, khách quan, dân chủ. Cùng với đó là thường xuyên kiểm tra, đánh giá trình độ, năng lực, đạo đức và duy trì kỷ luật công vụ nghiêm minh. Kiên quyết đưa ra khỏi ngành những đối tượng “có vết”.

Xã hội chỉ phát triển được khi Đảng, Nhà nước có chủ trương, chính sách đúng đắn và chiến lược hợp lòng dân. Nhưng mấu chốt của vấn đề là chủ trương, chính sách ấy có hiệu quả hay không lại phụ thuộc vào quá trình thực thi.

Nếu đề thực thi kém, nhiều tiêu cực thì chủ trương, chính sách đúng đắn và chiến lược hợp lòng dân ấy cũng chỉ là lý thuyết.