Phải chăng đã có dấu hiệu tan băng trong quan hệ Mỹ-Nga?

VietTimes -- Kết thúc chuyến thăm Nga ngày 14/5/2019, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Mike Pompeo cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn quan hệ Mỹ - Nga tốt đẹp và sẽ có lợi cho người dân hai nước. Còn Tổng thống Nga V.Putin cũng chia sẻ rằng ông và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã nói rất nhiều lần rằng họ muốn khôi phục hoàn toàn quan hệ Mỹ - Nga vì điều kiện cần thiết cho điều đó giờ đây đã có. Liệu đây có phải là tín hiệu tan băng quan hệ Mỹ-Nga hiện đang tồi tệ hơn cả thời kỳ Chiến tranh lạnh?
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Mike Pompeo (trái) cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn quan hệ Mỹ - Nga tốt đẹp và sẽ có lợi cho người dân hai nước.
Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Mike Pompeo (trái) cho biết Tổng thống Mỹ Donald Trump mong muốn quan hệ Mỹ - Nga tốt đẹp và sẽ có lợi cho người dân hai nước.

Donald Trump chưa có một chiến tích ngoại giao nào khi sắp kết thúc nhiệm kỳ 1

Chuẩn bị bước vào chiến dịch tranh cử tổng thống nhiệm kỳ 2 mà Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa hóa giải được bất kỳ hồ sơ quốc tế nào mà ông theo đuổi. Sau khi bước vào Nhà Trắng, với chủ trương “Nước Mỹ trên hết” và tư duy cho rằng Mỹ vẫn là siêu cường duy nhất, Tổng thống Donald Trump đã “đơn thương độc mã” trong cuộc cạnh tranh với gần như cả thế giới, trước hết là Trung Quốc và Nga.

Ông Trump đã phát động cuộc chiến tranh thương mại với gần như toàn thế giới và tuyên bố sẽ đàm phán và ký kết lại tất cả hiệp định tự do thương mại song phương mà trong đó Mỹ thâm hụt thương mại, trước hết là Trung Quốc. Ông Trump tự cho mình có quyền năng siêu đẳng có thể đơn phương buộc nhà lãnh đạo Kim Jong-un phải đầu hàng vô điều kiện trong việc hóa giải hồ sơ hạt nhân của Triều Tiên, thậm chí Cố vấn an ninh quốc gia của ông Trump là John Bolton tuyên bố như đinh đóng cột rằng giải pháp duy nhất để phi hạt nhân hóa Triều Tiên là theo “kịch bản Libya”.

Ông Trump quyết định đưa Mỹ rút khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) đã được Hoa Kỳ và 11 nước ký kết, trong đó có đồng minh then chốt là Nhật Bản; quyết định rút khỏi Hiệp định về biến đổi khí hậu Paris đã được đa số các thành viên LHQ tham gia; đơn phương rút khỏi Thỏa thuận của Nhóm P5+1 với Iran đã được Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc công nhận; đơn phương rút khỏi Hiệp ước Mỹ-Nga hủy bỏ tên lửa tầm ngắn và tầm trung. Ngoài ra, Tổng thống Mỹ Donald Trump còn quyết định tăng cường sự hiện diện quân sự ở Afghanistan để đánh bại Taliban. Ở Syria, ông Trump sẵn sàng đối đầu quân sự với Nga v.v. 

Đến nay, khi nhiệm kỳ 1 sắp kết thúc và cuộc chạy đua vào Nhà Trắng trong nhiệm kỳ 2 sắp diễn ra mà theo dự báo sẽ không kém gay cấn so với chiến dịch tranh cử năm 2016, Tổng thống Mỹ Donald Trump chưa giải quyết được bất kỳ hồ sơ nào mà ông theo đuổi. Đã đến lúc ông Trump nhận thấy nếu hành động theo phương thức đơn thương độc mã trong một thế giới toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng như hiện nay sẽ không thể giành được bất kỳ chiến thắng nào trong lĩnh vực đối ngoại.

Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức), tháng 7/2017.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Tổng thống Mỹ Donald Trump trong một cuộc gặp bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 tại Hamburg (Đức), tháng 7/2017.

Đã đến lúc, Mỹ cần hợp tác với Nga

Trên thực tế, trong chiến dịch tranh cử năm 2016, ứng cử viên Donald Trump từng tuyên bố rằng những ai cho rằng không nên hợp tác với Nga là “những kẻ ngu” và ông tuyên bố nếu đắc cử tổng thống ông sẽ cải thiện quan hệ với Nga. Tuy nhiên, chiến dịch do Đảng Dân chủ khởi xướng cáo buộc Nga can thiệp vào cuộc bầu cử năm 2016 để giúp Donald Trump thắng cuộc trước ứng cử viên Hillary Clinton đã cản trở mọi sáng kiến của Nhà Trắng cải thiện quan hệ với Nga.

Về hồ sơ điểm nóng hạt nhân Triều Tiên. Đơn phương hành động, Tổng thống Mỹ Donald Trump gần như đã rơi vào thế bế tắc. Ông Trump không biết rằng, không thể thiếu sự hợp tác với Nga để thực hiện chủ trương phi hạt nhân hóa ở quốc gia này bởi Nga không chỉ là quốc gia có biên giới giáp Triều Tiên và cũng là quốc gia đầu tiên giúp Triều Tiên xây dựng trung tâm nghiên cứu công nghệ hạt nhân-tiền đề khoa học và kỹ thuật từ năm 1956 để Bình Nhưỡng phát triển vũ khí hạt nhân được như hiện nay.

Vừa qua, Tổng thống Nga V.Putin từng tuyên bố, thế giới có thể quên sự kiện Mỹ ném 2 quả bom nguyên tử năm 1945 ở Nhật Bản-một quốc gia không sở hữu vũ khí hạt nhân. Do đó, Triều Tiên “sẽ không bao giờ từ bỏ vũ khí hạt nhân ngay cả khi phải ăn cỏ” do bị bao vây cấm vận một khi an ninh quốc gia của họ vẫn bị Mỹ đe dọa. Thậm chí, Tổng thống Mỹ Donald Trump từng tuyên bố sẵn sàng tấn công hủy diệt Triều Tiên nếu Bình Nhưỡng đe dọa Mỹ. Theo V.Putin, Triều Tiên chỉ có thể phi hạt nhân hóa một khi an ninh quốc gia của họ không còn bị đe dọa.

Matxcơva cũng ủng hộ chủ trương phi hạt nhân hóa và kịch bản duy nhất mà Triều Tiên chấp nhận nhân nhượng Mỹ trong lĩnh vực an ninh một khi Bình Nhưỡng chấp nhận phi hạt nhân hóa một khi Mỹ phải rút khỏi các căn cứ quân sự ở Hàn Quốc. Kịch bản này sẽ thay đổi căn bản cục diện lực lượng ở Viễn Đông nói riêng và Châu Á-Thái Bình Dương nói chung, trong đó yêu cầu Nhật Bản phải thoát khỏi ô hạt nhân của Mỹ. Ý tường này đã từng được Tổng thống Nga V.Putin đề xuất với Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe khi bàn về khả năng hai nước ký hiệp ước hòa bình.  

Về hồ sơ điểm nóng Afghanistan. Rõ ràng, Mỹ cùng với đội quân hùng hậu của NATO đã thất bại sau gần 20 năm tiến hành cái gọi là “cuộc chiến toàn cầu chống khủng bố” ở quốc gia này và hiện nay đang tìm cách rút lui trong danh dự. Để thực hiện điều đó, Mỹ không thể không hợp tác với Nga-quốc gia có quan hệ đối tác với cả chính quyền mới ở Cabul và Taliban. Ngày 25/4/2019, sau một thời gian đàm phán, Bộ trưởng Bộ ngoại giao 3 nước Nga, Mỹ và Trung Quốc đạt được thỏa thuận về một sự “rút lui có trật tự của quân đội nước ngoài” ra khỏi quốc gia này. Nếu đạt được điều này thì đây sẽ là thành tựu ngoại giao đáng kể của Tổng thống Mỹ Donald Trump bởi ông đã hóa giải được một hồ sơ hạt nhân phức tạp nhất để lại từ 2 tổng thống Mỹ tiền nhiệm là G.W.Bush và Barack Obama.  

Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP.
Tổng thống Mỹ Trump (trái) và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong-un tại Hà Nội ngày 27/2. Ảnh: AFP.

Về hồ sơ Syria. Sau khi Tổng thống Nga V.Putin quyết định phát động chiến dịch chống khủng bố ở quốc gia này vào ngày 30/9/2015, Tổng thống Mỹ Barack Obama hồi đó đã phát đi tín hiệu đe dọa rằng quyết định này của V.Putin là “lời tuyên chiến với Mỹ”. Sau khi lên cầm quyền, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã 2 lần ra quyết định tấn công các mục tiệu của Syria mượn cớ quân đội nước này “sử dụng vũ khí hóa học”.

Đây thực chất là đòn “giết gà (Syria) để dọa khỉ (Nga)”. Rút cuộc, “gà” không bị tiêu diệt còn “khỉ” thì chỉ đứng ngoài quan sát thất bại của bên tấn công. Cuối cùng, Nga cùng với Iran giúp đỡ chính quyền của Tổng thống Syria Bashar al-Assad đánh bại khủng bố và bắt đầu thực hiện tiến trình chính trị để lập lại hòa bình và tái thiết đất nước theo tiến trình Astana do Nga cùng với Thổ Nhĩ Kỳ và Iran đồng bảo trợ. Trong bối cảnh đó, Tổng thống Donald Trump đành phải tuyên bố “Mỹ sẽ rút quân khỏi Syria vì đã hoàn thành nhiệm vụ đánh bại IS” (!?). Còn Tổng thống Nga V.Putin không đưa ra bất cứ bình luận nào về tuyên bố này của ông Donald Trump bởi “im lặng là vàng”.  

Về hồ sơ cấm vận. Kể từ khi Donald Trump bước vào Nhà Trắng, lo sợ trước câu chuyện ông là “điệp viên của Putin”, Quốc hội Mỹ đã thông qua các đạo luật cấm vận Nga khắc nghiệt chưa từng có, trước hết là Đạo luật cấm vận chống Nga H.R.3364 nhằm đưa quốc gia này lâm vào tỉnh trạng khủng hoảng kinh tế và chính trị. Vì thế Đạo luật H.R.3364 được nhìn nhận như là quyết định của Quốc hội Mỹ châm ngòi cuộc chiến tranh thế giới mới [1,2]. Tuy nhiên, trên thực tế các biện pháp cấm vận của Mỹ không những không làm cho kinh tế Nga “vỡ vụn thành từng mảnh” mà còn thúc đẩy Nga phát triển hơn trước và phát huy ảnh  hưởng trên thế giới.

Về hồ sơ Libya. Can thiệp quân sự vào Libya và tiêu diệt tổng thống nước này là Muammar Gaddafi, Mỹ định biến quốc gia này thành “ốc đảo dân chủ và thịnh vượng” ở Bắc Phi-Trung Đông. Thế nhưng Libya lại trở thành thiên đường của chủ nghĩa khủng bố và nạn buôn người. Sau khi đập tan IS ở Syria, Nga bắt đầu ủng hộ lực lượng của tướng Khalifa Haftar  tiến hành cuộc chiến chống khủng bố ở Libya và uy hiếp chính thể do Mỹ dựng lên ở thủ đô Tripoli. Biết rằng cản lại lực lượng của tướng Khalifa Haftar là vô kích, Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút quân Mỹ khỏi Libya [3]. 

Về hồ sơ Ukraine. Ngay sau khi Công tố viên đặc biệt Robert Mueller hoàn tất cuộc điều tra kéo dài gần 2 năm với kết luận không có bất cứ bằng chứng nào chứng tỏ Donald Trump có quan hệ bí mật với Nga, ngày 3/5/2019 Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có bài trả lời phỏng vấn dài của hãng thông tấn Fox News. Trong đó, ông cho biết cơ quan điều tra Mỹ đang xem xét “những tiết lộ lớn và bất ngờ” về việc chính quyền Kiev đã tung ra khối lượng thông tin khổng lồ có tính chất phá hoại nhằm vào Paul Manafort là người lãnh đạo chiến dịch tranh cử của ứng cử viên Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016 để ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton.

Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là “tổng thống Venezuela”
Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là “tổng thống Venezuela” 

Bình luận về câu chuyện này, Donald Trump chia sẻ với “Fox News”:“Tôi cho rằng, xét về tính chất nghiêm trọng, vụ scandal này còn vượt xa vụ Watergate. Tôi nghĩ có thể đây là vụ bê bối lớn nhất trong lịch sử chính trị Hoa Kỳ”. Có thể, sự can thiệp của Ukraine vào cuộc bầu cử ở Mỹ năm 2016 để ủng hộ ứng cử viên Hillary Clinton sẽ là chủ đề sẽ được Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra trong chiến dịch tranh cử sắp tới và đây là một trong những lý do khiến quan hệ Mỹ-Ukraine sẽ khác trong thời gian tới [4].

Về hồ sơ Venezuela. Quyết định phi pháp của Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận thủ lĩnh đối lập Juan Guaido là “tổng thống Venezuela” và ủng hộ ông ra tiến hành cuộc đảo chính để lật đổ Tổng thống Nicolas Maduro đã thất bại. Trong khi đó, Tổng thống Nga V.Putin kiên quyết công nhận và ủng hộ Nicolas Maduro là tổng thống duy nhất hợp pháp của Venezuela.

Đến này, Mỹ đang đứng trước sự tiến thoái lưỡng nan: tiếp tục ủng hộ Juan Guaido cũng không xong mà ép buộc Nga không ủng hộ Nicolas Maduro cũng không được. Do đó, Mỹ cần phải đàm phán với Nga để tìm giải pháp thoát khỏi cuộc khủng hoảng Venezuela. Trong một bài viết trên tạp chí “National Interest”, chuyên gia nghiên cứu chính trị ở Mỹ, ông Ted Carpenter cho rằng Mỹ nên tìm cách thỏa thuận với Nga trong hồ sơ Venezuela.

Ông Ted Carpenter cho rằng đã từ rất lâu Washington từng can thiệp vào chủ quyền của các quốc gia trong không gian hậu Xô Viết vốn là nơi Nga có ảnh hưởng và lợi ích sống còn, gồm Ukraine, Gruzia và các nước vùng Baltic như Estonia, Latvia, Litva. Thậm chí, các nước vùng Baltic đã gia nhập NATO, còn Ukraine và Gruzia đã được xác định là ứng cử viên sáng giá gia nhập liên minh này. Do đó, việc Nga phát huy ảnh hưởng ở Venezuela, Cuba và Nicaragoa, ở mức độ nào đó, chỉ là biện pháp đáp trả chiến lược đông tiến của Mỹ kể từ sau Chiến tranh lạnh mà thôi [5].

Liệu quan hệ Mỹ-Nga có được cải thiện?

Trước khi Bộ trưởng Bộ ngoại giao Mỹ Mike Pompeo dự Diễn đàn Bắc Cực ở Phần Lan ngày 6/5/2019 và gặp Bộ trưởng Bộ ngoại giao Nga Sergei Lavrov, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã có cuộc điện đàm kéo dài gần 2 giờ giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin. Trong đó hai bên đề cấp đến sự hợp tác giữa Mỹ và Nga để hóa giải các điểm nóng Triều Tiên, Syria, Venezuela, Ukraine.

Sau cuộc điện đàm này, Tổng thống Mỹ Donald Trump cho biết:“Nhà lãnh đạo Nga (V.Putin) cho rằng chỉ có người dân Venezuela mới có quyền quyết định tương lai của đất nước họ. Nga kiên quyết chống lại sự can thiệp từ bên ngoài vào các vấn đề nội bộ của Venezuela và những nỗ lực nhằm thay đổi chính thể ở Caracas. Ông Putin chỉ muốn điều gì đó tích cực xảy ra ở Venezuela và tôi nghĩ như vậy. Tôi đã có cuộc nói chuyện rất tốt với Putin” [6].

Trong khi đó, ông Chuck Schumer, thượng nghị sĩ đến từ bang New York và là lãnh đạo nhóm thiểu số của Đảng Dân chủ tại Thượng viện, coi cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga V.Putin là "khủng khiếp" và "phá hoại nền dân chủ". Ông Mark Pokan, người của Đảng Dân chủ và là thành viên của Hạ viện từ bang Wisconsin, cũng viết trên Twitter rằng cuộc điện đàm của Tổng thống Mỹ Donald Trump với Tổng thống Nga V.Putin nên được coi là “hành động phản quốc”  [7].

Vì thế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria hy vọng rằng trong quan hệ Mỹ-Nga sắp tới sẽ không xuất hiện cái nút bấm với dòng chữ “перегрузка” có nghĩa là “gia tăng thêm áp lực” mà lẽ ra phải là dòng chữ “перезагрузки” với nghĩa “cài đặt lại” như chủ trương của Tổng thống Mỹ Barack Obama mà cựu Ngoại trưởng Hoa Kỳ Hillary Clinton đã trưng ra với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Nga Serge Lavrov năm 2009. Hành động này không biết là vô tình hay hữu ý nhưng quan hệ Mỹ-Nga dưới thời Tổng thống Mỹ Barack Obama hoàn toàn trái ngược với chủ trương hướng tới cải thiện. Vì thế, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Nga Maria Zakharova bày tỏ hy vọng rằng “sai sót” đó sẽ không lặp lại trong tương lai[8].

Tài liệu tham khảo

[1]https://www.congress.gov/115/bills/hr3364/BILLS-115hr3364eh.pdf

[2]http://maxpark.com/community/13/content/5937175

[3]https://regnum.ru/news/2620701.html

[4]https://cont.ws/@serfilatov/1308283

[5]https://topcor.ru/8508-amerikanskij-politolog-nashel-sposob-pomirit-rossiju-i-ssha.html

[6]https://newzfeed.ru/57673-putin-i-tramp-proveli-telefonnyj-razgovor-politekspert/?utm_source=push-notification&utm_medium=push-world&utm_campaign=push&utm_content=and

[7]https://actuallno.com/blog/43271895117/Trampa-naznachili-press-sekretaryom-Kremlya-i-obvinili-v-gosizme

[8]https://politexpert.net/152039-zakharova-prokommentirovala-ideyu-novoi-knopki-perezagruzki-otnoshenii-rf-i-ssha?utm_source=onesignal&utm_medium=push&utm_campaign=main