Phác đồ đúng ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang cứu sống bệnh nhân ngộ độc nguy kịch

Bệnh nhân bị ngộ độc sau bữa ăn tại Trung tâm Hội nghị Almaz được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa Đức Giang (Hà Nội) trong tình trạng nguy kịch, đã có dấu hiệu chuyển biến tích cực sau 2 ngày được điều trị đúng phác đồ.
Bệnh nhân ngộ độc nguy kịch ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang đã tiến triển tốt nhờ phác đồ chính xác.

Thông tin trên được ông Nguyễn Văn Thường - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang - cho VietTimes biết vào tối 21/12.

Các nạn nhân âm tính với methanol và ethanol

Như VietTimes đưa tin, ngày 19/12 đã xảy ra vụ nghi ngờ ngộ độc tại Trung tâm Hội nghị Almaz (đường Hoa Lan, khu đô thị sinh thái Vinhomes Riverside, phường Phúc Lợi, quận Long Biên) khiến 2 người tử vong và 14 người nhập viện. Người bệnh được điều trị tại Trung tâm Chống độc Bệnh viện Bạch Mai.

Kết quả xét nghiệm máu của 14 bệnh nhân đều âm tính với methanol và ethanol. Cho đến ngày 21/12, đã có thêm một số bệnh nhân phải lọc máu.

Riêng bệnh nhân được đưa vào Bệnh viện Đa khoa Đức Giang trong tình trạng rất nặng, đã có tiến triển tốt sau 2 ngày cấp cứu.

Theo bà Trần Thị Oanh, Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Đức Giang, bệnh nhân 52 tuổi được đưa vào cấp cứu với biểu hiện đau đầu, hoa mắt, chóng mặt, nôn nhiều lần, chuyển nặng nhanh chóng. Sau khoảng 1 tiếng, bệnh nhân đã rơi vào tình trạng vật vã, tím tái toàn thân, tụt huyết áp rồi hôn mê, rối loạn sóng điện tâm đồ, suy tuần hoàn.

Với các triệu chứng chưa rõ nguyên nhân, nhưng dựa trên tình trạng toan chuyển hóa tăng lên, các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang lập tức tiến hành cấp cứu theo hướng ngộ độc, hồi sức tích cực cho nạn nhân, đặt ống nội khí quản, thở máy, đồng thời, lọc máu cấp cứu liên tục, cùng với dùng kháng sinh phổ rộng, liều cao cho bệnh nhân.

Các bác sĩ đã cho xét nghiệm và gửi mẫu máu và mẫu nước tiểu đến Trung tâm chống độc Bệnh viện Bạch Mai kiểm nghiệm, nhằm đưa ra hướng điều trị chính xác.

Kết quả xét nghiệm khẩn cho thấy độc chất Ethanol là 11.8, Methanol: 2,7. Còn các chất Amphetaminm, Morphin, Metamphetamin âm tính.

Được điều trị tích cực, đúng phác đồ, đến tối 21/12, các chỉ số của bệnh nhân gần như bình thường, chỉ số cơ học phổi của bệnh nhân đã cải thiện, huyết động ổn định, tiểu tốt, chức năng thận cải thiện, tình trạng toan chuyển hóa cũng cải thiện tốt.

Ông Thường cho biết, với kết quả điều trị, bệnh nhân sẽ được cai máy thở sớm và kiểm soát tình trạng nhiễm khuẩn.

Nạn nhân ngộ độc điều trị ở Bệnh viện Đa khoa Đức Giang sẽ được cai máy thở

Chất gây ngộ độc có thể là tiền chất của Xyanua?

Theo nguồn tin riêng của VietTimes, kết quả xét nghiệm bước đầu cho thấy, có thể các nạn nhân bị ngộ độc Aceytinotrile.

Các triệu chứng và dấu hiệu ngộ độc cấp tính Acetonitril cấp tính bao gồm: Đau tức ngực, loạn nhịp tim, buồn nôn, nôn, hạ huyết áp, đau đầu, bồn chồn, co giật. Trong giai đoạn nhiễm độc cấp tính, nồng độ xyanua và thiocyanat trong máu tăng cao.

Aceytinotrile có thể hấp thụ dễ dàng qua đường tiêu hóa, da và phổi. Đặc biệt, tác dụng gây độc toàn thân dường như đều do sự chuyển đổi của Acetonitril thành xyanua.

Việc các bác sĩ Bệnh viện Đa khoa Đức Giang nghĩ đến ngộ độc khi chưa có kháng độc tố đặc hiệu và dùng quả lọc hấp phụ độc chất MG350 phối hợp lọc máu liên tục cho bệnh nhân, là phác đồ điều trị đúng, cứu cánh cho bệnh nhân nhanh chóng bước qua cơn nguy kịch và tiến triển tốt.

Hôm nay, một số bệnh viện cấp cứu nạn nhân vụ ngộ độc cũng bắt đầu sử dụng quả lọc máu hấp phụ để điều trị cho nạn nhân.

Theo các chuyên gia, Aceytinotrile có độc tính thấp, nhưng trong một số trường hợp Acetonitrile có thể chuyển hóa để tạo ra Hydro xyanua có độc tính cao. Aceytinotrile cũng được sử dụng là nguyên liệu sản xuất các dẫn xuất pyridine là chất trung gian của thuốc diệt cỏ sulfonylurea. Nó còn dùng để sản xuất vitamin B1 trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, pin, các sản phẩm cao su.