Phòng, chống thuốc lá mới hiệu quả: Đẩy mạnh truyền thông tới giới trẻ

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngay sau khi Quốc hội chính thức ban hành Nghị quyết cấm thuốc lá mới tại Việt Nam, sáng nay, 20/12, Bộ Y tế đã tổ chức hội thảo về xây dựng kế hoạch truyền thông trong phòng, chống tác hại thuốc lá (PCTHTL) mới, nhằm bảo vệ sức khoẻ người dân.

Giới trẻ là đối tượng truyền thông chính

BS Phan Thị Hải, Phó Giám đốc Quỹ PCTHTL (Bộ Y tế) cho biết, công tác truyền thông về PCTHTL sẽ được thay đổi để phù hợp tình hình mới. Theo đó, hoạt động truyền thông sẽ hướng đến đối tượng chính là thanh, thiếu niên. Bên cạnh đó là lãnh đạo các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức xã hội và người có uy tín trong cộng đồng để tham gia truyền thông về tác hại của thuốc lá mới.

VT_Hai.jpg
BS. Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ PCTHTL

“Mỗi đối tượng truyền thông sẽ có thông tin tiếp cận phù hợp, để tạo sự đồng lòng trong việc ngăn ngừa thuốc lá mới”, bà Hải chia sẻ.

GS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng, nhấn mạnh thuốc lá đang là vấn nạn y tế công cộng và gánh nặng bệnh tật do thuốc lá gây ra nhiều hơn cả đại dịch COVID-19: Số người tử vong do thuốc lá mỗi năm ở Việt Nam cao hơn nhiều so với cả đại dịch COVID-19. Tỉ lệ sử dụng thuốc lá mới tăng cao, đặc biệt là ở giới nữ.

Theo GS Minh, việc Quốc hội ra Nghị quyết cấm toàn bộ thuốc lá mới rất quan trọng, nhưng hoạt động truyền thông để nâng cao nhận thức về tác hại của thuốc lá mới càng quan trọng. Do đó, cần sự đổi mới, sáng tạo trong hoạt động truyền thông.

VT_Minh.jpg
GS Hoàng Văn Minh, Hiệu trưởng Trường Đại học Y tế công cộng

Truyền thông trên các nền tảng xã hội

Ông Vũ Mạnh Cường, Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khoẻ Trung ương, cho rằng mục đích của công tác truyền thông là hạn chế việc sử dụng thuốc lá. Do đó, cần nâng cao nhận thức cho đối tượng hàng đầu là thanh, thiếu niên với việc đẩy mạnh truyền thông số trên mạng xã hội như Tik Tok, Youtube, vì họ ít xem TV, ít đọc báo giấy, mà chủ yếu lướt web, dùng mạng xã hội.

Ông Cường cho rằng nội dung truyền thông chính với giới trẻ là tập trung về tác hại của thuốc lá mới với sức khoẻ và sức khoẻ sinh sản, cũng như các thủ đoạn tinh vi của ngành công nghiệp thuốc lá trong việc lôi kéo thanh, thiếu niên sử dụng thuốc lá mới, để họ cảnh giác.

“Nên tổ chức các cuộc thi trên các nền tảng mạng xã hội để thu hút giới trẻ tham gia. Tập trung tư vấn cho giáo viên, sinh viên khối trường sức khoẻ, đồng thời, thu hút sự đồng hành của những người nổi tiếng vào việc truyền thông ngăn chặn sử dụng thuốc lá mới”, ông Cường nhấn mạnh.

Phát biểu tại hội nghị, đại diện Vital lưu ý công tác truyền thông cần chú ý đến phụ nữ trẻ và nội dung cần xoá bỏ niềm tin mà các hãng thuốc lá gieo rắc. Hoạt động tuyên truyền cần tiến hành thường xuyên, để thay đổi thái độ và hành vi đối với thuốc lá mới.

Đại diện các tổ chức quốc tế, các nhà báo đều nhất trí rằng cùng với báo chí, mạng xã hội cũng là một kênh truyền thông quan trọng để tiếp cận giới trẻ với các hình thức phù hợp. Là năm đầu tiên thực hiện Nghị quyết của Quốc hội nên cần truyền thông về pháp luật với cả những người bán thuốc lá; cần làm sao để thanh niên chủ động nói về tác hại của thuốc lá mới với sức khoẻ.

Bộ Y tế cần chủ động cung cấp và định hướng thông tin cho báo chí, cho cộng đồng với từng nhóm nội dung phù hợp. Báo chí cần cái mới, do đó, cần cung cấp thông tin ngay cho báo chí; cung cấp các clip ngắn cho các nền tảng mạng xã hội.

VT_Lam.JPG
BS Nguyễn Lâm, Văn phòng WHO tại Việt Nam

BS Nguyễn Lâm, Văn phòng WHO tại Việt Nam, bày tỏ việc Quốc hội thông qua việc cấm thuốc lá mới ở Việt Nam là một bước đi quan trọng trong việc bảo vệ sức khoẻ người dân, đặc biệt là trẻ em.

Theo ông Lâm, kế hoạch truyền thông của Bộ Y tế cần làm tốt hơn nữa, rõ hơn nữa với cả thuốc lá mới và thuốc lá thông thường, chuyển tải được hiệu quả các thông điệp khác nhau và cần thiết. Một trong các nội dung quan trọng tới đây ngoài phòng, chống thuốc lá mới là còn ngăn ngừa sử dụng thuốc lá điếu, để bảo vệ sức khoẻ cộng đồng.