PV: Thưa ông, hiện nay đang có những ý kiến nhiều chiều về kết quả giám đốc thẩm vụ án Hồ Duy Hải của Hội đồng Thẩm phán TANDTC. Là người có kinh nghiệm nhiều năm tham gia xét xử ở Hội đồng Thẩm phán, là nhà khoa học trong lĩnh vực hình sự, ông đánh giá thế nào về kết quả phiên xử này?
PGS.TS Trần Văn Độ: Tôi không nắm được hồ sơ vụ án, không trực tiếp xét xử để làm sáng tỏ những vấn đề của vụ án…nên không thể nhận xét cảm tính về Quyết định giám đốc thẩm của HĐTP là đúng hay sai.
Tuy nhiên, xin nhấn mạnh một điều, việc Tòa án phán quyết khác với kháng nghị nói chung của Viện trưởng VKSNDTC là thường tình, thể hiện của nguyên tắc chế ước trong tố tụng hình sự. Tôi tin vào phán quyết với sự đồng thuận rất cao của Hội đồng bao gồm 17 Thẩm phán được Quốc hội, cơ quan quyền lực cao nhất của nước ta phê chuẩn theo tiêu chuẩn chặt chẽ do pháp luật quy định.
PV: Dư luận cho rằng việc ông Nguyễn Hòa Bình khi còn là Viện trưởng VKSNDTC đã ký quyết định không kháng nghị đối với bản án phúc thẩm xét xử Hồ Duy Hải và bây giờ lại là Chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm vụ án này là không khách quan, vi phạm pháp luật tố tụng hình sự. Vậy ý kiến của ông như thế nào về vấn đề này?
PGS.TS Trần Văn Độ: Điều 49 và Điều 53 BLTTHS 2015 quy định Thẩm phán phải từ chối tiến hành tố tụng hoặc bị thay đổi khi người đó đồng thời là người tham gia tố tụng hoặc người thân thích, người đại diện của người tham gia tố tụng có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; họ cùng trong một Hội đồng xét xử và là người thân thích với nhau; đã tham gia xét xử sơ thẩm, phúc thẩm hoặc đã tiến hành tố tụng vụ án với tư cách Điều tra viên, Cán bộ điều tra, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án.
Khoản 5 Điều 382 BLTTHS quy định khi xét xử giám đốc thẩm bằng Hội đồng toàn thể Thẩm phán TANDTC thì do Chánh án TANDTC làm Chủ tọa phiên tòa.
Ông Nguyễn Hòa Bình không thuộc các các quy định phải từ chối hoặc thay đổi. Cho nên, ông Bình tham gia và làm Chủ tọa phiên tòa giám đốc thẩm vụ án xét xử Hồ Duy Hải hoàn toàn không vi phạm quy định của pháp luật.
Thực tiễn từ trước đến nay cũng cho thấy trong nhiều vụ án, Chánh án TANDTC kháng nghị giám đốc thẩm và sau đó lại ngồi Chủ tọa phiên tòa xét xử giám đốc thẩm theo chính bản bản kháng nghị đó.
Tôi cho rằng, từ góc độ nghiên cứu pháp luật và hoạt động lập pháp có thể đặt ra vấn đề này để bảo đảm tính khách quan trong hoạt động tố tụng, nhưng nói rằng Chánh án TANDTC vi phạm pháp luật trong trường hợp này là không đúng.
PV: Hiện cũng có dư luận cho rằng việc Hội đồng Thẩm phán biểu quyết bằng cách giơ tay là không bảo đảm nguyên tắc độc lập của Thẩm phán khi xét xử. Ông nhận xét thế nào về điều đó?
PGS.TS Trần Văn Độ: Trong các quy định của tổ chức, văn bản pháp luật của Nhà nước liên quan đến vấn đề biểu quyết, nếu cần biểu quyết bằng cách bỏ phiếu kín thì văn bản đó đều quy định “Biểu quyết bằng cách bỏ phiếu kín” và việc biểu quyết trong trường hợp này phải được thực hiện bằng cách bỏ phiếu kín; còn trong các trường hợp khác khi văn bản phát luật ghi biểu quyết thì được hiểu là tùy trường hợp mà người chủ trì quyết định biểu quyết công khai bằng cách giơ tay hay bỏ phiếu kín.
Đối với phiên tòa giám đốc thẩm, khoản 3 Điều 386 BLTTHS quy định “Các thành viên Hội đồng giám đốc thẩm phát biểu ý kiến của mình và thảo luận. Hội đồng giám đốc thẩm biểu quyết về việc giải quyết vụ án”. Vì vậy, qua thảo luận, Chủ tọa quyết định biểu quyết bằng cách giơ tay là phù hợp, không có gì trái pháp luật.
Qua 2 nhiệm kỳ là thành viên Hội đồng Thẩm phán TANDTC, tham gia hàng ngàn phiên tòa xét xử giám đốc thẩm, tôi chưa thấy vụ án nào Hội đồng biểu quyết bằng cách bỏ phiếu kín cả. Các Hội đồng xét xử sơ thẩm, phúc thẩm, giám đốc thẩm khác cũng vậy.
Vấn đề biểu quyết, Hội đồng Thẩm phán đã biểu quyết từng vấn đề thể hiện quan điểm giải quyết vụ án là đúng với quy định của BLTTHS.
PV: Trân trọng cảm ơn ông!
(Theo Công Lý)