Trưởng thành từ một phóng viên, kinh qua nhiều vị trí như Phó Giám đốc Đài PTTH Nghệ An; Tổng Biên tập Báo Nghệ An kiêm Phó Trưởng ban Tuyên giáo Nghệ An; Vụ Trưởng Vụ Báo chí - Xuất bản; từ năm 2010 - 2016 là Phó Ban Tuyên giáo Trung ương; từ đầu tháng 3/2016 đến nay là Ủy viên T.Ư Đảng, Tổng Giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam, ông Nguyễn Thế Kỷ được đánh giá là người có nhiều trải nghiệm và hiểu biết sâu sắc về nghề báo, người làm báo từ chuyện bếp núc, thao tác nghiệp vụ, đào tạo cán bộ báo chí đến những vấn đề lớn, quan trọng như chỉ đạo, định hướng, xử lý thông tin, tham gia xây dựng chiến lược phát triển báo chí.
Nhân kỷ niệm 91 năm Ngày báo chí cách mạng Việt Nam 21/6, ông Nguyễn Thế Kỷ dành cho phóng viên Nhân Dân hằng tháng cuộc trao đổi chung quanh câu chuyện nghề báo, người làm báo, công tác quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, vấn đề mạng xã hội...
Nhanh chóng thay đổi tư duy, cách thức lãnh đạo, quản lý báo chí
Với sự xuất hiện của mạng xã hội, phải nhanh chóng thay đổi tư duy lãnh đạo, quản lý báo chí, ý kiến của ông về vấn đề này?
Chúng ta thấy gần và rõ hơn một thực tế: mạng xã hội đã và đang trở thành một thế lực thật sự, một đối thủ đáng gườm đối với báo chí truyền thống (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) và báo chí chính thống (được pháp luật cho phép hoạt động) và một điều hiển nhiên, không ai có thể ngăn cản, là sự phát triển đến chóng mặt của mạng xã hội và các phương tiện truyền thông trên internet.
Trước đây, nhiều vấn đề phức tạp, nhạy cảm xảy ra, thường thì các cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí có thể đề nghị báo chí không đưa tin hoặc đưa tin ở mức độ nào đó chẳng hạn. Nhưng bây giờ, tất cả đều có thể được đưa lên mạng xã hội, từ việc lớn của đất nước đến việc nhỏ của công dân, được tất cả các giới, các lứa tuổi, các vùng miền quan tâm. Công tác chỉ đạo, quản lý báo chí, do đó ngày càng khó khăn nên tư duy, phương pháp, phương châm cũng cần thay đổi.
Khi nói đến sự lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý báo chí là nói đến sự định hướng về nội dung tư tưởng, chính trị của báo chí; là việc xây dựng, bổ sung, hoàn thiện quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về báo chí; là nói đến công tác quy hoạch, đào tạo, bố trí, sử dụng cán bộ báo chí... Nhưng việc chỉ đạo, quản lý, định hướng cho báo chí hoạt động, dù ở tầm vĩ mô, cũng phải xuất phát từ thực tế cuộc sống, lấy thực tế cuộc sống làm điểm tựa.
Thí dụ, nếu kinh tế đất nước không phát triển tốt, thậm chí trì trệ, yếu kém; công cuộc xây dựng chỉnh đốn Đảng và bộ máy Nhà nước không thật sự có bước tiến mạnh mẽ, vững chắc; cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, thói vô cảm, vô trách nhiệm không đạt được kết quả nhất định thì dù có định hướng sát sao bao nhiêu, có tuyên truyền mạnh mẽ bao nhiêu cũng rất khó có được sự đồng thuận và tuân thủ một cách tự giác, đầy đủ từ phía cơ quan báo chí và dư luận xã hội. Nhiều cái chúng ta ngại nói, ngại thông tin công khai trên báo chí chính thống thì mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet sẽ “nói hộ”, thậm chí nói sai, nói theo kiểu xuyên tạc, vu khống.
Xã hội có bất cứ điều gì thì ngay lập tức mạng xã hội và các phương tiện truyền thông khác trên internet phản ánh ngay, tung hô, đồng tình hoặc phản đối, “ném đá”. Mạng xã hội vừa giành giật và chiếm lĩnh thông tin, vừa giành giật và chiếm lĩnh khán, thính giả, độc giả. Mạng xã hội bây giờ sử dụng rất tiện lợi nên ai cũng có thể tham gia.
Đề án Quy hoạch phát triển và quản lý báo chí toàn quốc đến năm 2025 đang được kỳ vọng sẽ tạo nên sự phát triển lành mạnh cho báo chí. Ông nghĩ gì về Đề án này?
Tôi cho rằng Đề án quy hoạch và phát triển báo chí được chuẩn bị công phu, nghiêm túc, tuy nhiên, để thực hiện nó lại không hề dễ. Tôi cũng là người tham gia xây dựng Đề án. Điều mà mọi người bàn nhiều nhất là bộ tiêu chí để đánh giá cơ quan nào thì ra báo, cơ quan nào thì có đài truyền hình, đài phát thanh, kênh truyền hình, cơ quan nào thì làm tạp chí, cơ quan nào là trang thông tin mà không phải là báo. Ở đây còn bộc lộ mâu thuẫn (hay sự tranh chấp) giữa lợi ích chung và lợi ích riêng; giữa bộ này với bộ kia, địa phương này với địa phương khác.
Đất nước ta có hơn 90 triệu dân và có hơn 840 cơ quan báo chí thì chưa hẳn đã nhiều. Nhưng chúng ta có quá nhiều kênh truyền hình, nhiều ấn phẩm phụ của cơ quan báo chí không vì lợi ích chung, không vì công chúng, mà chạy theo lợi ích cá nhân và “thương mại hóa” đơn thuần. Ngay nhiều đơn vị được giao quyền tự chủ, tự lập, không được bao cấp thì họ cũng “cấu” miếng bánh nguồn lực xã hội để sống. Có những đơn vị không nuôi được nhau nên để phóng viên đi “kiếm ăn”, xin quảng cáo, tài trợ chỗ này, chỗ kia làm cho hình ảnh cơ quan báo chí và nhà báo bị hoen ố, bị méo mó.
Việc thực hiện Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí tuy khó, có mặt phức tạp nhưng vẫn phải làm. Với các đài, kênh truyền hình, phải sắp xếp và giảm bớt các kênh, các chương trình nhạt nhẽo, vô bổ, thậm chí gây hại cho công chúng. Mỗi kênh truyền hình, để tồn tại và phát triển thì phải tự sản xuất được ít nhất 65-70% dung lượng thông tin, 30-35% nội dung còn lại có thể tự khai thác các đài, kênh truyền hình trong nước hoặc ngoài nước.
Nếu biến một kênh truyền hình thành rạp chiếu bóng, chỗ giải trí đơn thuần, chọc cười khán giả và thu tiền quảng cáo thì chức năng báo chí bị hạ thấp, kênh và chương trình truyền hình sẽ “giết chết” các ngành điện ảnh, sân khấu và các loại hình nghệ thuật khác.
Đều này còn được “tiếp tay” do một bộ phận công chúng “lười nhác”, dễ dãi, thường thích ngồi ở nhà xem ti-vi, họ ngại đi đến rạp hát, rạp chiếu bóng. Mỗi ngày mở ti-vi, chúng ta được xem, nghe nhiều chương trình bổ ích, hấp dẫn; mặt khác, chúng ta cũng chứng kiến không ít chương trình truyền hình non yếu, đề cao lối sống hưởng thụ, thị hiếu không lành mạnh của tầng lớp thị dân giàu có, hướng ngoại, chuộng ngoại và xa lạ với cuộc sống số đông. Một số chương trình truyền hình không những không góp phần giáo dục, định hướng thẩm mỹ, lối sống cho giới trẻ mà thậm chí, còn làm họ lệch chuẩn.
Đề án quy hoạch phát triển và quản lý báo chí, tôi nghĩ chúng ta thực hiện được, thực hiện tốt nhưng phải có quyết tâm chính trị cao, có cách làm và bước đi khoa học, phù hợp. Khi thực hiện, không nên coi đó là phép cộng hay phép trừ.
Theo tôi, cơ quan báo chí nào, kênh sóng, ấn phẩm báo chí nào thật sự cần cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; nội dung tốt, hình thức hấp dẫn, giàu chất văn hóa, nhân văn thì được ưu tiên; những cơ quan, những ai đi ngược lại, chỉ phục vụ cho một số ít, lợi ích của một số ít, “lợi ích nhóm” thì cần giảm thiểu hoặc cắt bỏ.
Theo đó, những gì phục vụ con người, nâng cao nhân cách, trí tuệ con người thì được đầu tư mạnh và bài bản. Những chỗ nào làm vai trò con người bị hạ thấp, có nguy cơ tha hóa con người thì gạt bỏ. Điều này còn tạo một sự công bằng, trong sạch trong môi trường truyền thông, kể cả môi trường và thị phần quảng cáo.
Quản lý báo chí không nên dùng mệnh lệnh hành chính
Ông từng giữ cương vị Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương phụ trách lĩnh vực báo chí xuất bản, văn hóa, văn nghệ là một nhiệm vụ khó khăn. Chỉ riêng công tác lãnh đạo, quản lý báo chí, làm sao vừa giúp báo chí hoạt động đúng đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật Nhà nước, vừa tạo được sự đồng thuận, chia sẻ, không áp đặt với các cơ quan báo chí và những người làm báo?
Làm công tác chỉ đạo, quản lý báo chí ở báo trung ương đương nhiên có hệ thống các quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước làm cơ sở chính trị để thực hiện nhiệm vụ. Chỉ đạo, quản lý một đội ngũ 17.500 nhà báo; thường xuyên tiếp xúc, trao đổi với đội ngũ tổng biên tập, phó tổng biên các cơ quan báo chí - những nhà báo chuyên nghiệp, những nhà quản lý tài giỏi, quả là điều không dễ.
Dù được trao trọng trách, có thể “có uy”, nhưng đối tượng quản lý là trí thức, là những người có nhiều năng lực và kinh nghiệm nên những người làm ở cơ quan chỉ đạo, quản lý báo chí phải luôn nâng cao kiến thức, tri thức, bản lĩnh, kinh nghiệm. Cần tạo ra và duy trì tốt mối quan hệ bình đẳng, cộng đồng trách nhiệm, chia sẻ, cảm thông, gắn bó. Có những vấn đề dù khó khăn, phức tạp, rất phức tạp, nhưng nếu cùng trao đổi, đi đến sự đồng thuận, thống nhất thì tạo được nhận thức và hành động phù hợp, đúng đắn. Nhưng nếu thiên về mệnh lệnh hành chính, máy móc, áp đặt thì khó tạo được sự đồng thuận, khó đạt kết quả, hiệu quả như mong muốn.
Nhớ lại câu nói của nhà báo Hữu Thọ lúc sinh thời khi ngồi tâm tình với tôi: Các bạn bây giờ vất vả hơn chúng tôi nhiều lắm. Thời chúng tôi chỉ có mấy tờ báo, số lượng ra không lớn, có các đài phát thanh, truyền hình với mấy kênh sóng, chưa có mạng xã hội, internet, có việc gì được coi là “phức tạp”, “nhạy cảm” thì Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương cùng Văn hóa-Thông tin (lúc đó) í ới với nhau, rồi gọi cho lãnh đạo các báo, thế là ổn. Nhưng bây giờ thì không thể như thế được. Bây giờ, đối tượng mà các bạn quản lý lớn gấp trăm lần chúng tôi trước đây, nhiều vấn đề, sự việc, phong phú hơn và cũng phức tạp hơn, chuyện trong nước, chuyện ngoài nước, chính thống, phi chính thống, thậm chí là sự chống phá của các lực lượng thù địch, phản động... Xã hội có vấn đề gì thì báo chí có những vấn đề như thế cho nên bắt buộc phải nhìn kỹ, nghĩ sâu, thao tác nhanh để xử lý hiệu quả.
PV: Xin cảm ơn ông!.
Theo Nhân Dân