Vụ nhà sư Thích Thanh Toàn xin xả giới, hoàn tục:

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: “Cần nhân rộng kinh nghiệm quản lý tiền công đức của Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam“

VietTimes – Sư thầy Thích Thanh Toàn sau khi có hành vi lệch chuẩn đạo đức đã phải làm đơn xin xả giới hoàn tục, song lại xin được giữ lại khối tài sản trị giá tới 200-300 tỷ đồng, và điều này đã trở thành chủ đề “nóng” trong những ngày qua. Trả lời phỏng vấn VietTimes, PGS.TS. Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam đã bình luận nhiều khía cạnh của vụ việc và gợi ý nên nhân rộng mô hình quản lý tiền công đức ở miếu Bà chúa Xứ Núi Sam, Châu Đốc, An Giang.
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam
PGS. TS. Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa nghệ thuật quốc gia Việt Nam

+ Thưa ông vụ, vụ việc ông Lê Hữu Long, nguyên là nhà sư Thích Thanh Toàn, có đơn xin xả giới hoàn tục, nhưng lại muốn được giữ khối tài sản 200-300 tỷ đồng, đang gây rất nhiều tranh cãi trong dư luận. Ông có thể cho biết ý kiến về vụ việc này?

- Việc nhà sư Thích Thanh Toàn hoàn tục có thể giúp giải thoát cho tất cả các bên liên quan cho vụ rắc rối của nhà sư này.

Tôi cho rằng, tất cả sự việc liên quan đến sư Thích Thanh Toàn chỉ chứng minh rằng nhà sư này không phải là người tu hành thực thụ, khi ông đã không tránh được những cám dỗ của tham, sân, si.

Việc trước kia đối với cô nhà báo, nay lại cố gắng giữ lại tài sản để làm giàu cho bản thân, là biểu hiện cụ thể của tham, sân, si. Kinh Phật đã dạy rằng, tham, sân, si là nguyên nhân gây ra bất hạnh, phiền não, ưu tư cho con người. Nếu tham, sân, si ngự trị thì cuộc sống sẽ đau khổ.

Là một nhà sư, chắc chắn ông Lê Hữu Long phải biết điều đó hơn bất kỳ ai hết, nhưng lại phạm phải những điều tối kỵ của nhà Phật. Đây cũng là bài học đắt giá cho những người khác, trước hết là trong giới tu hành, và không ngoại lệ đối với tất cả mọi người. Xã hội có những nguyên tắc đạo đức, mỗi nghề nghiệp có qui tắc đạo đức riêng.

Mỗi khi chúng ta chấp nhận theo đuổi một nghề nghiệp, một giấc mơ, chúng ta cần tuân thủ những nguyên tắc đạo đức đó. Nếu không, chúng ta đã sai, đã đi nhầm ngay từ vạch xuất phát. Và sự cố chắc chắn sẽ xảy ra ở đâu đó trong cuộc đời! Và cái giá cũng sẽ rất đắt! Tuy nhiên, vụ việc cũng đặt ra nhiều câu hỏi liên quan đến hoạt động của các nhà sư và các ngôi chùa ở một số nơi ở miền Bắc hiện nay.

Đây có lẽ không phải trường hợp cá biệt, vì thế, nếu chúng ta không xử lý tốt, ít nhất là thông qua dư luận xã hội để điều chỉnh, thì sẽ có những trường hợp các nhà sư khác phạm phải những vấn đề tương tự!

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn: “Cần nhân rộng kinh nghiệm quản lý tiền công đức của Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam“ ảnh 1

PGS.TS. Bùi Hoài Sơn – Viện trưởng Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam


+ Nhiều người cho rằng tài sản mà ông Lê Hữu Long xin giữ lại chính là tiền công đức của người dân cho chùa Nga Hoàng, chứ không phải để cho cá nhân ông Lê Hữu Long. Ông Nguyễn Quang Đồng - Viện trưởng Viện Nghiên cứu chính sách và phát triển truyền thông cũng cho rằng “Sư trụ trì chỉ là đại diện cho chủ sở hữu tập thể chứ không phải là chủ sở hữu”. Trong khi đó, Đại đức Thích Tâm Vượng lại nêu quan điểm "Người ta đã xả giới, ra đời thì người ta cũng cần phải có cái nguồn để sinh sống. Tài sản đó thầy cũng có ăn trộm ăn cắp đâu". Quan điểm của ông trước những ý kiến này?

- Thực ra quan điểm nào cũng có lý do tồn tại của nó. Nhà sư vừa đại diện cho cộng đồng, cho chùa, nhưng lại là một cá nhân cụ thể, tức là mọi người đến cung tiến cho chùa nhưng nhiều khi là vì uy tín, tiếng tăm của nhà sư. Không có chùa đó thì chưa chắc mọi người đã cung tiến, đóng góp cho nhà sư, nhưng cũng có thể vì có nhà sư như vậy, nên mọi người mới sẵn lòng đóng góp công của. Đây là hai mặt của một vấn đề, vì thế, việc xử lý vấn đề này thực sự khó khăn.

Việc phân xử lại khó khăn hơn nữa khi chúng ta không có qui định nào, cũng chưa có tiền lệ trong việc xử lý những vấn đề tương tự đến khi xảy ra chuyện ở chùa Nga Hoàng, nên tôi nghĩ rằng, việc dàn xếp mang tính dân sự có lẽ sẽ ổn thỏa hơn trong trường hợp cụ thể này.

Đây cũng là bài học để từ đó chúng ta có những qui định cụ thể hơn về việc xử lý các vấn đề tương tự sau này.

Về nguyên tắc, bao giờ cũng vậy, qui định là sự đúc kết, trải nghiệm thực tiễn. Đây chính là bài học được đúc kết đó. Vấn đề là chúng ta cần có cách xử lý hài hòa để hình thành nên những qui định quản lý sau này.

+ Do pháp luật Việt Nam hiện không thừa nhận nhà chùa có tư cách pháp nhân có quyền sở hữu tài sản, nên trong các giao dịch mua bán tài sản, sư trụ trì phải đứng tên sở hữu. Nếu người tu hành xâm phạm quyền và lợi ích hợp pháp của cơ sở thờ tự hay rộng hơn là của Giáo hội, thì các cơ quan quản lý nhà nước cần có sự điều chỉnh như thế nào, thưa ông?

- Đây chính là lỗ hổng về mặt luật pháp mà chúng ta cần điều chỉnh. Chúng tôi có được nghe một số gợi ý rằng cần quản lý các chùa như doanh nghiệp, theo đó, các nhà sư như là chủ doanh nghiệp, chịu trách nhiệm trước pháp luật về mọi hoạt động của chùa, và chịu trách nhiệm trước Giáo hội.

Tuy nhiên, do chưa có một nghiên cứu kỹ lưỡng nào về vấn đề này, và quản lý, điều hành tôn giáo thường rất khác so với các lĩnh vực khác nên tôi không thể có một gợi ý chính thức nào cho việc này cả. Ở đây, tôi chỉ thống nhất một chuyện, chúng ta cần xem xét lại hoạt động của các nhà sư trụ trì, luật pháp hóa các hoạt động này để bảo đảm các hoạt động này được vận hành trong khuôn khổ pháp luật. Điều này tốt cho cả Giáo hội và xã hội.

Trong một xã hội thượng tôn pháp luật, mọi hoạt động nên được vận hành trong khuôn khổ luật pháp. Tất nhiên có thể lưu ý đến những đặc thù của từng loại hình hoạt động nhưng vẫn phải luật hóa các quan hệ dân sự.

Sư thầy Thích Thanh Toàn xin được "xả giới, hoàn tục"
Sư thầy Thích Thanh Toàn xin được "xả giới, hoàn tục"

+ Việc quản lý tiền công đức ở các cơ sở tôn giáo đã được Bộ VHTT&DL và cả Bộ Nội vụ đặt ra từ nhiều năm, nhưng đến nay vẫn chưa có quy định chính thức về vấn đề này. Theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự lúng túng này?

- Trên thực tế, đúng là hiện nay chưa có một qui định cụ thể, chính thức của Nhà nước về việc tiền công đức được chi thế nào. Dù vậy, vấn đề quản lý, sử dụng nguồn thu, trong đó có tiền công đức của các cơ sở tôn giáo được qui định tại cả Luật Tín ngưỡng, Tôn giáo, Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, lẫn nội qui ban tăng sự Trung ương, tại cả chính các chùa.

Ngay từ năm 2014, Bộ VHTT&DL đã ban hành Thông tư liên tịch với Bộ Nội vụ số 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV về thực hiện nếp sống văn minh trong việc quản lý, sử dụng nguồn công đức, trong đó quy định: Người phụ trách (trụ trì), Ban quản lý cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo (nếu có) phải có phương thức thu nhận, quản lý và sử dụng nguồn công đức hiệu quả, đúng mục đích, đảm bảo thống nhất, đoàn kết giữa những người trong cơ sở tín ngưỡng, cơ sở tôn giáo; Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải công khai, có sổ sách rõ ràng, chi tiêu minh bạch.

Việc quản lý, sử dụng nguồn công đức phải tuân thủ các quy định của Thông tư liên tịch này và các quy định pháp luật khác có liên quan. Như vậy, chúng ta có những quy định, tuy nhiên, các quy định này, vì nhiều lý do, luôn phải mang tính mở.

Một trong những lý do quan trọng nhất, theo tôi, vì đây là tiền công đức của các cá nhân, tổ chức, không phải của Nhà nước, cho các chùa. Lòng hảo tâm của mọi người dựa trên cơ sở mong muốn đóng góp cho hoạt động của chùa tốt hơn, chính vì vậy, nhà chùa có quyền sử dụng các khoản tiền này vào những việc mà họ cho là phù hợp.

Nhà nước không thể ép buộc các chùa sử dụng tiền có được từ sự hảo tâm của mọi người vào việc này, hay việc kia, cũng không thể lấy tiền công đức cho chùa này để đem cho chùa khác hoặc làm việc khác mà không có sự đồng ý của phía nhà chùa.

Đây là câu chuyện chúng ta đã gặp phải từ những năm 50 của thế kỷ trước và đến giờ vẫn chưa giải quyết được một cách dứt khoát. Chính vì vậy, các qui định đưa ra cũng chỉ giống như những khuyến cáo mang tính mở. Chính vì tính mở nên tạo ra kẽ hở cho việc các chùa có thể áp dụng theo cách sư trụ trì cho rằng có lợi nhất.

+ Năm 2012, Bộ VHTT&DL đã giao Viện Văn hóa Nghệ thuật quốc gia Việt Nam thực hiện đề án nghiên cứu quản lý tiền công đức trong các di tích, đền chùa, nơi thờ tự. Ông có thể cho biết tình hình thực hiện đề án này ra sao?

- Do những vấn đề liên quan đến quản lý tiền công đức, nên để có cơ sở khoa học cho việc ban hành văn bản quản lý vấn đề này, năm 2012, Bộ VHTT&DL đã giao Viện tiến hành nghiên cứu đề tài “Chính sách huy động, quản lý và sử dụng nguồn đóng góp của tổ chức và cá nhân trong hoạt động bảo tồn di tích và tổ chức lễ hội”.

Đề tài đã chỉ ra sự phức tạp trong việc xử lý những vấn đề liên quan đến tiền công đức, kinh nghiệm xử lý tiền công đức ở một số di tích ở nước ta, và đề xuất một số giải pháp để thực hiện công việc này, trong đó đề cao các nguyên tắc: công khai, minh bạch. Việc hoàn thiện đề tài đã cung cấp các cơ sở khoa học để Bộ phối hợp ban hành Thông tư liên tịch 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV với Bộ Nội vụ.

+ Ông có thể cho biết một số mô hình quản lý tiền công đức tốt có thể nhân rộng?

- Theo quan sát của tôi, kinh nghiệm quản lý tiền công đức của Miếu Bà Chúa Xứ núi Sam có thể là bài học nhân rộng cho các địa phương. Việc quản lý được thực hiện như sau: Nguồn thu từ tiền công đức được thực hiện chủ yếu qua 3 hình thức: ghi sổ vàng, hòm công đức, vật phẩm cúng Bà có giá trị (biển, khánh vàng các loại), “lộc” Bà… Hòm công đức, lúc bình thường chỉ để một hòm ở khu vực trung tâm, một tuần mở một lần; vào cao điểm lễ hội tăng thêm vài hòm ở nơi thuận tiện, một ngày mở một lần. Khi mở có các thành phần: Lãnh đạo Ban quản trị lăng miếu, các hội viên tiêu biểu, đại diện chính quyền thành phố, Phòng kế hoạch tài chính thành phố, kế toán trưởng của Ban Quản trị lăng miếu.

Nguồn thu công đức được kiểm tra ghi sổ một cách minh bạch có nhiều bên chứng kiến. Tiền mặt được gửi vào kho bạc nhà nước và khi sử dụng phải có kế hoạch được chính quyền thành phố chấp thuận. Ban quản trị lăng miếu quản lý, sử dụng các nguồn thu đúng quy định, công khai, minh bạch.

Các khoản chi đều thông qua tập thể, các ngành chức năng thành phố bao gồm các khoản: Quỹ lương, mua sắm trang thiết bị; Tổ chức lễ hội; Trùng tu tôn tạo; Xây dựng các công trình phúc lợi xã hội, công tác từ thiện… Phòng Tài chính thành phố với sự chỉ đạo của UBND thành phố định kỳ  kiểm tra việc sử dụng tiền công đức do nhân dân đóng góp nhằm đảm bảo việc thu, chi đúng mục đích và quy định.

Cần quản lý tốt nguồn tiền công đức. Ảnh: Internet
Cần quản lý tốt nguồn tiền công đức. Ảnh: Internet

+ Theo ông, cần làm gì để quản lý tốt nguồn tiền công đức, ngăn chặn tình trạng không đáng có như vụ việc sư Toàn và không gây mất niềm tin trong nhân dân?

- Như tôi đã nói, việc quản lý, sử dụng nguồn tiền công đức, đóng góp cho các cơ sở tín ngưỡng, tôn giáo rất phức tạp. Chính vì thế, chúng ta có thể tham khảo các di tích khác nhưng khó có thể áp dụng một cách máy móc. Các di tích thuộc các loại hình tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, quy mô lớn, nhỏ khác nhau, đòi hỏi có cách quản lý khác nhau.

Tuy nhiên, không phải vì viện lý do phức tạp mà chúng ta bỏ qua, không quản lý hoạt động này. Để làm tốt được điều đó, theo tôi, chúng ta vẫn phải thực hiện trên tinh thần Thông tư liên tịch 04/2014/TTLT-BVHTTDL-BNV, đồng thời, cụ thể hóa chi tiết hơn nữa ở từng di tích, nhà chùa về việc thu tiền công đức, tiền đóng góp của khách thăm viếng, quản lý chi tiêu của các cơ sở tôn giáo tín ngưỡng trong đó quy định về mức thu, sử dụng khoản thu, được phần trăm (%) chi tiêu tu bổ sửa chữa, duy trì cảnh quan, cũng như số tiền chi vào các công việc cụ thể để công ích cho xã hội như sử dụng vào việc xây mới, cải tạo bệnh viện, trường học, các hoạt động nhân đạo như trợ giúp người gặp hoàn cảnh khó khăn, tàn tật, và hỗ trợ các nhu cầu cần thiết khác của xã hội.

Sự minh bạch, công khai, dân chủ là nguyên tắc căn bản để việc quản lý tiền công đức, các khoản đóng góp được thực hiện tốt hơn, tạo điều kiện cho các tôn giáo phát huy những giá trị tốt đẹp của mình, đồng hành cùng dân tộc trong việc phát triển bền vững đất nước!

+ Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Minh Thúy (Thực hiện)