Sau khi thống trị bảng xếp hạng doanh số smartphone Trung Quốc năm 2016, Oppo Electronics hiện đang ở thế “phòng thủ” – nỗ lực bảo vệ vương miện vua smartphone của mình, bởi vì theo chu kỳ thay đổi nhanh chóng của thị trường này, mỗi năm lại có một ông vua smartphone mới.
Kể từ năm 2013, nhãn hiệu bán chạy nhất tại thị trường smartphone lớn nhất thế giới đã vào cuộc nỗ lực giữ danh hiệu. Samsung của Hàn Quốc nhanh chóng bị Xiaomi của Trung Quốc hất cẳng, rồi Xiaomi lại bị Apple thế chân, sau đó lại đến Huawei. Không nhãn hiệu nào có thể giữ vững vị trí số 1 trong hơn 1 năm, và những hãng mất vị trí dẫn đầu nhanh chóng thấy thị phần của họ bị co lại. Không như trên thị trường toàn cầu, Apple và Samsung giữ vững vị trí số 1 và số 2 lâu dài, Trung Quốc rất mau chóng thay “vua smartphone”.
Chẳng hạn Xiaomi, đứng đầu thị trường smartphone Trung Quốc vào năm 2014, và đã giữ được vị trí đó gần 1 năm. Năm 2016, Xiaomi rơi xuống hàng thứ 5, doanh thu lao dốc 36%. Xiaomi giờ buôn bán hầu như bất cứ gì có thể tại Trung Quốc, từ quạt đến xe đạp – một dấu hiệu cho thấy sự phục hồi không phải là điều dễ dàng.
Thậm chí Apple cũng không tránh khỏi sự thăng trầm này. China Mobile, nhà mạng hàng đầu của Trung Quốc, đưa Apple lên cơn sốt vào năm 2014 bằng hợp đồng bán iPhone ở Trung Quốc. Apple lên vị trí số 1, hất cẳng Xiaomi. Nhưng mọi thứ lại nhanh chóng thay đổi, đến lượt Huawei lên ngôi. Năm 2016, Apple rơi xuống vị trí số 4. Samsung, dẫn đầu thị trường smartphone Trung Quốc vào 2013, giờ đã nằm ở vị trí số 6.
Thời của Oppo đến. Oppo phất lên bằng nhiều cách khi Xiaomi bị hạ bệ, đưa ra những mẫu máy giá rẻ. Oppo vừa bán qua mạng Internet, vừa đầu tư mạnh vào các cửa hàng vật lý để cung cấp dịch vụ khách hàng hiếm có tại Trung Quốc, mục tiêu là xây dựng giá trị nhãn hiệu Oppo.
Công ty cũng giữ mục tiêu bán các thiết bị tầm trung đến tầm cao ở mức giá khoảng 350 USD đến 450 USD. Nỗ lực bán hàng ở cả các thành phố lớn lẫn khu vực nhỏ hơn mang lại cho Oppo lượng khách hàng lớn.
Quy trình sản xuất “trong nhà” cũng mang lại lợi thế cho Oppo. Chiến lược này dường như tiết kiệm chi phí hơn các hợp đồng sản xuất của Xiaomi, cho phép Oppo có kinh nghiệm sản xuất hàng loạt, mang đến mối quan hệ hợp tác gần gũi hơn với các nhà cung cấp và có thể điều chỉnh sản lượng, tùy thuộc vào sự lên xuống của thị trường.
Tuy nhiên, rất khó nói những lợi thế này sẽ kéo dài bao lâu. Các nhà sản xuất điện thoại mới nổi dự kiên sẽ sao chép mô hình của Oppo, khiến cuộc cạnh tranh càng gay gắt trên một thị trường vốn đã rất gay gắt.
“Chúng tôi phải đi rất thận trọng”, một nguồn tin từ Oppo cho biết. Theo người này, Oppo là “một công ty trẻ, độ tuổi trung bình của nhân viên chỉ khoảng 30”, và “để giữ được đà phát triển hiện này là nhiệm vụ không đơn giản”.
Oppo vẫn xuất hiện khắp nơi tại Trung Quốc, ở các cửa hàng và quảng cáo, mục tiêu cuối cùng là giữ vững ngôi vua smartphone của nhãn hiệu này. Liệu điều này sẽ kéo dài được bao lâu?
Theo Nikkei