Ông Trương Quang Nghĩa: Hơn 85% vốn BOT giao thông vay ngân hàng, rủi ro rất lớn
Hồ Xuân Mai
VietTimes -- Một lần nữa Bí thư Thành ủy Đà Nẵng chia sẻ với cử tri Đà Nẵng về BOT giao thông và mổ xẻ những bất cập đối với các dự án đầu tư dưới hình thức này.
Sáng 12/12, trong chương trình làm việc báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa đã có buổi tiếp xúc cử tri với cử tri quận Hải Châu, tại đây Bí thư Đà Nẵng đã có chia sẻ nhiều vấn đề được cử tri quan tâm.
Rủi ro của BOT giao thông rất cao
Ý kiến với Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng tại buổi tiếp xúc, cử tri Tống Quốc Công (phường Phước Ninh) ý kiến, đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội xem xét yếu tố lợi ích quốc gia và tính hiệu quả của các dự án đầu tư trong thời gian qua. Nhất là các dự án thua lỗ, dự án BOT,... đã gây lãng phí. Và cho thấy việc thực thi luật pháp thật sự chưa nghiêm. “Những nội dung này cần được công khai thanh tra, kiểm tra. Công khai kết quả để cử tri biết”, cử tri Tống Quốc Công nói.
Cũng nội dung liên quan đến các dự án BOT, cử tri Vũ Tiến Dũng (trú phường Thạch Thang) đề nghị xử lý các trạm BOT. “Ý kiến này chúng tôi đã đề đạt từ thời Bí thư còn là Bộ trưởng Bộ GTVT nhưng đến nay vẫn chưa trả lời. Cử tri yêu cầu cần kiểm toán và giám sát rõ kết quả kiểm toán, thanh tra đối với dự án BOT”.
Trả lời vấn đề này, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chia sẻ: “BOT với là hình thức huy động nguồn lực của xã hội, chủ trương đúng đắn của Đảng, Chính phủ, nhiều dự án đã thành công. Nhưng thời gian qua, trong lĩnh vực giao thông lại xảy ra nhiều sự việc đáng tiếc”.
Sáng 12/12, trong chương trình làm việc báo cáo kết quả kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14 của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng
Theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, nguyên nhân đáng tiếc đối với dự án BOT giao thông khi huy động nguồn lực của xã hội cần xem xét là đã đạt chưa. “Và có thể nói lĩnh vực giao thông là chưa đạt và phát sinh nhiều vấn đề vì chủ yếu là vay ngân hàng nên rủi ro rất lớn. Vay thì vay ngắn hạn nhưng nguồn vốn thì trung han nên rủi ro ngân hàng nên rủi ro là rất lớn và chi phí vay ngân hàng cũng rất lớn. Thứ hai là những phiền hà của các trạm gây ra, từ vị trí trạm đến mức giá. Hiện nay cứ làm ồn ở đâu là tập trung xử lý là không ổn”.
Cũng theo Bí thư Trương Quang Nghĩa, từ tháng 12/2017, Bộ GTVT đã có văn bản rà soát lại tất cả các dự án BOT giao thông tại các địa phương, kiểm tra tất cả các bất cập từ vị trí trạm cho đến mức giá,…để có một quyết định chung chứ không thể cứ thấy ở đâu nóng lên là giải quyết là không được.
“Vấn đề lớn nhất của BOT là tập trung ở các dự án nâng cấp và thu phí. Khi nâng cấp thu phí thì ảnh hưởng đến quyền đi lại của người dân. Nên chúng ta đang bước vào giai đoạn rất khó khăn mà Bộ GTVT đang tập trung rất cao để giải quyết các dự án BOT trong thời gian vừa rồi.
Chính vì thế, khi tôi về Bộ GTVT được đúng một năm rưỡi thì sau tổng kết tháng 6 năm ngoái, Bộ GTVT đã cho tạm dừng tất cả các dự án BOT theo dạng như vậy. Các dự án BOT nào làm mới thì phải dựa trên nguyên tắc minh bạch về dự án, về chủ đầu tư, và để minh mạch chủ đầu tư thì phải đấu thầu, minh mạch về quá trình đầu tư và minh bạch về quá trình thu phí,…. Tất cả phải nêu tất cả các nội dung đó lên và đến nay thì chưa có dự án nào triển khai mới mà chủ yếu hiện nay là tập trung xử lý các dự án cũ”, Bí thư Trương Quang Nghĩa nhấn mạnh.
Cử tri Vũ Tiến Dũng ý kiến về các dự án BOT và công tác thanh tra, kiểm toán đối với loại dự án này
Hơn 85% đầu tư BOT là vay ngân hàng
Liên quan đến dự án BOT Cai Lậy, ông Trương Quang Nghĩa cho biết, Chính phủ đang chỉ đạo tập trung quyết liệt. Riêng về các dự án BOT thì Quốc hội, Chính phủ cũng đang tập trung làm rõ, đánh giá những cái bất cập. “Ủy ban kiểm tra Trung ương cũng đang có các dự án giám sát tất cả các dự án giao thông trên QL1 chứ không riêng dự án BOT từ Lạng Sơn đến Cà Mau mà sẽ cộng cả những dự án trọng điểm nếu có dấu hiệu bất thường.
Thứ nữa là Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước, Đoàn giám sát của đại biểu Quốc hội, Thường vụ Quốc hội đang tập trung xem xét, xử lý các vấn đề xảy bất cập xảy ra đối với các dự án BOT", Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa nói.
Theo Bí thư Đà Nẵng Trường Quang Nghĩa, các dự án BOT giao thông chủ yếu vay ngân hàng và chỉ bỏ ra 10-15% tổng vốn đầu tư
"Các dự án BOT đang được tập trung xem xét sao cho đảm bảo lợi ích của ba thực thể đó là Nhà nước, nhà đầu tư và người dân. Có ý kiến Nhà nước nên mua lại và nếu có tiền mua lại thì tốt quá. Mà ngân sách nhà nước sao mua nổi, mà chính vì không thể đầu tư nên mới kêu gọi BOT. Nếu huy động các dự án BOT thì cần khoảng 92.000 tỷ nên nói Nhà nước mua lại là rất khó vì tiền đâu để mua, nên chỉ có cách là giải quyết mà thôi.
Như tôi đã nói là rủi ro tài chính của dự án BOT là rất lớn, vì nhà đầu tư chỉ bỏ ra 10-15% vốn đầu tư, còn lại là vay ngân hàng, và vay ngân hàng thì thế chấp bằng quyền thu phí dự án nên nếu chúng ta giải quyết không giải uyết hài hòa các lợi ích giữa các bên thì sẽ xảy ra tình trạng nhà đầu tư trả dự án lại cho Nhà nước, trả lại ngân hàng thì rất khó”, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chia sẻ.
Các dự án BOT giao thông trên QL1A đang xuất hiện nhiều bất cập về thu phí và vị trí đặt trạm
Đồng thời ông Trương Quang Nghĩa cho biết, hiện nay các cơ quan đang tập trung giải quyết các vấn đề này, Chính phủ đang yêu cầu Bộ GTVT báo cáo giải trình một cách đầy đủ và Chính phủ sẽ có quyết sách hết sức căn cơ đối với BOT. Thậm chí quyết sách này có thể vượt quá thẩm quyền Chính phủ và cần phải qua cấp cao hơn là Quốc hội.