Ông Trump sẽ thay đổi chiến lược ra sao nếu bà Harris trở thành ứng cử viên tổng thống Mỹ?

Theo GS Nguyễn Hữu Liêm, ông Trump sẽ hướng vào quá trình công tác của bà Harris và gán cho bà nhãn hiệu cực tả, dung túng cho tình trạng di cư bất hợp pháp, nhẹ tay với tội phạm...

Mặc dù chưa nhận được đề cử chính thức của đảng Dân chủ làm ứng cử viên thay thế đương kim Tổng thống Joe Biden trong cuộc chạy đua vào Nhà trắng vào tháng 11/2024 sắp tới, nhưng theo đa số các nhà bình luận am hiểu nền chính trị Mỹ, thì bà Kamala Harris, Phó tổng thống đương nhiệm của Hoa Kỳ, gần như chắc chắn sẽ là ứng cử viên của đảng Dân chủ chạy đua với cựu Tổng thống D. Trump giành chiếc ghế Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, nhất là sau khi những nhân vật nổi tiếng bậc nhất đảng Dân chủ như vợ chồng cựu Tổng thống Bill Clinton, vợ chồng cựu Tổng thống Barack Obama, cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi... lên tiếng công khai ủng hộ bà Kamala Harris.

Từ Hoa Kỳ, GS. Luật sư Nguyễn Hữu Liêm, nhà nghiên cứu nền chính trị Mỹ, từng giảng dạy tại Khoa Triết của San Jose City College, đã chia sẻ với VietTimes về cơ hội và chiến lược tranh cử của bà Harris và ông Donald Trump.

Ông Trump sẽ thay đổi chiến lược như thế nào?

- Bà Kamala Harris được Tổng thống Joe Biden giới thiệu làm ứng cử viên thay thế ông trong cuộc đua vào Nhà Trắng đầu tháng 11, sau khi ông tuyên bố rút khỏi cuộc đua ngày 21/7 vừa qua. Theo ông, liệu bà Harris có cơ hội trở thành vị nữ Tổng thống da màu đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ không?

- GS Nguyễn Hữu Liêm: Sau khi Tổng thống Biden quyết định rút lui không ra tranh cử nữa, những cuộc thăm dò khác nhau cho thấy Phó tổng thống Kamala Harris đang đứng ngang ngửa với cựu Tổng thống Trump. Theo tôi, bà Harris đang có lợi thế và có cơ hội đắc cử hơn ứng viên của đảng Dân chủ mà bà thay thế (Tổng thống Biden) khoảng 5%.

GS Nguyễn Hữu Liêm, nguyên Trưởng Khoa Triết học Trường San Jose City College, Mỹ

- Theo ông, chiến lược tranh cử của ông Donald Trump sẽ thay đổi như thế nào, nếu bà Harris chính thức trở thành ứng cử viên của đảng Dân chủ?

- GS Nguyễn Hữu Liêm: Ông Trump sẽ hướng vào quá trình công tác của bà Harris và gán cho bà nhãn hiệu cực tả, dung túng cho tình trạng di cư bất hợp pháp, nhẹ tay với tội phạm, sẽ đánh thuế nặng vào tầng lớp trung lưu, đặt thêm gánh nặng pháp chế và hành chính cho giới kinh doanh.

Ngoài ra ông Trump cũng nêu thông điệp ám chỉ màu da, sắc tộc của bà Harris nhằm lấy phiếu của khối cử tri cực bảo thủ, kỳ thị sắc tộc.

- Ban tranh cử của bà Kamala Harris cho biết đã huy động được gần 200 triệu USD chỉ trong vòng 1 tuần. Có được sự ủng hộ tài chính, liệu bà Harris có kiếm được phiếu không?

- GS Nguyễn Hữu Liêm: Trong chính trị Mỹ thì tiền là phiếu bầu, là máu huyết của tranh cử vì tiền quảng cáo trên các phương tiện truyền thông rất đắt đỏ.

Phần lớn những người đóng tiền cho quỹ tranh cử sẽ bầu cho ứng viên mà họ đã quyên góp. Đồng tiền đi liền với lá phiếu.

- Các chuyên gia đã bắt đầu dự đoán về ứng viên cấp phó của bà Harris. Những nhân vật như Josh Shapiro, Thống đốc bang Pennsylvania, Gretchen Whitmer, Thống đốc bang Michigan, Thượng nghị sĩ bang Arizona Mark Kelly và Bộ trưởng Giao thông Vận tải Pete Buttigieg được nhắc đến nhiều nhất. Ông có thể đưa ra dự đoán của mình?

Trong nền chính trị Mỹ, tiền là phiếu bầu, là máu huyết của tranh cử vì tiền quảng cáo trên các phương tiện truyền thông rất đắt đỏ. Phần lớn những người đóng tiền cho quỹ tranh cử sẽ bầu cho ứng viên

GS Nguyễn Hữu Liêm

- GS Nguyễn Hữu Liêm: Chọn ứng viên phó thường phải dựa trên nguyên tắc quân bình liên danh. Bà Harris là phía tả, phụ nữ, da màu thì thường sẽ chọn một vị phó là nam giới, bảo thủ hơn, từ một tiểu bang đang cạnh tranh chưa ngã ngũ để giành lợi thế cho mình.

Theo tôi, Thượng nghị sĩ Kelly của Arizona và Thống đốc Shapiro của Pennsylvania là hai ứng viên hàng đầu hiện nay.

Cơ hội nào cho bà Kamala Harris?

Nếu bà Harris nhận đề cử ứng viên của đảng Dân chủ thì đây sẽ là ứng cử viên nữ thứ hai của đảng Dân chủ đứng ra cạnh tranh với ông Trump. Lần trước là bà Hillary Clinton. Sự khác nhau giữa hai nữ ứng viên này như thế nào cả về tính cách cá nhân lẫn bối cảnh tranh cử năm 2016 và 2024?

GS Nguyễn Hữu Liêm: Bà Harris sẽ cẩn trọng hơn để không mắc những lỗi lầm tranh cử mà bà Clinton từng mắc phải. Còn ông Trump cũng đang bộc lộ nhiều khuyết điểm hơn 4 năm trước: về tuổi tác, về ngôn ngữ tranh cử, về các vụ án.

Quan trọng hơn, bà Harris đại diện cho một hiện tượng mới mẻ và trẻ trung hơn bà Clinton.

Bà Harris (phải) đã nhận được sự ủng hộ của cựu Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Ảnh: Reuters)

- Khẩu hiệu tranh cử của bà Harris có khác quan điểm của đương kim Tổng thống Joe Biden (đã làm trước đó) về đối nội và đối ngoại? Bà Harris sẽ khoét sâu vào điểm yếu nào của ông Trump, thưa ông?

- GS Nguyễn Hữu Liêm: So với Tổng thống Biden thì bà Harris sẽ chú tâm vào vấn đề đối nội, về công lý và bình đẳng xã hội, kinh tế, giới tính hơn là về đối ngoại.

Bà Harris cũng sẽ có lập trường trung hòa hơn với vấn đề người Do Thái và Palestine. Nội dung thông điệp tranh cử của bà cũng sẽ mạnh mẽ và có năng lực hấp dẫn hơn đối với nhóm cử tri trẻ tuổi, các nhóm thiểu số, phụ nữ và da màu.

- Cử tri Mỹ thường thích những thay đổi mang tính mới mẻ. Tuy nhiên, liệu cử tri Mỹ có vượt qua được “rào cản” về giới tính và sắc tộc để đưa bà Harris lên làm Tổng thống thứ 47 của nước Mỹ không, thưa ông?

- GS Nguyễn Hữu Liêm: Xã hội Mỹ đang dần dần chuyển hóa chính nó nhằm vượt qua lằn ranh sắc tộc và giới tính trên chính trường quốc gia.

Bà Harris đang gặp vận may khi được đưa ra tranh cử trong buổi giao thời giữa quá khứ phân biệt sắc tộc và tương lai bình đẳng và chấp nhận khác biệt. Đó là yếu tố mà bà Harris đang được hưởng lợi từ cơn sóng chuyển mình của tinh thần xã hội Mỹ hiện nay.

Ông Trump đang bộc lộ một số khuyết điểm hơn 4 năm trước, như về tuổi tác, ngôn ngữ tranh cử, các vụ án. Còn bà Harris đại diện cho hiện tượng mới mẻ.

- Theo ông, nếu bà Harris được bầu làm Tổng thống Mỹ vào tháng 11 tới, quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sẽ có những thay đổi như thế nào so với việc ông Trump thắng cử?

- GS Nguyễn Hữu Liêm: Nếu đắc cử, bà Harris có thể sẽ tiếp tục đường lối quan hệ với Việt Nam mà Tổng thống Biden đã phát huy lên tầm chiến lược toàn diện.

Theo tôi, bà Harris sẽ thân thiện hơn với Việt Nam trong tinh thần rất tả phái của đảng Dân chủ hiện nay. Tôi nghĩ rằng, khi làm Tổng thống, bà sẽ chính thức thăm Việt Nam trong nhiệm kỳ 4 năm tới.

- Xin cám ơn ông!

GS Nguyễn Hữu Liêm sinh năm 1955, sinh ra tại Quảng Trị. Ông hiện đang sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ. Nguyễn Hữu Liêm từng học cử nhân kinh tế nông nghiệp, rồi học thạc sĩ về quản lý công ở Đại học Texas. Sau khi về California công tác, ông tiếp tục học chuyên ngành luật. Ông tốt nghiệp tiến sĩ luật năm 1987 tại University of California, Hastings College of the Law, đồng thời mở một hãng luật tại Mỹ.

Không dừng lại ở đó, ông tiếp tục trở lại đại học để lấy bằng thạc sĩ triết học tại San Jose State University và tiến sĩ triết học tại California Institute for Integral Studies. GS TS Nguyễn Hữu Liêm vừa mới nghỉ hưu sau 24 năm giảng dạy tại Khoa Triết của San Jose City College. Hiện ông đang đi sâu nghiên cứu về nền chính trị Hoa Kỳ.

Ở Việt Nam, GS TS Nguyễn Hữu Liêm thỉnh giảng tại một số trường đại học, tư vấn về luật quốc tế. Với mong muốn được cống hiến nhiều hơn cho quê hương, cũng như góp phần cải thiện cách suy nghĩ, tư duy phản biện, ham học hỏi cho giới trẻ, ông đã nhận lời giữ vai trò cố vấn trong Hội đồng Phát triển triết học Việt Nam, cũng như đã chia sẻ nhiều bài viết, các buổi trò chuyện về triết học tại Thư Hiên Dịch Trường.