Chuyên gia Phạm Phú Phúc: "Ông Trump và ê kíp không dàn dựng ra vụ nổ súng"

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyên gia Phạm Phú Phúc nói rằng các vụ việc dàn dựng tự ám sát đều rơi vào những trường hợp ứng cử viên yếu thế. Hiện nay, ông Trump đang lợi thế hơn nhiều so với ông Biden, nhất là sau cuộc tranh luận gần đây.

6.png
Ông Trump bị bắn trúng tai, được các mật vụ đưa đi khỏi nơi vận động tranh cử ở bang Pennsylvania.

Chiều 13/7, khi vận động tranh cử tại bang Pennsylvania, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị năm thanh niên 20 tuổi bắn trúng tai từ khoảng cách khoảng 150 m. Những phát đạn liên tiếp khiến một khán giả thiệt mạng và hai người khác bị thương nặng.

Kẻ nổ súng đã lập tức bị nhân viên mật vụ tiêu diệt. Nhiều phỏng đoán về nguyên nhân sự việc được đưa ra.

"Ông Trump và ê kíp của mình không dàn dựng vụ tự ám sát, nhưng ê kíp vận động tranh cử của ông Trump sẽ lái vụ này theo một hướng khác. Đó là cho rằng việc ê kíp vận động tranh cử của ông Biden đả kích cá nhân ông Trump, từ đó gây ra “sự căm ghét” của những phần tử cực đoan đối với ông Trump, dẫn đến việc ông ấy bị ám sát", chuyên gia phân tích quốc tế Phạm Phú Phúc (TTXVN) chia sẻ với VietTimes.

- Việc cựu Tổng thống Hoa Kỳ D. Trump bị bắn trong khi ông đang vận động tranh cử tại Pennsylvania hôm 13/7 có làm ông bị sốc không? Đây có là sự kiện bất bình thường?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Việc cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump bị nhắm bắn vào đầu nhưng lại trượt sang tai là sự kiện bình thường trong một xã hội mà súng đạn được tự do sử dụng như ở Mỹ. Ai cũng có quyền sử dụng súng miễn là có đủ hành vi năng lực dân sự như thần kinh tỉnh táo, không nghiện ma tuý… Một khi súng đạn nhiều như thế, ở một xã hội chồng chất mâu thuẫn: mâu thuẫn đảng phái, vùng miền… thì việc một ai đó bị bắn, thậm chí cả chính khách cấp cao, ứng cử viên tổng thống, tổng thống cũng là chuyện không có gì lạ. Vì vậy tôi không bị sốc khi nghe thông tin đó.

Nhưng tôi sốc là ở chuyện khác. Đấy là, nước Mỹ đang ở giai đoạn cuối khá gay cấn của một cuộc bầu cử tương đối đặc biệt giữa hai ứng cử viên già nhất trong các cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ từ trước đến nay.

Hai là, một ứng cử viên (đương kim Tổng thống Joe Biden) có dấu hiệu bị lẫn và một ứng viên khác (D. Trump) lại bị bắn.

Thứ ba là, với những người cao niên như vậy, ở bất cứ xã hội nào lẽ ra cũng đều phải được tôn trọng, nhưng một ông già 78 tuổi rồi vẫn bị một gã trai 20 tuổi nhằm bắn vào đầu thì lại là bình thường ở Mỹ.

phuc 01.jpeg
Chuyên gia phân tích quốc tế Phạm Phú Phúc

- Sau sự kiện này, cựu Tổng thống D. Trump có coi đây là cơ hội để đưa mình vào thế là nạn nhân của một “âm mưu” ám sát của phe đối lập để lấy lòng cử tri Mỹ?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Chúng ta cần nhớ lại rằng ở Mỹ từng xảy ra nhiều vụ ám sát các ứng cử viên tổng thống, thậm chí là tổng thống rồi. Những cuộc chạy đua vào Nhà Trắng đang gần tới đích, một bên nào đấy sử dụng các phần tử cực đoan, hay tổ chức “đâm thuê chém mướn” tiêu diệt đối thủ khác. Hoặc chính mình tạo ra một sự kiện “bị ám sát” để phục vụ cho mục đích tranh cử. Tất cả những việc như vậy đều đã xảy ra trong lịch sử tranh cử ở nước Mỹ. Và, giả dụ như, lần này, có một trong hai việc như tôi vừa viện dẫn cũng lại là việc bình thường.

Tuy nhiên, đấy chỉ là “thuyết âm mưu”. Vì, những vụ việc dàn dựng “tự ám sát” mình đều rơi vào các trường hợp ứng cử viên yếu thế. Theo tôi, việc ông Trump bị bắn không nằm trong thuyết âm mưu này. Tức là ông Trump hay ê kíp tranh cử của ông ấy không dàn dựng ra một vụ “ám sát” mình.

Vì sao lại như vậy? Hiện ông Trump đang lợi thế hơn nhiều so với ông Biden, nhất là sau cuộc tranh luận lần thứ nhất với đương kim Tổng thống Biden. Hơn nữa ông Biden đang có những dấu hiệu bị lẫn, nhất là sau những sự kiện nhầm lẫn của ông như ông gọi Tổng thống Ucraina là V. Putin hay Phó tổng thống của mình là Donald Trump. Nhiều đảng viên đảng Dân chủ đang yêu cầu ông Biden rút lui để thay bằng một ứng cử viên khác.

- Ông vừa khẳng định rằng ông Trump không tự dàn dựng vụ “ám sát” mình. Rồi thì Tổng thống Mỹ Joe Biden đã ra tuyên bố lên án vụ nổ súng. “Mỹ không có chỗ cho loại bạo lực này. Chúng ta phải đoàn kết để lên án nó”; đồng thời ông còn bày tỏ “nhẹ lòng khi biết ông Trump an toàn và khỏe mạnh”. Nhưng với một ứng cử viên có nhiều xảo thuật như ông Trump, liệu ông ấy có đẩy vấn đề này lên thành một sự kiện bị đối thủ trả thù?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Tôi nghĩ ông Trump sẽ không làm như thế. Nghĩa là không “đổ tội” cho đối thủ “ám sát mình” để gây thanh thế trong vận động tranh cử. Hôm nay là ngày đảng Cộng hòa họp quyết định đưa ra ứng cử viên của Đảng. Không cần dựng thuyết âm mưu thì chắc chắn ông Trump vẫn sẽ được đảng Cộng hòa đưa ra làm ứng cử viên duy nhất để chạy đua vào Nhà trắng đầu tháng 11 tới. Hơn nữa lợi thế của ông Trump cũng đang ngày càng trội hơn ông Biden.

Phuc 02.jpg
Cựu Tổng thống D. Trump sau khi vừa bị bắn

- Vụ ông Trump bị bắn trong khi đang vận động tranh cử vẫn là diễn biến bất ngờ với cử tri Mỹ. Sự kiện này sẽ ảnh hưởng như thế nào đến phương thức tranh cử giữa hai ứng cử viên?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Chắc chắn là ít nhiều sẽ có sự thay đổi. Chúng ta thấy ngay sau khi cựu Tổng thống D. Trump bị bắn thì ê kíp tranh cử của đương kim Tổng thống Biden đã cho gỡ bỏ các áp phích, khẩu hiệu chỉ trích đích danh cá nhân ông Trump. Vì trong thời điểm ông Trump bị bắn, việc chỉ trích một cá nhân là không được dư luận đồng tình và chỉ làm xấu đi hình ảnh của đương kim Tổng thống Biden.

Tuy tôi khẳng định rằng ông Trump và ê kíp của mình không dàn dựng vụ “tự ám sát”, nhưng ê kíp vận động tranh cử của ông Trump sẽ lái vụ này theo một hướng khác. Đó là cho rằng việc ê kíp vận động tranh cử của ông Biden đả kích cá nhân ông Trump đã gây ra “sự căm ghét” của những phần tử cực đoan đối với ông Trump, dẫn đến việc ông ấy bị ám sát.

- Tuổi tác là một trong những vấn đề được cử tri Mỹ rất quan tâm. Ông nhận xét như thế nào về vấn đề này khi mà dư luận và nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đang đòi thay ông Biden bằng một ứng cử viên khác. Liệu điều này có khả thi vào lúc này? Nếu tiếp tục tranh cử thì đây có phải là điểm trừ của đương kim Tổng thống Biden?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Theo luật bầu cử Mỹ nếu ông Biden không tự rút lui không ai bắt được ông ấy rút khỏi cuộc đua cả. Hơn nữa ông Biden đã tuyên bố nhiều lần rằng ông ấy không có ý định rời cuộc đua vào Nhà Trắng nhiệm kỳ hai.

Trừ trường hợp, từ nay đến ngày bầu cử, không may sức khỏe ông Biden có diễn biến bất thường. Ví dụ không may bị đột quỵ hay có vấn đề đặc biệt nghiêm trọng về đầu óc mà không còn tự làm chủ được chẳng hạn, thì mới có sự thay đổi ứng cử viên.

Biden tuyen bo khong rut khoi cuoc dua.jpg
Tổng thống Biden tuyên bố sẽ tiếp tục tranh cử, bất chấp những lời kêu gọi ông nên rời cuộc đua vào Nhà Trắng.

Còn về tuổi tác? Đây là vấn đề mà cử tri Mỹ quan tâm. Cả hai ứng cử viên đều cao tuổi, nhưng sức khỏe cả về thể chất và đầu óc thì ông Trump đang có lợi thế hơn ông Biden. Ông Trump đi lại vẫn phăm phăm.

Việc ông giơ cao nắm đấm lên trời trong khi tai đang đầy máu sau cú bị bắn trượt cho thấy một hình ảnh đầy mạnh mẽ của một cá nhân. Trong khi ông Biden đi lại chậm chạp, đầu óc lúc quên lúc nhớ. Vì thế vấn đề sức khỏe là một điểm trừ cho ông Biden.

- Xin hỏi ông câu cuối cùng: từ nay đến khi bầu cử vẫn còn thời gian để ông Biden chứng tỏ bản lĩnh. Vậy ông dự đoán tỷ số Trump - Biden là bao nhiêu trong cuộc bầu cử vào đầu tháng 11 tới?

Chuyên gia Phạm Phú Phúc: Dự đoán các sự kiện chính trị Mỹ, nhất là các cuộc bầu cử là rất khó. Và thường là dự đoán sai. Tôi đã tham dự với vai trò là người chứng kiến nhiều cuộc bầu cử ở Mỹ, từ bầu cử các quận, bang, đến liên bang thì thấy không ai nói trước được điều gì. Có Thống đốc tưởng mình đã thắng cử, lên giường đi ngủ, sáng dậy đã thấy mình trượt thẳng cẳng.

Tuy nhiên để đưa ra dự đoán như anh yêu cầu. Tôi cho rằng lợi thế sẽ thuộc về ông Donald Trump!

Cám ơn ông!