Chuyên gia Mỹ với VietTimes: Thách thức nào đang chờ đón tân Tổng thống Joe Biden?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes – Giáo sư Calvin Mackenzie đã đưa ra nhận định riêng với VietTimes về những thách thức đang chờ đón ông Joe Biden sau khi nhậm chức.

Vô vàn thách thức đang chờ đón ông Joe Biden trên cương vị tổng thống thứ 46 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ảnh: BBC
Vô vàn thách thức đang chờ đón ông Joe Biden trên cương vị tổng thống thứ 46 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ. Ảnh: BBC

Cựu Phó Tổng thống Joe Biden đã chính thức trở thành tổng thống đắc cử của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ sau khi Quốc hội Mỹ xác nhận chiến thắng của ông vào tối 6/1 – sau một ngày hỗn loạn vì những người biểu tình ủng hộ Trump xông vào chiếm đóng và quấy phá Điện Capitol nơi Quốc hội đang nhóm họp.

Từ Mỹ, Giáo sư Calvin MacKenzie, chuyên gia chính trị học Đại học Colby, có bài nhận định dành riêng cho VietTimes.

Sau khi phải chịu đựng một tiến trình chứng nhận kết quả bầu cử kéo dài một cách bất thường cũng như sự cố chấp không chịu thừa nhận thất bại của Donald Trump thì hôm nay, mọi thứ đã trở nên rõ ràng – ngay cả với Trump – rằng Joe Biden sẽ trở thành Tổng thống của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ vào ngày 20/1/2021.

Sẽ rất dễ để nói rằng giờ đây Biden có thể tập trung sự chú ý vào công việc điều hành chính phủ, nhưng Joe Biden đã tập trung vào nhiệm vụ này hơn 40 năm qua.

Biden sẽ làm tổng thống thứ 46 của Hợp chúng quốc Hoa Kỳ và ông sẽ đảm nhận trọng trách mới với bề dày kinh nghiệm điều hành chính phủ mà chưa một người tiền nhiệm nào có được.

Ứng phó đại dịch COVID-19

Joe Biden được bầu vào Thượng viện khi mới 29 tuổi và ông đã phụng sự ở đó 36 năm. Sau đó, ông có 8 năm làm phó tổng thống dưới thời Barack Obama. Ông thấu hiểu cách thức vận hành của chính quyền liên bang và biết rõ hầu hết các quan chức chủ chốt trong chính quyền. Không như nhiều vị tổng thống trong quá khứ, ông ấy sẽ khởi động guồng máy một cách nhanh chóng.

Giáo sư Calvin Mackenzie, chuyên gia chính trị học, Đại học Colby, Hoa Kỳ. (Ảnh: NVCC)

Giáo sư Calvin Mackenzie, chuyên gia chính trị học, Đại học Colby, Hoa Kỳ. (Ảnh: NVCC)

Nhưng để làm gì?

Tất cả các tổng thống mới đều thừa hưởng một danh sách các hạng mục công việc có sẵn trong nghị trình mà họ phải giải quyết ngay lập tức. Và có những chương trình mới mà tổng thống kỳ vọng sẽ khởi xướng. Thế nhưng cũng sẽ luôn có những điều bất ngờ không lường trước xảy ra, thường là dưới hình hài một cuộc khủng hoảng trong nước hoặc quốc tế.

Khi George W. Bush trở thành tổng thống vào đầu năm 2001, ông hầu như không đề cập gì đến cuộc chiến chống khủng bố. Nhưng chỉ vài tháng sau, khi những kẻ khủng bố lao máy bay vào toà tháp lớn nhất New York và Lầu Năm góc ở Washington, mọi chương trình nghị sự của ông Bush đã phải đặt trọng tâm vào mối quan ngại mới này.

Bởi vậy, chúng ta không thể biết chắc về những vấn đề sẽ chiếm lĩnh thời gian của ông Biden trong năm nay và những năm sắp tới. Nhưng chúng ta có thể xác định một số hạng mục công việc chủ chốt mà ông ấy sẽ tập trung chú ý ngay sau khi nhậm chức.

Mối ưu tiên hàng đầu sẽ là phản ứng của chính quyền liên bang trước đại dịch COVID-19. Cho đến nay, hơn 21 triệu người Mỹ đã nhiễm COVID-19 và hơn 360,000 người tử vong. Tình hình mỗi ngày một xấu đi với các bệnh viện và nhà xác tràn ngập bệnh nhân. Chính quyền Tổng thống Trump đã phản ứng quá chậm trễ và thiếu hiệu quả.

Hiện giờ, khi một số vắc-xin đã được phê chuẩn, trách nhiệm đầu tiên của tân tổng thống sẽ làm sao để đưa số vắc-xin này đến tay người dân Mỹ một cách nhanh chóng. Mục tiêu của ông Biden là 100 triệu liều vắc-xin được tiêm trong 100 ngày đầu nhậm chức. Đó là một mục tiêu đầy tham vọng và để hoàn thành được nó đòi hỏi tất cả những kĩ năng và nguồn lực mà ông và chính phủ của ông có thể huy động được.

“Xây dựng lại Tốt hơn”

Các hậu quả kinh tế của virus corona cũng tồi tệ không kém khi đẩy hàng triệu người Mỹ vào cảnh thất nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ đứng trước bờ vực phá sản, đặc biệt là những công ty hoạt động trong ngành dịch vụ lưu trú.

Ông Biden sẽ nỗ lực thuyết phục Quốc hội phê chuẩn các gói cứu trợ lớn hơn so với trước nhằm giúp người dân và doanh nghiệp có thể chống chọi được với các hậu quả kinh tế của dịch bệnh và phục hồi nhanh chóng. Như mục tiêu ông đã tuyên bố trong suốt chiến dịch tranh cử là “Build Back Better” (“Xây dựng lại Tốt hơn”), giờ đã đến lúc ông phải thực hiện lời hứa này.

Ngoài ra, cũng có những vấn đề khác – mang tính truyền thống hơn – sẽ thu hút mối quan tâm của ông Biden. Các sắc thuế liên bang luôn là tâm điểm của cuộc chiến chính trị.

Biden, như hầu hết các thành viên Dân chủ khác, muốn những người giàu và các công ty phải đóng thuế thu nhập nhiều hơn nhằm giải toả bớt những áp lực kinh tế lên tầng lớp lao động. Đảng Cộng hoà sẽ phản đối điều này.

Ông Trump sẽ rời Nhà Trắng tối nay sau những ngày cuối nhiệm kỳ đầy tranh cãi. Ảnh: AP

Ông Trump sẽ rời Nhà Trắng tối nay sau những ngày cuối nhiệm kỳ đầy tranh cãi. Ảnh: AP

Luật nhập cư của Mỹ lâu nay có nhiều điểm bất cập và Donald Trump đã làm cho những vấn đề đó trở nên trầm trọng hơn. Biden sẽ cố gắng vận động Quốc hội nhằm dọn dẹp đống lộn xộn này.

Cơ sở hạ tầng của Mỹ đã cũ kỹ và xuống cấp. Các tuyến đường cao tốc, cầu cống, đường sắt và sân bay đều cần nâng cấp và mở rộng. Những chương trình này sẽ tốn kém tiền của nhưng cũng tạo ra nhiều công ăn việc làm.

Biden sẽ nỗ lực thuyết phục Quốc hội chi nhiều tiền hơn để tạo ra công ăn việc làm – và cải thiện hệ thống cơ sở hạ tầng.

Tái xây dựng lòng tin

Trên bình diện đối ngoại, tân tổng thống cũng đối mặt với không ít thách thức. Nhưng Biden hiểu biết rõ về chính sách đối ngoại. Ông từng là Chủ tịch Uỷ ban Đối ngoại Thượng viện và 8 năm làm phó tổng thống đã cho ông tầm nhìn rõ ràng về phạm vi chính sách của Hoa Kỳ cũng như cơ hội để gây dựng các mối quan hệ cá nhân với nhiều nhà lãnh đạo thế giới.

Ông sẽ cần tất cả những hiểu biết và mối quan hệ đó để đương đầu với những thách thức phía trước.

Donald Trump đã không có một chính sách đối ngoại nhất quán. Trong suốt bốn năm qua, Trump đã làm suy yếu mối quan hệ của Hoa Kỳ với các đồng minh truyền thống, đưa ra những chính sách thuế quan bất thường khiến các đối tác thương mại tức giận và làm xói mòn sự tôn trọng của quốc tế dành cho Hoa Kỳ.

Nhiệm vụ hàng đầu của Biden là tái xây dựng lòng tin của cộng đồng quốc tế vào Mỹ và sự ủng hộ của họ đối với các mục tiêu đối ngoại của mình.

Ở vị trí trung tâm trong chương trình nghị sự đối ngoại của chính quyền mới là khôi phục mối quan hệ với NATO và các quốc gia châu Âu hàng đầu; thiết lập một khuôn khổ quan hệ ổn định với Trung Quốc; tìm kiếm các cách thức kiểm soát nguy cơ phổ biến vũ khí hạt nhân và vũ khí thông thường trên khắp thế giới, đặc biệt ở những nơi có nguy cơ xung đột bạo lực cao như Trung Đông; và làm việc với các tổ chức quốc tế để xử lý các thách thức từ chủ nghĩa khủng bố, nghèo đói và dịch bệnh.

Sự kết nối của Hoa Kỳ với Việt Nam – một trong những mối quan hệ song phương lành mạnh nhất – sẽ nhận được sự quan tâm của tân tổng thống. Hai nước chia sẻ với nhau nhiều lợi ích chung và cùng đối mặt với một số thách thức chung. Nhưng đó lại là chủ đề cho một bài viết khác./.