Reuters cho biết, cứ năm cử tri Cộng hòa thì có một người muốn ông Donald Trump rút lui khỏi cuộc đua vào Nhà Trắng, theo một cuộc thăm dò do hãng tin Anh và Ipsos đồng tổ chức, được công bố ngày 10/8. Con số này phản ánh sự chia rẽ rõ rệt trong đảng Cộng hòa về ứng cử viên Trump.
Mới đây, ông Trump lại «gây bão» tiếp khi kêu gọi những người ủng hộ việc mang súng cần hành động để cản trở bà Hillary Clinton bổ nhiệm các thẩm phán cấp tiến vào Tòa án Tối cao Mỹ - tuyên bố này bị những người chống đối ông coi là cổ vũ sử dụng bạo lực.
Bị thua điểm đối thủ trong các cuộc thăm dò dư luận, bị nhiều dân biểu, nghị sĩ xa lánh, bị phản đối từ nhiều phía…ứng cử viên Donald Trump của đảng Cộng Hòa đang làm chính đảng của mình lo ngại với vô số vụ «vạ miệng», trong khi chỉ còn ba tháng nữa là đến kỳ bầu cử tổng thống.
Lần này liệu ông Donald Trump đã đi quá xa hay không? Câu hỏi trên đây đã được đặt ra nhiều lần kể từ khi nhà tỉ phú địa ốc bắt đầu chiến dịch tranh cử vào tháng 6/2015. Khiêu khích, thóa mạ, công kích mang tính kỳ thị chủng tộc, khinh miệt phụ nữ…ứng cử viên tổng thống của đảng Cộng Hòa luôn làm người ta có cảm giác là đã vượt qua lằn ranh đỏ.
Cách đây hơn một năm, ông đánh giá những người Mexico nhập cư bất hợp pháp là «những kẻ hiếp dâm» và «kẻ sát nhân», chế giễu một nhà báo khuyết tật. Trump lên án một thẩm phán liên bang thiên vị vì là người gốc Mexico, nói một nhà báo của kênh Fox News là «hung hăng» vì đến kỳ đèn đỏ, đòi cấm người theo đạo Hồi vào nước Mỹ - hoàn toàn đi ngược lại với Hiến pháp Mỹ.
Cuối tháng 7 vừa qua, tờ New York Times công bố danh sách «250 người, địa điểm và những điều bị Donald Trump thóa mạ trên Twitter». Nạn nhân được ông Trump ưa thích nhất tất nhiên là bà Hillary Clinton, sau đó là các thượng nghị sĩ Jeb Bush và Ted Cruz, hai đối thủ cũ trong kỳ bầu cử sơ bộ. Trong bảng phong thần này ngoài các nhân vật còn có cả một số quốc gia (như Anh, Mexico, Iran).
Bình thường thì thái độ chuyên lăng mạ như thế sẽ làm tiêu tan cơ hội của mọi ứng cử viên. Nhưng bản thân ông Trump và chiến dịch tranh cử lần này là không bình thường, và ngôi sao của các chương trình truyền hình thực tế trước đây, đã sống sót qua tất cả những tranh cãi.
Tuy nhiên lần nay ông Trump có đã thực sự quá lố? Vào buổi tối cuối cùng của Đại hội đảng Dân Chủ ở Philadelphia, cha mẹ một đại úy theo đạo Hồi đã tử trận ở Iraq năm 2004 đã cực lực tố cáo việc ông Donald Trump tấn công vào Hồi giáo. Thay vì đấu dịu, nhà tỉ phú đã tăng cường khẩu chiến với hai vợ chồng ông Khan. Khi đả kích gia đình một tử sĩ hy sinh trên chiến trường, ông đã đụng đến một điều cấm kỵ, gây bàng hoàng ngay trong đảng của mình, và khiến nhiều người bắt đầu bỏ ngũ.
Gần đây nhất là 50 nhân vật từng giữ các chức vụ cao cấp về an ninh của đảng Cộng Hòa ngày 8/8 thông báo sẽ không bầu cho Donald Trump. Theo họ, ông Trump «sẽ là tổng thống nguy hiểm nhất trong lịch sử Mỹ». Lá thư viết thẳng thừng: «Ông Trump thiếu tính cách, các giá trị và kinh nghiệm để trở thành tổng thống. Dường như ông không có được những kiến thức tối thiểu về Hiến pháp Mỹ, các luật lệ, định chế của Mỹ, trong đó có sự khoan dung về tín ngưỡng, tự do báo chí và tư pháp độc lập».
Những người ký tên vào lá thư quyết liệt này từng giữ những chức vụ tại Nhà Trắng, bộ Ngoại giao hay bộ Quốc phòng ; trong đó có Michael Hayden, cựu giám đốc CIA thời ông George W. Bush, John Negroponte, cựu giám đốc tình báo quốc gia, Robert Zoellich, nhà ngoại giao kỳ cựu và là cựu chủ tịch Ngân hàng Thế giới.
Trong một tuyên bố ngày 8/8, nữ thượng nghị sĩ Cộng hòa ở tiểu bang Maine, bà Susan Collins cũng kịch liệt chỉ trích Donald Trump và cho biết sẽ không ủng hộ một người «hoàn toàn bất chấp khái niệm sơ đẳng về sự đúng mực». Vụ đả kích gia đình một tử sĩ, «đã khiến tôi đành phải kết luận là ông Trump không có được khí chất, kỷ luật và năng lực phán đoán cần thiết để trở thành tổng thống».
Dù vậy, nếu nhiều chuyên gia về đối ngoại và các cây bút bình luận bảo thủ công khai chống lại ông Trump, thì rất ít nghị sĩ Cộng hòa dứt khoát với ứng cử viên chính thức của đảng – hiện đang thua bà Hillary Clinton 7 điểm. Không giống như thượng nghị sĩ bang Maine hay dân biểu New York Richard Hanna, những người đang phải vận động tái cử ngần ngại chống đối Donald Trump, sợ mất lòng cử tri của ông ta.
Thượng nghị sĩ John McCain của bang Arizona, nguyên ứng cử viên Nhà Trắng, là biểu hiện rõ nhất cho tâm trạng trên. Giận dữ trước việc Donald Trump tấn công gia đình ông Khan, và bản thân cũng bị nhà tỉ phú cho rằng không phải là «anh hùng trong chiến tranh» vì đã từng bị bắt tại Việt Nam, cựu binh nổi tiếng này vẫn tiếp tục ủng hộ ứng viên chính thức của đảng. Nỗ lực tìm một giải pháp thay thế Donald Trump không thành công cũng là dấu hiệu cho thấy sự ngần ngại đang ngự trị trong đảng Cộng hòa.