Theo hãng tin Anh BBC ngày 23/8, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump hôm 22/8 đã đệ đơn kiện để ngăn cản Bộ Tư pháp "xem xét thêm" các tài liệu thu giữ được từ khu dinh thự Mar-a-Lago của ông cho đến khi một "giám sát viên đặc biệt" (special master) được bổ nhiệm để giám sát việc xem xét. Đây là hành động tố tụng pháp lý đầu tiên mà nhóm của ông Trump đưa ra kể từ sau vụ "đột kích khám xét" hôm 8/8.
Theo phía ông Trump, họ đã sớm liên lạc với Bộ Tư pháp và FBI từ hồi tháng 5/2022, và hai bên vào thời điểm đó cam kết sẽ duy trì các kênh liên lạc. Sau sự cố "đột kích khám xét", phía ông Trump vẫn đang tìm cách giải quyết vụ việc. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ cho biết họ sẽ trả lời vụ kiện tại tòa án.
Theo báo Anh The Guardian đơn kiện cho rằng tòa án nên chỉ định một giám sát viên đặc biệt, thường là một luật sư hoặc thẩm phán đã nghỉ hưu, vì FBI có thể đã tịch thu tài liệu đặc quyền trong một cuộc khám xét và Bộ Tư pháp không nên tự quyết định họ có thể sử dụng những gì trong một cuộc điều tra.
Theo luật hình sự của Hoa Kỳ, các giám sát viên đặc biệt có trách nhiệm đánh giá xem một số tài liệu thu được trong quá trình khám xét có phù hợp để các nhà điều tra xem xét hay không.
Phần đầu Đơn kiện dài 27 trang của ông Trump. |
Giám sát viên đặc biệt “special master" dùng để chỉ một người của bên thứ ba. Trong các vụ án hình sự trong cộng đồng pháp lý Hoa Kỳ, một "special master" sẽ được chỉ định khi đương sự lo ngại rằng một số bằng chứng nhất định có thể được bảo vệ bằng đặc quyền bảo mật của "luật sư và khách hàng" hoặc các yếu tố khác bất lợi cho việc sử dụng tài liệu cho việc truy tố."
Đơn kiện dài 27 trang của nhóm Donald Trump cho rằng: "Trong trường hợp không có các biện pháp bảo vệ thiết thực, cho phép các đoàn kiểm tra xem xét các tài liệu này là không hợp lý... chỉ có thể được đảm bảo bằng một cuộc xem xét trung lập của một giám sát viên đặc biệt."
Ngoài ra, bản kiện cũng nhắc lại quan điểm của ông Trump rằng cuộc điều tra của FBI xuất phát từ động cơ chính trị nhằm ngăn cản ông ra tranh cử tổng thống vào năm 2024 và viễn cảnh các ứng cử viên Đảng Cộng hòa tranh cử trong cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11. Tu chính án thứ Tư của Hiến pháp Hoa Kỳ tuyên bố rằng một cá nhân có quyền phản đối các cuộc khám xét và tịch thu không hợp lý. Donald Trump cho rằng chính phủ liên bang đã xâm phạm quyền của ông.
Văn bản khởi kiện cũng tiết lộ một số thông tin khác. Ví dụ, ông Trump muốn Bộ Tư pháp cung cấp danh sách chi tiết hơn kê khai các vật phẩm khác bị lấy đi trong cuộc khám xét của FBI và yêu cầu trả lại tất cả các thứ bị thu giữ không có trong phạm vi lệnh khám xét được ủy quyền. Đơn kiện cũng cho biết ông Trump trước đó đã luôn hợp tác với các điều tra viên cho đến khi FBI "đột ngột xuất hiện tại dinh thự Mar-a-Lago."
Ông Trump vẫy chào những người ủng hộ hôm 10/8 (Ảnh: Guancha). |
Vào tháng 5 năm nay, ông Trump đã "tự nguyện" chấp nhận trát đòi và mời các đặc vụ FBI tới Mar-a-Lago điều tra. Vào thời điểm đó, ba đặc vụ FBI và Jay Bratt một chuyên viên phản gián của Bộ Tư pháp, đã đến Mar-a-Lago, đích thân ông Trump đã tiếp họ. Các điều tra viên khi đó nói họ "rất cảm kích" đối với ông Trump và nói rằng "không cần phải đến phòng cất đồ nữa". Các luật sư của ông Trump nói các điều tra viên nếu thấy cần thiết cứ "tiếp tục liên hệ".
Đơn kiện cho biết ông Trump đã nghe về “cuộc đột kích khám xét” từ "những người trên khắp đất nước". Nhưng sau đó ông đã gửi một tin nhắn cho Jay Bratt thông qua luật sư của mình: "Nhiệt độ ngày càng cao và áp lực ngày càng lớn. Nếu có cách nào để giảm nhiệt và áp lực, xin vui lòng cho tôi biết".
Người phát ngôn Bộ Tư pháp Anthony Coley cho biết trong một tuyên bố: "Lệnh khám xét ngày 8/8 đối với Mar-a-Lago đã được tòa án liên bang ủy quyền với lý do hợp lý", đồng thời cho biết Bộ Tư pháp sẽ trả lời đơn kiện của ông Trump tại tòa án.
Vào ngày 8/8, khu trang trại và dinh thự Mar-a-Lago của Trump ở Florida đã bị FBI đột kích khám xét nhằm mục đích tìm hồ sơ và tài liệu chính thức từ nhiệm kỳ tổng thống của Trump, mà Cục Lưu trữ Quốc gia và Bộ Tư pháp cho rằng đã bị lấy đi một cách không chính đáng khi ông Trump rời nhiệm sở Nhà Trắng. Được biết, cuộc đột kích khám xét được thực hiện theo Đạo luật Gián điệp và một số tài liệu được tìm kiếm có liên quan đến vũ khí hạt nhân.
Ngày 12/8, các tài liệu pháp lý được giải mật cho thấy FBI đã lấy đi tổng cộng 11 tài liệu mật từ đây và ông Trump đang bị Bộ Tư pháp điều tra về 3 tội danh trong đó có vi phạm Đạo luật Gián điệp và đối diện với mức án cao nhất 10 năm tù.
Trụ sở Bộ Tư pháp Mỹ (Ảnh: Getty). |
Sau đó, sự việc tiếp tục diễn biến phức tạp. Vào ngày 19/8, ông Trump ám chỉ rằng sẽ sớm thực hiện hành động pháp lý đối với việc FBI đột kích khám xét trang viên Mar-a-Lago của ông. Các luật sư của ông Trump trước đó đã kêu gọi các nhà chức trách công khai bản tuyên thệ để biện minh cho lệnh khám xét dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump là chính đáng. Thẩm phán Reinhardt của địa phương cũng yêu cầu Bộ Tư pháp nộp bản sao biên bản tuyên thệ, nói rằng ông cho rằng cần công khai một phần nội dung.
Đơn kiện của nhóm ông Trump, được đệ trình hôm 22/8, cũng nhằm thu hút sự chú ý đến việc ông sẽ sớm tuyên bố tái tranh cử vào Nhà Trắng.
Đơn kiện viết: "Không thể cho phép chính trị ảnh hưởng đến hành chính tư pháp. Nếu ông Trump quyết định tranh cử, rõ ràng ông ấy sẽ là người dẫn đầu trong cuộc bầu cử tổng thống sơ bộ năm 2024 của đảng Cộng hòa và cuộc bầu cử Tổng thống trên toàn quốc năm 2024". "Ngoài ra, sự ủng hộ của ông ấy trong cuộc bầu cử giữa kỳ năm 2022 có ý nghĩa quyết định đối với các ứng cử viên Đảng Cộng hòa”.
Đơn kiện nói thêm: "Cơ quan thực thi pháp luật là lá chắn bảo vệ người Mỹ. Nó không thể được sử dụng làm vũ khí cho các mục đích chính trị".