Ông Trump có thể rút Mỹ khỏi NATO trong nhiệm kỳ mới hay không?

Năm 2018, Tổng thống Donald Trump đã cảnh báo rút Mỹ khỏi NATO. Ông cho rằng các thành viên khác không đóng góp phần chi tiêu quốc phòng một cách công bằng, khiến người nộp thuế ở Mỹ phải gánh chịu.
Tổng thống đắc cử Donald Trump chỉ trích các đồng minh NATO và cảnh báo ông có thể tìm cách rút Mỹ khỏi liên minh. Ảnh: Getty.

Tranh cãi xung quanh việc Mỹ rút khỏi NATO

Tuy nhiên, Quốc hội Mỹ lại nghĩ khác với ông Trump. Cơ quan này đã bổ sung một điều khoản đặc biệt trong Đạo luật ủy quyền quốc phòng năm 2020, quy định về tài trợ cho quân đội Mỹ. Mục 1250A của đạo luật quy định rõ rằng Tổng thống không thể đơn phương rút Mỹ khỏi NATO mà không có một đạo luật của Quốc hội, trừ khi được 2/3 Thượng viện đồng tình.

Sau khi ông Trump tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1, khả năng ông rút Mỹ khỏi NATO sẽ rơi vào "vùng xám pháp lý" chưa rõ ràng, có khả năng phải đem ra giải quyết tại tòa án và điều này có thể có lợi cho Quốc hội.

Vấn đề ở chỗ, mặc dù Hiến pháp Mỹ quy định rằng Tổng thống có quyền đàm phán các hiệp ước nhưng lại không nói rõ liệu ông có quyền phá bỏ chúng hay không.

Theo phân tích của Karen Sokol, luật sư lập pháp của Hạ viện Mỹ, mặc dù trước đây Quốc hội đã quy định ở một mức độ nào đó về việc Tổng thống rút khỏi một hiệp ước, nhưng Mục 1250A là đạo luật đầu tiên trong đó Quốc hội cấm Tổng thống đơn phương rút khỏi một hiệp ước.

Các nhà lập quốc ở Mỹ đã tạo ra một chính phủ cân bằng, trong đó các nhánh hành pháp, lập pháp hay tư pháp đều không thể độc quyền quyền lực. Nhưng có lẽ họ không thể tính đến tranh cãi về NATO hiện nay, tổ chức mà Mỹ góp phần hình thành cách đây 75 năm.

Thông thường, nhánh hành pháp xử lý hầu hết các vấn đề về chính sách đối ngoại và an ninh quốc gia như đàm phán các hiệp ước quốc tế, mặc dù Quốc hội có tầm ảnh hưởng đáng kể thông qua ngân sách quốc phòng, quyền phê chuẩn các hiệp ước và phê duyệt việc bán vũ khí. Quyền lực giữa nhánh hành pháp và nhánh lập pháp được phân định đủ rõ ràng để phần lớn hệ thống có thể hoạt động được.

Khi cơ quan hành pháp và lập pháp không thể thống nhất, các tòa án sẽ vào cuộc. Tuy nhiên, trong vô số vấn đề phải giải quyết tại các tòa án Mỹ, chính sách đối ngoại là lĩnh vực mà các thẩm phán ngần ngại nhất khi động đến. Trong trường hợp rút khỏi NATO, tòa án sẽ phải nhìn vào các tiền lệ pháp lý để đưa ra phán quyết – trong gần như không có tiền lệ như vậy.

Nhà Trắng từ lâu đã khẳng định rằng họ có thể rút khỏi các hiệp ước bất chấp sự phản đối của Quốc hội, chẳng hạn như khi Chính quyền Carter rút khỏi hiệp ước phòng thủ chung với đảo Đài Loan, khiến Thượng nghị sĩ Barry Goldwater và các thành viên khác của Quốc hội kháng cáo lên tòa án.

“Cuối cùng, Tòa án Tối cao đã từ chối đứng ra giải quyết tranh chấp”, ông Sokol lưu ý. "Đa số các Thẩm phán đồng tình trong phán quyết bác bỏ khiếu nại, kết luận rằng vụ việc này đã đưa ra một vấn đề chính trị đáng ra nên được giải quyết bởi các nhánh chính trị thay vì cơ quan tư pháp”.

Lính đặc nhiệm Mỹ nhảy dù từ máy bay MC-130J Commando II trong cuộc tập trận tháng 12/2024 với đồng minh NATO. Ảnh: Không quân Mỹ.

"Vùng xám pháp lý"

Năm 2020, cuối nhiệm kỳ đầu tiên của ông Trump, Bộ Tư pháp công bố quan điểm khẳng định việc rút khỏi hiệp ước là quyền lực độc quyền của Tổng thống mà Quốc hội không thể hạn chế. Và Tòa án Tối cao đã ra phán quyết rằng nhánh hành pháp có quyền công nhận các chính phủ nước ngoài, mặc dù quyền lực đó không được quy định trong Hiến pháp.

Tuy nhiên, một số trường hợp trong quá khứ cho thấy tòa án có thể bác bỏ lập luận này. Ông Sokol chỉ ra vụ án Youngstown Steel năm 1952, khi Tòa án Tối cao ra phán quyết chống lại nỗ lực của Tổng thống Harry S. Truman nhằm chiếm giữ các nhà máy thép trong Chiến tranh Triều Tiên, với lý do điều này đi ngược lại ý định của Quốc hội.

“Trong khuôn khổ Youngstown, các tòa án đánh giá các tuyên bố về quyền lực của Tổng thống dựa trên những gì Quốc hội đã hoặc chưa nói về vấn đề này”, ông Sokol nói. Vậy nên, theo tiêu chuẩn đó, Quốc hội đã bày tỏ ý định giữ Mỹ ở lại khối NATO bằng cách thông qua Mục 1250A.

Vị chuyên gia này cũng tin rằng các tòa án có thể bác bỏ khẳng định của chính quyền Trump rằng chỉ riêng nhánh hành pháp mới có thể quyết định rút khỏi các hiệp ước.

"Tòa án có thể thấy tuyên bố của Tổng thống về quyền rút khỏi một hiệp ước là không thuyết phục vì Hiến pháp không nói gì về quyền rút khỏi hiệp ước, trong khi Điều II quy định việc tham gia hiệp ước là thứ quyền lực được chia sẻ giữa Tổng thống và Thượng viện", ông Sokol giải thích.

Dù bằng cách nào, câu hỏi liệu ông Trump có quyền rút khỏi NATO hay không thuộc về “vùng xám pháp lý” chưa rõ ràng.

Ông Sokol kết luận: “Cuối cùng, chúng ta vẫn không rõ tòa án sẽ ra phán quyết như thế nào về việc phân bổ quyền rút khỏi hiệp ước theo Hiến pháp...nếu dựa trên phân tích về văn bản và cấu trúc của Hiến pháp, tiền lệ có liên quan của Tòa án Tối cao và thông lệ liên ngành trong lịch sử”.