Theo ông Thiều Phương Nam -- Tổng Giám đốc Qualcomm Vietnam, Cambodia và Lào, chịu trách nhiệm vận hành vùng Đông Dương của Qualcomn toàn cầu nhấn mạnh, kinh tế số cần rất nhiều vấn đề, nhưng nền tảng để thực hiện kinh tế số vẫn là hạ tầng viễn thông di động mạnh mẽ.
Hiện nay, 4G là công nghệ rất quan trọng để thực hiện kết nối Internet vạn vật, mang Internet đến với mọi người. "Tuy nhiên, chúng ta cũng đang ở một thời điểm quan trọng: Chuẩn bị chuyển qua 5G. Có thể tại Việt Nam còn hơi sớm để nói về 5G, do chúng ta chuyển qua 4G chưa được một năm. Nhưng cũng không muộn để bắt đầu có định hướng về mặt chính sách, công nghệ cũng như hệ sinh thái cho 5G", ông Nam đánh giá.
Dẫn ra kết quả một dự báo gần đây, rằng đến 2035, 5G sẽ tạo ra một động lực phát triển kinh tế mới, tương đương 12 nghìn tỷ USD, ông Thiều Phương Nam cho rằng đó là giá trị mà 5G sẽ tạo ra trên thế giới dưới dạng dịch vụ mới, tạo ra việc làm mới và giá trị mới. 5G phát triển dựa trên nền tảng 4G mạnh.
Hiện nay, tốc độ của 4G trên thế giới đã đạt đến gigabit, tương đương với các công nghệ như cáp quang. 4G Gigabit, hay còn gọi là Gigabit LTE, đã được triển khai ở 24 nước với 39 nhà mạng lớn trên thế giới, như T-Mobile, AT&T, Sprint, Verizon (Mỹ), Singtel, SAT, Delstra (Châu Á). Bộ vi xử lý Qualcomm Snapdragon hỗ trợ công nghệ Gigabit LTE cũng được tích hợp vào rất nhiều thiết bị đầu cuối. Hiện nay, Gigabit chỉ có trên các điện thoại Android với các công nghệ của Qualcomm. Các công nghệ khác vẫn chưa đạt được tốc độ này.
Kinh tế số nghĩa là tất cả các lĩnh vực đều ứng dụng công nghệ và tất cả các thiết bị đều được kết nối. Vì thế, việc đẩy mạnh hạ tầng viễn thông di động 4G, 5G sẽ đóng vai trò quyết định trong việc phát triển kinh tế số tại Việt Nam. "4G và 5G sẽ thay đổi rất nhiều ngành công nghiệp trong nền kinh tế số", ông Nam nhận định.
Ông Thiều Phương Nam cho rằng, để triển khai thành công IoT, tại Việt Nam cũng như trên thế giới, các nhà mạng đã bắt đầu triển khai 4G LTE. Hai công nghệ phổ biến nhất hiện nay, được thống nhất tiêu chuẩn trên thế giới là NB-IoT và Cat-M1. Các nhà mạng Việt Nam cũng đang thử nghiệm những công nghệ 4G cho IoT theo những tiêu chuẩn này.
Điều này rất quan trọng trong việc triển khai những lĩnh vực như thành phố thông minh, điện kế thông minh, thực hiện các dự án kiểm soát môi trường, xây dựng tòa nhà thông minh, ứng dụng IoT vào y tế, giáo dục… Tất cả những lĩnh vực này đều cần mạng lưới hỗ trợ LTE dựa trên Cat-M1 hoặc NB-IoT. Hy vọng sắp tới chúng ta sẽ có các công nghệ này. Lúc đó, các ứng dụng IoT sẽ được thực hiện.
"Trong 12 tháng qua, 4G đã có sự phát triển rất nhanh. Để triển khai 5G, chúng ta cần có nền tảng 4G mạnh mẽ, đặc biệt là tại Việt Nam. Khi triển khai, 5G có tốc độ nhanh hơn 4G gấp trăm lần (nhiều gigabit/giây), và sẽ được thực hiện ở các thành phố trung tâm trước. 5G vẫn phải dựa trên nền tảng 4G hiện nay. Vì vậy, các đầu tư vào 4G, đưa 4G đạt tốc độ gigabit vẫn là những đầu tư cần thiết nếu chúng ta muốn lên 5G", vị đại diện Qualcomm nhận định.