Với một cú đánh nhanh chóng và quyết liệt, Putin đã gạt chân Mỹ và khiến nước này loạng choạng trong cuộc khủng hoảng Syria, Sputnik bình luận.
Mỹ liên tiếp có những động thái đáp trả. Đầu tiên là thể hiện ở các chiến dịch truyền thông méo mó bôi xấu các hoạt động quân sự của Nga, cáo buộc đó là tội ác chiến tranh. Thứ hai, người Mỹ lớn tiếng tuyên bố sự ủng hộ tích cực của Nga đối với lực lượng chính phủ Syria đang phá hoại những nỗ lực tìm kiếm hòa bình ở đây.
Thứ ba là Mỹ đã cố gắng đe dọa Nga bằng cách cắt đứt quan hệ ngoại giao với Nga về vấn đề Syria, đây là nỗ lực ngầm đe dọa quân đội Nga, vừa bằng sự can thiệp trực tiếp của Mỹ ở Syria và vừa bằng cách gián tiếp cung cấp tên lửa phòng không cho các nhóm khủng bố được Mỹ ủy nhiệm.
Theo Sputnik, Nga thực ra không hề có hành động nào đe dọa Mỹ. Nga chỉ đẩy mạnh tấn công quân sự cùng với các lực lượng chính phủ Syria nhằm đánh bại các nhóm khủng bố do phương Tây hỗ trợ ở những hang ổ cuối cùng ở thành phố Aleppo phía bắc Syria. Nếu như các nhóm phiến quân chống chính phủ bị chế ngự ở Aleppo thì cuộc nội chiến 6 năm có sự ủng hộ từ bên ngoài để thay đổi chế độ ở Syria sẽ chấm dứt.
Về mặt ngoại giao, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã hợp tác với Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov nhiều tháng liền. Theo thuật ngữ ngoại giao thì hai bên coi nhau là “đối tác”. Nhưng trong việc ủng hộ cho các phe đối lập nhau trong cuộc chiến và có những mục tiêu khác nhau, mối quan hệ của hai nước rất rõ ràng: Họ là đối thủ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin, một người đam mê Judo, đã từng tiết lộ một phần triết lý võ thuật mà ông học được trong quãng đời lớn lên trên đường phố thời hậu chiến ở St Petersburg: Nếu cuộc chiến là không tránh khỏi, ông không hề ngần ngại tấn công phủ đầu.
Một phần triết lý này đang được thực hiện ở Syria. Kế hoạch ngừng bắn do cả ông Kerry lẫn Lavrov cùng lập ra đã không bao giờ thành hiện thực. Cả Nga và đồng minh Syria có thể được ca ngợi vì đã mang lại một cơ hội hòa bình bằng cách tuân thủ thỏa thuận chấm dứt bạo lực tuyên bố hôm 12/9.
Nhưng với việc có quá nhiều các nhóm phiến loạn do nước ngoài hỗ trợ tiếp tục sử dụng bạo lực với hành trăm hành vi vi phạm thỏa thuận ngừng bắn, rõ ràng rằng không có bất kỳ cơ hội nào cho một giải pháp hòa bình. Hơn nữa những lời Mỹ kêu gọi tách biệt giữa các nhóm khủng bố ôn hòa và các nhóm khủng bố bị trục xuất đã cho thấy là một sự sai lầm. Mỹ, các đồng minh NATO và các nước trong khu vực đã ủng hộ một loạt những nhóm phiến quân - khủng bố vũ trang bất hợp pháp. Không hề có sự phân biệt.
Sputnik vạch rõ, cuộc không kích “nhầm” của Mỹ vào căn cứ quân sự của Syria ở Deir ez-Zor vào ngày 17/9 giết chết hơn 70 binh sĩ Syria là bằng chứng cuối cùng cho thấy Mỹ không bao giờ nghiêm túc thực hiện lệnh ngừng bắn. Washington luôn tìm cách hậu thuẫn cho những nhóm khủng bố ủy nhiệm do nước ngoài chống lưng, những nhóm phiến quân bị Nga và chính quyền Syria đã tấn công liên tục trong suốt một năm qua.
Nga và Syria đang cố đánh bại những nhóm khủng bố bằng những đòn mạnh mẽ hơn vì sự thất bại của lệnh ngừng bắn đã chứng tỏ lập trường không minh bạch của Mỹ về vấn đề Syria – Mỹ bị Nga cáo buộc là người tài trợ cho những kẻ khủng bố cùng phe với những kẻ khủng bố thực hiện cuộc tấn công ngày 11/9 ở New York, sự kiện là cái cớ cho việc đưa quân tham chiến tại nước ngoài suốt 15 năm qua của Mỹ.
Hiện nay động thái của Nga ở Syria đã trở nên mạnh mẽ hơn. Sau những chiến dịch truyền thông phương Tây về vấn đề vi phạm nhân đạo ở Aleppo, Matxcơva đã đưa ra tuyên bố cảnh báo rằng nếu liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu, hiện đang hoạt động trái phép ở Syria, định tấn công chính phủ Syria một lần nữa sẽ tạo ra một “sự thay đổi cấu trúc” trong khu vực.
Tuyên bố của Matxcơva là một lời cảnh báo rõ ràng rằng bất kỳ hành động quân sự nào của liên minh quân sự do Mỹ dẫn đầu nào ở Syria cũng sẽ dẫn đến chiến tranh toàn diện. Tuyên bố trên đã được Bộ quốc phòng Nga tuân thủ khi thông báo triển khai các hệ thống phòng thủ tên lửa S-300 chống máy bay và tên lửa ở Syria.
Đáng chú ý là việc lắp đặt hệ thống S-300 diễn ra chỉ 2 ngày sau khi Mỹ cho biết nước này sẽ chấm dứt đối thoại ngoại giao với Nga về vấn đề Syria. Nói cách khác, nếu sự chấm dứt ngoại giao này của Mỹ để đe dọa Nga thì nó đã không có hiệu quả.
Những mối nguy hiểm thậm chí còn lớn hơn cả cuộc xung đột ở Syria. Ít nhất trong 5 năm qua kể từ khi Mỹ vứt bỏ chính sách tái thiết lập quan hệ với Matxcơva, liên minh quân sự NATO do Mỹ dẫn đầu đã theo đuổi chính sách thù địch với Nga, một chính sách theo logic ngầm hiểu là cuối cùng sẽ dẫn đến chiến tranh.
Theo Sputnik, Mỹ muốn Nga đầu hàng trước nền bá chủ toàn cầu của Mỹ, để trở lai tình trạng chư hầu như nước này đã từng làm vào trong thời kỳ ông Boris Yeltsin lãnh đạo nước Nga hậu Xô Viết. Khi ông Putin nắm quyền 16 năm trước, Nga đã không còn là “cậu bé đánh giày” của nước Mỹ. Nước Nga đã khôi phục sự tự chủ và niềm tự hào dân tộc cũng như sức mạnh quân sự.
Vì sự tự chủ này mà Mỹ và các tay sai châu Âu của mình đã bắt tay vào chiến lược địa chính trị nhằm phá hoại nước Nga trên mọi phương diện, thông qua sự đe dọa của NATO, sự bôi xấu trên các phương tiện truyền thông và chính trị và cả các lệnh trừng phạt kinh tế. Tuy nhiên, có vẻ như ông Putin đã hứng chịu đủ những sự bắt nạt tàn nhẫn từ phía Mỹ, nước đã tuyệt vọng khi nhận ra mình đã đứng sai tư thế trong cuộc chiến này.
Khi ông Putin tuyên bố chấm dứt hiệp định song phương với Mỹ về xử lý plutonium sản xuất vũ khí hạt nhân, ông nói rằng đó là vì Mỹ đã không thực hiện đúng như thương lượng, và hơn nữa là vì sự thù địch của Mỹ đối với Nga trên các vấn đề quốc tế, bao gồm cả vấn đề Syria.
Đáng chú ý, Nga nêu yêu cầu nếu Mỹ muốn nối lại hiệp định về plutonium thì nước này phải đáp ứng được một số điều kiện bao gồm: rút lực lượng NATO khỏi biên giới của Nga, chấm dứt những quấy rối chính trị, dỡ bỏ các lệnh cấm vận kinh tế và đền bù những thiệt hại kinh tế cho Nga. BBC đã gọi yêu cầu của Nga là “danh sách những điều kiện đáng kinh ngạc”.
Mấu chốt ở chỗ Nga biết rằng nước này đã giành được ưu thế so với đối thủ của mình. Nga đã kiên nhẫn chịu đựng hành động khiêu khích không ngừng của Mỹ trong nhiều năm.
Kể cả khiêu khích cuối cùng của Mỹ đe dọa gây chiến với Nga cũng đã không ngăn chặn được Nga khỏi theo đuổi những điều Mátxcơva cho là đúng: đó là được đối xử bằng sự tôn trọng như một nước ngang hàng.
Một năm qua đã chứng minh rằng Nga có khả năng quân sự để đối mặt với bất kỳ đe dọa nào từ Mỹ, bao gồm cả đe dọa chiến tranh hạt nhân, điều mà Mỹ nhiều lần đe dọa thông qua những lời bình luận của các quan chức Lầu Năm Góc.
Có vẻ như không phải là trùng hợp khi mới đây, Nga thông báo tập trận phòng thủ với 40 triệu dân. Thực tế Nga muốn nói với Mỹ rằng Nga không sợ hãi bất kỳ điều gì, người Nga sẵn sàng bảo vệ đất nước với khả năng thậm chí còn mạnh hơn Mỹ, do đó Mỹ đừng bao giờ nghĩ đến việc gây chiến.
Sputnik quả quyết, Mỹ có thể khoác lác về những gì nước này đang cân nhắc về những lựa chọn quân sự ở Syria như từng làm với Ukraine hay ở những nơi khác. Nhưng điều đó hoàn toàn là vô ích. Vì Mỹ biết rằng Nga đã sử dụng đòn Judo địa chính trị. Điều tồi tệ nhất mà một kẻ địch phạm phải là đánh giá thấp đối phương. Và nước Mỹ kiêu ngạo chắc chắn đã đánh giá thấp nước Nga.