Tờ Le Monde đăng bài «Cuộc chơi mạo hiểm của tổng thống Nga » nhận định, những lo ngại của phương Tây, trước hết là Paris và Berlin là có lý. Bởi những hành động của chính quyền Putin thách thức công khai Pháp và Đức, hai quốc gia đỡ đầu cho các thỏa thuận Minsk, được ký kết nhằm chấm dứt các xung đột đẫm máu tại miền đông Ukraine, với lực lượng ly khai được điện Kremli ủng hộ. Một lần nữa phương Tây đặt câu hỏi các mục tiêu thực sự của Matxcơva là gì?.
Một số người ngưỡng mộ Nga so sánh ông Putin với «một nhà chơi cờ tài ba, tính trước được nhiều nước cờ». Tuy nhiên theo Le Monde, «tổng thống Nga có vẻ giống với một tay chơi bài, khéo léo nắm lấy các cơ hội mở ra để hạ các lá bài, kể cả dùng thủ đoạn». Thừa nhận ông Putin là «một nhà chiến thuật đáng sợ», nhưng về mặt chiến lược Le Monde không đánh giá cao ông Putin.
Le Monde đánh giá: «Nỗ lực của điện Kremli cuối năm 2013, cản trở hiệp ước liên kết Kiev-Liên hiệp châu Âu vì lo sợ Ukraine hoàn toàn độc lập với Nga, đã làm bùng nổ ‘cuộc nổi dậy Maidan’, khiến tổng thống thân Nga Yanukovitch phải chạy trốn, và một thế lực thân châu Âu nổi lên lên nắm quyền. Việc Nga sát nhập bán đảo Crimea của Ukraine – vùng lãnh thổ châu Âu đầu tiên bị sát nhập từ 1945 - dẫn đến cuộc khủng hoảng trầm trọng nhất giữa Nga và phương Tây kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc. Matxcơva phải hứng chịu hàng loạt trừng phạt kinh tế nặng nề từ phương Tây. Cho đến nay, kinh tế Nga tiếp tục chịu các hậu quả. Tình hình cũng tương tự về ngoại giao. Chính quyền Obama tỏ ra rất ngờ vực, khả năng cải thiện quan hệ với Mỹ rất khó khăn.
Theo Le Monde, về phần các nước châu Âu, một bộ phận khá đông các nước có truyền thống thân Nga, và cả một bộ phận cánh tả Đức và đa số cánh hữu Pháp hy vọng trừng phạt đối với Nga sẽ được nới lỏng, cho dù thỏa thuận Minsk không được thực thi. Câu hỏi đặt ra là châu Âu cần phải làm gì trước căng thẳng gia tăng tại Ukraine?.
Le Monde nhấn mạnh, sức mạnh thực sự của ông Putin luôn luôn nằm ở những mặt yếu của các đối thủ. Matxcơva hòa giải với tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ đúng vào lúc Erdogan xa lánh với Mỹ và châu Âu sau cú đảo chính hụt ngày 15/7. Hay việc phương Tây bất lực tại Syria cho phép Nga can thiệp quân sự tại nước này để cứu chế độ Assad và trở thành một thế lực không thể bỏ qua trong cuộc chiến Syria.
Le Monde nhận định cuộc phiêu lưu mới của ông Putin tại Crimea lần này khiên Matxcơva có thể «một lần nữa sẽ lại mất tất cả». Nhật báo Libération thì đăng bài «Ukraine và Nga cùng giương súng». Libération cho biết, Nga hiện tập trung quân tại bán đảo Crimea, leo thang quân sự tại miền đông nam Ukraine không phải là không thể. Tờ báo nhận xét, dù một cuộc chiến tranh công khai trong hoàn cảnh hiện nay là điều rất khó xảy ra, nhưng Matxcơva rất có thể sử dụng lý do Ukraine gây căng thẳng để đánh lạc hướng người dân Nga khỏi nhiều vấn đề nóng bỏng của đất nước. Trong một chuyến đi Crimea mới đây, thủ tướng Nga từng thú nhận «không còn tiền» cho bán đảo mới sát nhập vào Nga, bất chấp các hứa hẹn hồi 2014 với người dân Crimea.
Còn nhà chính trị học Anh Timothy Ash nêu giả thuyết việc làm căng thẳng gia tăng tại bán đảo Crimea có thể là một hành động của Matxcơva nhằm làm gây khó khăn cho nền kinh tế Ukraine vốn mới bắt đầu phục hồi. Theo ông Ash, đối với Nga thành công của Ukraine là «không thể chấp nhận được», trong lúc chưa có dấu hiệu nào cho thấy kinh tế Nga thoát khỏi khủng hoảng.