Ông Phan Văn Khải- một nhân cách lớn đã ra đi

VietTimes -- “Lịch sử kinh tế Việt Nam phải ghi công ông như một Thủ tướng có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập. Người kế thừa, xây dựng nên nền móng kinh tế vững chắc để Việt Nam có thể hội nhập, phát triển với kinh tế khu vực và quốc tế sau này. Ông là một nhân cách lớn”- Đó là đánh giá của TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng CIEM về cựu Thủ tướng Phan Văn Khải, người được coi là Thủ tướng kỹ trị.
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh: Getty Images/AFP | Hoang Dinh Nam)
Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải (Ảnh: Getty Images/AFP | Hoang Dinh Nam)

Bữa cơm chiều của vị Thủ tướng

Chúng tôi có may mắn là người đầu tiên phỏng vấn ông Phan Văn Khải trên cương vị người đứng đầu Chính phủ.

16h30 ngày 25/9/1997, ngay sau khi ông Phan Văn Khải được các đại biểu Quốc hội (kỳ họp thứ nhất QH khóa X) phê chuẩn làm Thủ tướng Chính phủ, tôi và một đồng nghiệp tới trước cửa nhà riêng của ông ở đường Chùa Một Cột (Hà Nội), đứng chờ để phỏng vấn ông.

17h15 xe của tân Thủ tướng Phan Văn Khải từ Hội trường Quốc hội về. Thấy chúng tôi đứng ngay trước cửa, ông bắt tay, tươi cười: “Các cậu chờ tý nhé!”. Chúng tôi chưa kịp theo ông vào sân, nơi vừa là sân chơi cầu lông sau giờ làm việc của ông, thì đoàn đại biểu TP. HCM ập tới. Ông Lê Danh Vĩnh, trợ lý của ông Khải nói như phân bua: “Thôi, các bạn “nhường cho” đoàn thành phố nhé!”.

Chúng tôi đành lui ra đứng chờ phía bên kia đường. Thế rồi, hết đoàn này chưa ra thì đoàn khác đã vào. Ai cũng muốn được tới chúc mừng vị tân Thủ tướng mà cách đây hơn một giờ đồng hồ họ đã biểu quyết chính thức đưa ông lên cương vị người đứng đầu Chính phủ.

Trời càng về tối, mưa càng nặng hạt. Chúng tôi đứng chờ. 22h30, khi người khách cuối cùng rời khỏi tư dinh tân Thủ tướng, ông Vĩnh ra, bảo: “Cụ bảo các cậu vào đi!”. Thì ra Thủ tướng vẫn nhớ chúng tôi còn đang đứng ngoài ngõ. Thủ tướng Phan Văn Khải trông có vẻ mệt mỏi, nhưng ông cười rất tươi. “Xin lỗi các nhà báo nhé. Anh em tới chúc mừng đông quá, không dứt ra được".

Người giúp việc bê mâm cơm lên để ở chiếc bàn nhỏ. Tôi nhìn thì thấy: một đĩa rau muống luộc còn bốc hơi, một đĩa chừng năm bảy miếng đậu rán, 2 khúc cá lóc kho và một bát nước rau muống được dầm 2 quả cà chua chưa tan hết. Thấy tôi chăm chú nhìn Thủ tướng cười: “Ngày xưa thì mơ ước có đĩa thịt to để ăn”. Nói rồi ông lấy chiếc lồng bàn úp lại. Anh bạn đồng nghiệp của tôi thưa: “Dạ, chú Sáu ăn cơm đi đã ạ”. Ông vui vẻ: “Phải hoàn thành nhiệm vụ đã mới ăn được chớ”. Chúng tôi thực sự ái ngại, nhưng cũng hết sức xúc động vì cử chỉ chân tình, cởi mở và hết sức gần gũi của người đứng đầu Chính phủ.

Ông châm điếu 555, rít một hơi dài, bảo: “Các nhà báo hỏi gì nào?”. Câu hỏi đầu tiên được đưa ra cho vị tân Thủ tướng là: “Thưa Thủ tướng, ngày mai, trên cương vị người đứng đầu Chính phủ, việc đầu tiên Thủ tướng làm là gì ạ?”. Dụi dụi điếu thuốc xuống chiếc gạt tàn, ông bảo: “Hiện vẫn còn chưa quen khi được gọi là Thủ tướng. Sáng ngày mai đến Văn phòng sớm chào anh chị em, rồi đi họp Quốc hội tiếp”.

Cuộc trò chuyện của chúng tôi với tân Thủ tướng Phan Văn Khải kéo dài gần một giờ đồng hồ. Người trợ lý của Thủ tướng mở cửa, tiễn chúng tôi ra ngõ. Cơn mưa đã tạnh. Về đêm thành phố yên tĩnh trở lại. Chúng tôi mệt phờ phạc, nhưng tâm trạng hết sức phấn chấn.

Ngày hôm sau tờ báo của chúng tôi đăng một bài dài. Câu chuyện chủ yếu xoay quanh những vấn đề ông ưu tiên trong nhiệm kỳ của mình. Ông nói nhiều về giới doanh nhân, cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và về quyết tâm cho ra đời một bộ luật doanh nghiệp.

“Nhà nước nhỏ- xã hội lớn”

Có thể nói ông Phan Văn Khải là Thủ tướng đã kế tục một cách xuất sắc người tiền nhiệm của mình- cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt và đưa việc điều hành nền kinh tế lên một tầm cao mới. Tư tưởng “Nhà nước nhỏ- xã hội lớn” (người dân được làm những gì mà pháp luật không cấm. Nhà nước chỉ làm những gì mà doanh nghiệp không muốn làm hoặc không làm được) của người tiền nhiệm Võ Văn Kiệt đã được Thủ tướng Phan Văn Khải cụ thể hóa trong nhiệm kỳ của mình.

Có thể nói, trong 9 năm làm người đứng đầu Chính phủ, mặc dù chịu “sức ép” rất lớn của người tiền nhiệm, ông Phan Văn Khải đã làm được rất nhiều. Ông Võ Văn Kiệt, theo nhận xét của nhiều thành viên Chính phủ và những người từng có dịp làm việc với ông, thì ông là người có “uy lớn của một thủ lĩnh”. Ông Phan Văn Khải có lần nói: “Về bản lĩnh chính trị, tôi không thể nào so sánh được với đồng chí Võ Văn Kiệt”.

Trong giai đoạn, có thể nói là rất khó khăn của lịch sử dân tộc, Chính phủ dưới sự điều hành của ông Võ Văn Kiệt vẫn hoàn thành một khối lượng lớn công việc, xây dựng đường dây 500KV, xây dựng được những bộ luật làm nền tảng pháp lý cho nền kinh tế thị trường vận hành. Và đặc biệt, dù bị cản trở rất nhiều, vẫn đưa Việt Nam gia nhập ASEAN, thiết lập quan hệ với EU và với những quốc gia một thời bị coi là kẻ thù như Hàn Quốc, Hoa Kỳ.

Tuy không có được “cái uy thủ lĩnh” như ông Võ Văn Kiệt, nhưng ông Khải là một Thủ tướng “kỹ trị”. Và ông Kiệt từng nhận xét: “Thủ tướng Phan Văn Khải là một nhà kinh tế hàng đầu của đất nước”. Khi nhậm chức, không có những lời “đao to, búa lớn” làm “nức lòng dân”, nhưng do là một nhà kỹ trị, ngay từ khi làm phó cho ông Kiệt, ông Khải đã tham gia hình thành chính sách như một kiến trúc sư.

 Gần như toàn bộ các thiết chế pháp lý mà nền kinh tế đang vận hành đều được hình thành dưới thời ông Kiệt và được tiếp tục hoàn thiện hơn dưới thời ông Khải. Đặc biệt, chính phủ ông Khải đã có công rất lớn khi ban hành Luật Doanh nghiệp đồng thời bãi bỏ hàng trăm loại giấy phép mẹ, giấy phép con. Chính phủ của Thủ tướng Phan Văn Khải cũng hoàn thành những vòng đàm phán gay go nhất trong tiến trình Việt Nam gia nhập WTO, để lại cho người kế nhiệm một nền kinh tế đang tăng trưởng trên 8%, lạm phát chỉ hơn 6% và một Việt Nam có vị thế khá cao trên trường quốc tế.

Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), thành viên Ban Nghiên cứu của nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải có lần nói: “Lịch sử kinh tế Việt Nam phải ghi công ông Khải như một Thủ tướng có nhiều ý tưởng, công lao cải cách, hội nhập. Một người kế thừa, xây dựng nên nền móng kinh tế vững chắc để Việt Nam có thể hội nhập, phát triển với kinh tế khu vực và quốc tế sau này”.

“Cởi trói” cho TP. HCM

Khi nhắc tới nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải không thể không nhắc tới những dấu ấn ông để lại cho TP. HCM. Và TP. HCM cũng là nơi làm nên tên tuổi ông. Khi ông làm Phó bí thư và Chủ tịch UNBN TP. HCM cũng là giai đoạn Thành phố đang đi tiên phong về cải cách, đổi mới, thậm chí là “xé rào”.

“Lúc đó Thành phố đương đầu với rất nhiều khó khăn và thử thách, đặc biệt là tình trạng nhiều nhà máy thiếu nguyên liệu, thiếu điện ngưng hoạt động, nạn thất nghiệp, thiếu việc làm nghiêm trọng, các tệ nạn xã hội, nền kinh tế chủ yếu dựa vào viện trợ bên ngoài nên yếu kém què quặt, hơn 700 ngàn ha đất nằm trong vùng vành đai trắng bị hoang hóa, trong khi vết thương 30 năm chiến tranh còn ngổn ngang... Cùng chiến tranh biên giới Tây Nam gây tổn thất, những biến động từ Liên Xô và các nước XHCN ở Đông Âu, cho đến các cuộc cải tạo công thương nghiệp trong nước gây ra tác động mạnh đến sản xuất, ảnh hưởng tâm tư và tình cảm của người dân. Thành phố phải chạy ăn từng bữa cho 3,5 triệu người. Đỉnh điểm của sự khủng khoảng kinh tế và đời sống ở TP.HCM tập trung vào năm 1979-1980 kéo theo hệ lụy sự khủng hoảng lòng tin của quần chúng, phát sinh hiện tượng, công nhân viên chức bỏ cơ quan, làn sóng di tản ngày càng tăng”- ông Khải kể như vậy tại một cuộc hội thảo nhận dịp kỷ niệm 40 năm ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng.

Từ “cái khó, ló cái khôn”, TP. HCM bắt đầu “xé rào”: phát triển mô hình SXKD mới, thực hiện phương châm Nhà nước, nhân dân cùng làm, Trung ương, địa phương, cơ sở cùng làm, những mô hình sản xuất kinh doanh giỏi xuất hiện ngày càng nhiều như Công ty bột giặt miền Nam, Xí nghiệp thuốc lá, Dệt Thành Công, Phong Phú.... được phổ biến, nhân rộng nhanh chóng. Đó là giai đoạn mà cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt gọi đó là thời kỳ “tháo gỡ”, hay “cởi trói”.

Thực tiễn của TP.HCM cùng các tỉnh ở miền Nam đã đóng góp rất quan trọng để có Đại hội 6, Đại hội của đổi mới. Và đó cũng là đóng góp to lớn của TP.HCM trong 10 năm đầu vào đường lối đổi mới.

Trong đó có sự đóng góp không nhỏ của hai con người mà sau này đều là Thủ tướng Chính phủ: ông Võ Văn Kiệt và ông Phan Văn Khải.

Tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân

Tôi vẫn nhớ: 15h ngày 16/6/2006, sau khi các đại biểu Quốc hội hoàn thành chất vấn 12 thành viên chính phủ, ông Phan Văn Khải, vận sơ mi trắng, bước lên diễn đàn phát biểu lần cuối cùng (40 phút) với tư cách là Thủ tướng, sau 15 năm tham gia điều hành Chính phủ (6 năm làm Phó thủ tướng và 9 năm là người đứng đầu Chính phủ).

Sau khi điểm lại những mặt được và những vấn đề còn trăn trở của đất nước trong 9 năm điều hành Chính phủ, ông Khải xúc động: “Điều tôi trăn trở là vì sao một số mặt yếu kém về kinh tế, xã hội và bộ máy công quyền đã được nhận thức từ lâu, đã đề ra nhiều chủ trương biện pháp khắc phục, nhưng sự chuyển biến rất chậm, thậm chí có mặt còn diễn biến xấu hơn; tình trạng lãng phí thất thoát vốn và tài sản công còn nghiêm trọng nhất là trong các dự án đầu tư vốn nước ngoài. Giáo dục, đào tạo còn nhiều hiện tượng tiêu cực, cải cách hành chính và phát huy dân chủ còn chậm trễ, bất cập, bộ máy hành chính thiếu tính chuyên nghiệp”.

Rồi ông lý giải: “Công tác cán bộ chậm được đổi mới là nguyên nhân của mọi nguyên nhân dẫn đến những sai lầm và khuyết điểm trong lãnh đạo, quản lý kinh tế, xã hội. Đất nước không thiếu người tài, nhưng bộ máy hành chính thiếu tính chuyên nghiệp, tuyển chọn sử dụng người còn nhiều sai sót”.

Trầm ngâm một lúc ông nói: “Người đứng đầu cơ quan hành chính không đủ quyền hạn cần thiết trong việc bố trí nhân sự dưới quyền, kể cả việc sắp xếp, thay thế, thi hành kỷ luật. Cơ chế này không gắn nắm việc với nắm người dẫn tới lựa chọn đánh giá cán bộ không thực sự dựa trên kết quả hoạt động thực tiễn, không khuyến khích được người có tài, có đức. Chức trách không rõ ràng cùng với cơ chế công tác cán bộ không hợp lý đã không xác lập được trách nhiệm cá nhân và tạo môi trường thuận lợi cho xu hướng cơ hội và những kẽ hở cho tệ chạy chức, chạy quyền.

Lãnh đạo Chính phủ “ngập” vào các vụ việc cụ thể, không dành đủ thời gian và tâm sức hoạch định chính sách. (Ông dẫn chứng) Ví dụ, năm 2005, mỗi tuần Thủ tướng, Phó thủ tướng chủ trì 8 cuộc họp, chưa kể họp QH, ban Đảng, công tác nước ngoài. Ký trình hoặc ký ban hành 12 văn bản quy phạm pháp luật, ban hành 76 quyết định cá biệt và văn bản chỉ đạo”.

Cuối bài phát biểu ông Phan Văn Khải dành ra tới chừng 10 phút để nói về tham nhũng trong nhiệm kỳ của mình và ông nhấn mạnh: “Tôi hết sức day dứt trước tệ quan liêu, lãng phí, tham nhũng, tiêu cực, đục khoét của công. Về những vụ đục khoét của công đã phát hiện thời gian gần đây, cùng với trách nhiệm trực tiếp của chủ đầu tư, còn có khuyết điểm và trách nhiệm của Chính phủ và của cá nhân tôi là người đứng đầu. Với chức trách được giao mà không ngăn chặn, phát hiện sớm những vụ nghiêm trọng, kéo dài, tôi xin nhận lỗi, nhận trách nhiệm trước nhân dân, trước Đảng và QH. Tôi mong đồng chí kế nhiệm sẽ rút ra được bài học từ những cái được và những cái yếu kém của tôi. Tôi cũng xin phép Quốc hội cho được thôi chức Thủ tướng”

Ông Phan Văn Khải đã kết thúc nhiệm kỳ 15 năm tham gia điều hành Chính phủ của mình bằng những lời tâm huyết như vậy. Hội trường Quốc hội hôm ấy lặng đi một lúc rồi tiếng vỗ tay vang lên kéo dài tiễn ông rời diễn đàn. Ngày 27/6/2006 ông được Quốc hội miễn nhiệm chức Thủ tướng Chính phủ trước 1 năm kết thúc nhiệm kỳ.

Tiểu sử Nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải:

Ông Phan Văn Khải, sinh ngày 25/12/1933, tại xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi, Thành phố Hồ Chí Minh; thường trú tại số nhà 24 Tú Xương, Phường 7, Quận 3, Thành phố Hồ Chí Minh; Ông tham gia cách mạng năm 1947; ngày 15/7/1959 được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.

Năm 1947, ông tham gia Đội thiếu nhi xã và làm cán bộ thiếu nhi xã Tân An Hội, huyện Hóc Môn. Năm 1948 - 1949, làm Ủy viên Ban Chấp hành thiếu nhi huyện Hóc Môn, tỉnh Gia Định.
Năm 1950 đến năm 1951, ông làm công tác văn thư Tỉnh đoàn thanh niên tỉnh Gia Định.
Năm 1952 đến năm 1954, ông làm công tác văn phòng của Mặt trận Liên Việt tỉnh Gia Định Ninh, Văn phòng Tỉnh ủy và Ủy ban kháng chiến tỉnh Gia Định Ninh.
Tháng 10/1954, ông tập kết ra Bắc.
Năm 1955 đến năm 1957, ông làm công tác giảm tô đợt 7 ở Hà Nam, đợt 4 cải cách ruộng đất ở tỉnh Sơn Tây và đợt 5 cải cách ruộng đất ở Bắc Hưng Yên.
Tháng 8/1957 đến năm 1959, ông học văn hóa ở Trường bổ túc công nông Trung ương.
Tháng 8/1959 đến tháng 8/1960, ông học Trường Ngoại ngữ Trung ương.
Tháng 9/1960 đến tháng 6/1965, ông học Đại học Kinh tế quốc dân Mát-xcơ-va, Liên Xô.
Tháng 6/1965 đến năm 1971, ông làm cán bộ, Phó phòng, Trưởng phòng Vụ Tổng hợp, Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Năm 1972 đến năm 1975, ông làm cán bộ nghiên cứu kinh tế miền Nam, năm 1973 vào chiến trường B2, năm 1974, ông ra Hà Nội làm Vụ phó Vụ Kế hoạch chi viện, Ủy ban Thống nhất
Năm 1976 đến năm 1978, ông làm Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1979 đến năm 1980, ông làm Thành ủy viên, Ủy viên Thường vụ Thành ủy, Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Năm 1981 đến năm 1984, ông làm Phó Bí thư Thành ủy, Phó Chủ tịch thường trực Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ V của Đảng (tháng 3/1982), ông được bầu vào Ủy viên dự khuyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tại Hội nghị lần thứ bảy Ban Chấp hành Trung ương khóa V (năm 1984), ông được bầu vào Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Năm 1985 đến tháng 3/1989, ông làm Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VI của Đảng (tháng 12/1986), ông tiếp tục được bầu lại vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng.
Tháng 4/1989 đến tháng 6/1991, ông làm Chủ nhiệm Ủy ban Kế hoạch Nhà nước.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VII của Đảng (tháng 6/1991), ông tiếp tục được bầu lại vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị.
Tháng 7/1991, ông làm Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng; tháng 9/1992 đến tháng 8/1997 làm Phó Thủ tướng Chính phủ.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ VIII của Đảng (tháng 6/1996), ông tiếp tục được bầu lại vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, tiếp tục được Trung ương bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị; ông làm Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ.
Tháng 9/1997, ông làm Thủ tướng Chính phủ; làm Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị tháng 01/1998.
Tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (tháng 4/2001), ông tiếp tục được bầu lại vào Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng và được Trung ương bầu vào Ủy viên Bộ Chính trị, tiếp tục làm Thủ tướng Chính phủ đến tháng 7/2006.
Ông được nghỉ công tác, nghỉ hưu theo chế độ từ ngày 01/01/2008.
Ông là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng các khóa V, VI, VII, VIII, IX; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VII, VIII, IX; Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị khóa VIII; Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Đại biểu Quốc hội các khóa VIII, IX, X, XI.

Do có nhiều công lao và đóng góp lớn đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, ông đã được Đảng và Nhà nước tặng thưởng Huân chương Sao vàng, nhiều Huân chương, Huy chương cao quý khác của Việt Nam và quốc tế và Huy hiệu 55 năm tuổi Đảng./.