Theo Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, thì đây là một vấn đề mới, khó, phức tạp, hiện chưa có các công trình nghiên cứu khoa học chuyên sâu. Việc đánh giá đúng, chính xác thực trạng kiểm soát quyền lực, thực trạng chạy chức chạy quyền, chống chạy chức chạy quyền, chỉ ra những ưu, khuyết điểm, hạn chế, nguyên nhân; đề xuất nhiệm vụ, giải pháp hiệu quả, thiết thực, cụ thể để tăng cường kiểm soát quyền lực, chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ bằng việc ban hành Quy định của Bộ Chính trị về nội dung này có ý nghĩa quan trọng và là nhiệm vụ hết sức cần thiết trong tình hình hiện nay.
Vì vậy, ông Chính đề nghị các đại biểu thảo luận, góp ý tập trung vào một số nội dung: tình hình, nguyên nhân hạn chế của kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; Đề cập nội dung và có giải thích về các nội dung trong dự thảo quy định về kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ; bố cục và nội dung nào cần được bổ sung làm rõ...
Các đại biểu thảo luận, góp ý tại Hội nghị
|
Khi thảo luận dự thảo, các đại biểu cho rằng: Kiểm soát quyền lực và chống chạy chức, chạy quyền trong công tác cán bộ là một nội dung rất khó. Thời gian qua, qua công tác giám sát, kiểm tra, qua các vấn đề liên quan đến công tác cán bộ có sai phạm cho thấy việc sử dụng quyền lực chưa bài bản, chưa đúng quy định, có những đồng chí được giao quyền lực đã lạm quyền, lộng quyền trong việc sử dụng quyền lực, mà pháp luật chưa có cơ chế kiểm soát. Sử dụng không đúng quyền lực, thẩm quyền, lợi dụng quyền lực dẫn đến chạy chức chạy quyền, do đó, phải xây dựng cơ chế để kiểm soát quyền lực, chống chạy chức chạy quyền.
Các ý kiến đề nghị cần đề cập, bổ sung mối quan hệ giữa kiểm soát quyền lực và chạy chức, chạy quyền. Phải chống cho được cơ chế xin - cho. Trong đó, cần phải chú ý đến giải pháp căn cơ trong việc giám sát chặt chẽ quyền lực. Để kiểm soát quyền lực và phòng, chống “chạy chức chạy quyền” điều quan trọng nhất là xây dựng thể chế. Thể chế này phải xây dựng kỹ, rõ ở từng khâu, từng mắt xích và phải dễ kiểm tra, giám sát để gắn trách nhiệm người thực hiện từng công đoạn và phải có cơ quan giám sát việc này. Đấu tranh phòng, chống có hiệu quả tình trạng chạy chức, chạy quyền, hướng tới không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng và đặc biệt vì danh dự của mỗi cán bộ…
Trước đó, phát biểu đề dẫn tại Hội nghị, ông Trần Văn Túy, Trưởng ban Công tác đại biểu Quốc hội, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương Đảng nhấn mạnh, cán bộ là gốc của mọi công việc, công tác cán bộ cũng vô cùng hệ trọng. Qua 30 năm đổi mới, 20 năm thực hiện Chiến lược cán bộ, nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đã đạt được nhiều thành tựu nhưng cũng còn không ít hạn chế, yếu kém, khó khăn, thách thức, nhất là tình trạng lạm quyền, lộng quyền, lợi dụng quyền lực, thao túng trong công tác cán bộ; sử dụng quyền lực được giao để phục vụ lợi ích cá nhân hoặc dung túng, bao che, tiếp tay cho tham nhũng, tiêu cực trong công tác cán bộ chậm được ngăn chặn, đẩy lùi. Nạn chạy chức, chạy quyền và tiếp tay cho chạy chức, chạy quyền còn diễn biến phức tạp, xảy ra tinh vi ở nhiều nơi, nhiều cấp.
Ông Trần Văn Túy cho biết thêm, đến nay, ngoài việc xây dựng Đề án Dự thảo Quy định với 4 chương, 16 điều để xin ý kiến góp ý, Tổ Biên tập đã dự thảo Tờ trình và Quy định của Bộ Chính trị về nội dung này.
Những nội dung được các đại biểu đề cập đến nhiều nhất vẫn là về 8 cơ chế để kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ; nhận diện 19 hành vi chạy chức chạy quyền (5 hành vi của “người chạy” và 14 hành vi của “người được chạy” cả hành vi của tập thể và cá nhân); 6 cách thức phát hiện hành vi chạy chức chạy quyền và việc kiểm tra, kết luận, xử lý hành vi chạy chức, chạy quyền; về trách nhiệm thực hiện Quy định...