Tờ New York Post tiết lộ đầy bất ngờ về thân thế bà Mạnh Vãn Châu:

Ông nội bà Châu từng là bạn thân của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông

VietTimes -- Vụ Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu đã khiến cho mỗi quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày càng trở nên xấu hơn. Hôm qua, tờ New York Post đã đăng tải một bài viết hé lộ thêm về gia đình bà Mạnh Vãn Châu.
Bà Mạnh Vãn Châu (ảnh: New York Post)
Bà Mạnh Vãn Châu (ảnh: New York Post)

Khi nhà chức trách của Canada bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu, Giám đốc Tài chính của Huawei tại Vancouver vào đầu tháng này, họ đã “đổ thêm dầu vào lửa” cho mối quan hệ vốn đã căng thẳng giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc. Canada đã bắt giữ bà Mạnh Vãn Châu theo yêu cầu của phía Hoa Kỳ. Bà Mạnh được cho là đã gian dối các ngân hàng quốc tế để giúp Huawei làm ăn với Iran, điều này đã vi phạm lệnh trừng phạt của Hoa Kỳ đối với quốc gia này.

Các quan chức Hoa Kỳ cũng lên tiếng cảnh báo đồng minh rằng nên coi Huawei là mối đe dọa an ninh quốc gia. Họ khuyến cáo các nước đồng minh không nên sử dụng điện thoại hoặc thiết bị mạng của Huawei.

Bà Mạnh Vãn Châu, con gái của nhà sáng lập Huawei, là một nhân vật VIP ở Trung Quốc. Để trả đũa vụ bắt giữ bà Mạnh, phía Trung Quốc đã bỏ tù 3 người Canada với những tội danh mơ hồ và đe dọa sẽ bỏ tù thêm những người Canada khác nếu bà Mạnh không được thả sớm. Cho đến nay, bà Mạnh đã được tại ngoại nhưng không được phép rời khỏi Canada.

Tờ New York Post hôm nay đã tiết lộ thêm nhiều thông tin về thân thế của bà Mạnh Vãn Châu. Theo đó, ông nội của bà Mạnh đã từng là Phó Chủ tịch thành phố lớn nhất Trung Quốc. Ông cũng là bạn thân của cố Chủ tịch Mao Trạch Đông. Bà Mạnh được mệnh danh là “công chúa Mạnh” và gia đình của bà được New York Post ví như "hoàng gia" ở Trung Quốc.

Trước vụ bắt giữ này, bà Mạnh đã được sắp xếp để kế vị cha mình là ông Nhiệm Chính Phi – nhà sáng lập và Chủ tịch đương nhiệm của Huawei. Đừng quên rằng Huawei là nhà sản xuất điện thoại lớn thứ hai thế giới và là tập đoàn hàng đầu thế giới về thiết bị mạng.

Bài báo trên New York Post còn “đổ thêm dầu vào lửa” khi cáo buộc Huawei là cơ quan gián điệp cho Nhà nước Trung Quốc. Tờ báo này nói rằng Trung Quốc đã kêu gọi tất cả các công ty trong nước tham gia hỗ trợ nhà nước thu thập thông tin. Điều 7 của Luật Tình báo Quốc gia Trung Quốc ghi rõ: "Tất cả các tổ chức và công dân phải hỗ trợ và hợp tác trong công tác tình báo quốc gia, và bảo vệ các bí mật quốc gia mà họ đang nắm giữ".

Các nhà lập pháp Hoa Kỳ đã lo ngại rằng điện thoại và thiết bị mạng của Huawei là gián điệp thu thập thông tin các tập đoàn Mỹ và người dùng, sau đó gửi về cho chính phủ Trung Quốc. Giám đốc FBI Christopher Wray nói rằng điện thoại thông minh của Huawei có thể được sử dụng để "sửa đổi hoặc đánh cắp thông tin và thực hiện các hoạt động gián điệp". Đầu năm nay, chính phủ Hoa Kỳ đã cấm bán điện thoại Huawei trên các căn cứ quân sự của họ.

Trong khi chính phủ Hoa Kỳ đã ra tay ngăn AT&T và Verizon bán Huawei Mate 10 Pro trong các cửa hàng của họ vào đầu năm nay, thì vẫn còn đó những nỗi sợ hãi khi thiết bị mạng của Huawei sẽ được sử dụng để xây dựng hạ tầng 5G trên thế giới. Trong khi các quốc gia như Hoa Kỳ, Anh, Canada, New Zealand và Úc đã thuyết phục các quốc gia khác như Nhật Bản, Ấn Độ không mua thiết bị Huawei, thì Đức lại đang xúc tiến 25 hợp đồng với phía Huawei.

New York Post còn cho rằng hai ký tự tiếng Trung tạo nên chữ Huawei (Hoa Vi) có nghĩa là "phục vụ Trung Quốc". Đây chính là điều mà Hoa Kỳ lo ngại nhất - Huawei đang là một công ty gián điệp của chính phủ Trung Quốc. Về phía Huawei, tập đoàn này đã phủ nhận mọi cáo buộc và cho rằng đó là những "phát ngôn không có căn cứ".

Một số công ty Trung Quốc đang hỗ trợ Huawei bằng cách phạt tiền các nhân viên nếu họ mua iPhone của Apple, đồng thời trợ cấp để nhân viên mua điện thoại của các công ty trong nước sản xuất trong đó có Huawei.