Ông Nhậm Chính Phi hy vọng Honor sẽ vượt Huawei để trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

VietTimes –  Nhà sáng lập Huawei kỳ vọng rằng công ty con cũ Honor sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu mạnh nhất của Huawei.

CEO, nhà sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi phát biểu tại cuộc họp thường niên lần thứ 50 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1/2020.
CEO, nhà sáng lập Huawei - ông Nhậm Chính Phi phát biểu tại cuộc họp thường niên lần thứ 50 của Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) ở Davos, Thụy Sĩ, ngày 21/1/2020.

Trong sự kiện chia tay công ty con Honor - một thương hiệu smartphone giá rẻ, ông Nhậm Chính Phi đã hy vọng Honor sẽ trở thành đối thủ cạnh tranh toàn cầu mạnh nhất của Huawei và thậm chí vượt qua công ty mẹ cũ. Theo ông, điều này sẽ tạo động lực mạnh mẽ cho chính Huawei trong tương lai.

Ông Nhậm cũng nhấn mạnh rằng Huawei và Honor không còn liên kết với nhau nữa. Giờ đây, hai công ty sẽ tiến hành các hoạt động kinh doanh độc lập với nhau, tuân thủ các quy tắc quốc tế để đạt được các mục tiêu mà mỗi bên đã đề ra.

Giải thích lý do bán Honor, ông Nhậm cho biết các lệnh trừng phạt mà Hoa Kỳ áp đặt đã dẫn đến nguy cơ mất việc làm của rất nhiều người, không chỉ riêng nhân viên Huawei mà các công ty đối tác đến từ hơn 170 quốc gia cũng đều bị ảnh hưởng.

“Chúng ta không thể kéo những người vô tội vào vì sự đau khổ của chính chúng ta. Sau khi bán, Honor đã nhanh chóng khôi phục sản xuất dưới sự dẫn dắt của Zhixin để giải quyết các vấn đề với đối tác” - ông nói.

Ông Nhậm cảnh báo Honor sẽ đối mặt với “các vấn đề lớn hơn bất kỳ công ty mới nào khác” và kêu gọi các cựu nhân viên theo đuổi toàn cầu hóa, học tập từ các doanh nghiệp Anh, Mỹ, EU, Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc cũng như hợp tác với đối tác trong nước.

Honor được thành lập như một thương hiệu phụ của Huawei vào năm 2013. Từ đó đến nay, công ty đã trở thành một trong những thương hiệu smartphone hàng đầu thế giới, bán được hơn 70 triệu máy mỗi năm. Theo công ty nghiên cứu thị trường IDC, Honor chiếm khoảng 28% tổng lượng smartphone Huawei xuất xưởng trong nửa đầu năm nay.

Huawei đã thông báo việc bán Honor vào đầu tháng này. Theo các báo cáo chưa được Huawei xác nhận, thương vụ mua bán có giá trị khoảng 15 tỷ USD.

Điện thoại Honor trong tương lai có thể được cài đặt sẵn các dịch vụ của Google


Vào hôm 16/11/2020, Huawei đã xác nhận tin đồn bán thương hiệu Honor. Theo thỏa thuận, công ty công nghệ Trung Quốc Shenzhen Zhixin sẽ trở thành chủ sở hữu chính với 98,6% cổ phần. Việc xuất hiện thông tin Huawei bán Honor đã khiến nhiều người đang sử dụng thiết bị của thương hiệu smartphone giá rẻ này lo lắng. Tuy nhiên, Huawei đã nhanh chóng trấn an người tiêu dùng.

Được biết, Shenzhen Zhixin sẽ vẫn tiếp tục duy trì hệ sinh thái cũ. Người dùng sẽ không cảm thấy bất kỳ thay đổi đặc biệt nào. Tất cả các tài khoản sẽ tiếp tục hoạt động. Bản cập nhật phần mềm Magic UI cũng sẽ ra mắt.

Công ty cho biết sẽ không có bất cứ vấn đề nào về dịch vụ dành cho khách hàng sau thương vụ mua lại. Người dùng vẫn được trải nghiệm tất cả các dịch vụ như trước đây, tuy nhiên các mẫu điện thoại mới sẽ được bảo trì thông qua hệ thống dịch vụ riêng của Honor.

Một trong những câu hỏi quan trọng là vấn đề liên quan đến dịch vụ di động của Google. Kể từ tháng 5/2019, Huawei đã bị Mỹ áp đặt lệnh trừng phạt, dẫn đến việc hãng không thể phát hành điện thoại thông minh mới với phần cứng và các dịch vụ của Google.

Với việc bán Honor, giới phân tích đánh giá chính phủ Mỹ sẽ không có lý do gì để áp dụng các biện pháp trừng phạt tương tự cho Honor. Do đó, điện thoại thông minh Honor có khả năng sẽ được cài đặt sẵn các dịch vụ của Google trong tương lai.

Theo Gizchina