Ông Nguyễn Quốc Kỳ: Vietravel muốn vay mới nhưng hết tài sản thế chấp

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
VietTimes – Ông Nguyễn Quốc Kỳ cho biết, Vietravel có đặc thù vừa là doanh nghiệp du lịch vừa là doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh về vận chuyển hàng không nên sức ép tài chính rất lớn.

Phát biểu tại Hội nghị Thủ tướng với doanh nghiệp hôm 11/8, ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel (Mã CK: VTR) nhấn mạnh, sau 2 năm đại dịch, các doanh nghiệp du lịch, đặc biệt là lữ hành hàng không, đã kiệt quệ về lao động, tài chính, phải khôi phục lại toàn bộ.

“Thị trường du lịch sau dịch là thị trường mới hoàn toàn, an toàn hơn, nhanh và ít trạm hơn. Do đó, phải thay đổi toàn bộ cấu trúc của doanh nghiệp cũng như cấu trúc của cả ngành du lịch”, ông nói.

Theo ông Kỳ, ngành du lịch nói chung cũng như Vietravel đưa ra 3 chiến dịch: Rã đông - phục hồi - phát triển.

“Sau rã đông là phục hồi. Trong giai đoạn phục hồi này, sức ép về tài chính rất lớn”, ông nói và cho biết Vietravel có đặc thù vừa là doanh nghiệp du lịch vừa là doanh nghiệp lữ hành, kinh doanh về vận chuyển hàng không nên sức ép tài chính rất lớn.

Cũng theo ông Nguyễn Quốc Kỳ, gói hỗ trợ giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) 2% của Chính phủ là quá ít, nên quay lại mức giảm 5%. Ông đánh giá ngành du lịch có tính lan tỏa, tác động rất lớn nên cần quan tâm và cho mức giảm cao hơn.

Bên cạnh đó, các gói giãn và giảm về tài chính tác dụng quá ngắn, chủ yếu trong giai đoạn dịch, thị trường chưa trở lại nên tác dụng không nhiều.

“Gói hỗ trợ 2% đến thời điểm này hầu như các doanh nghiệp không tiếp cận được, nhiều rào cản. Các ngân hàng đều yêu cầu muốn vay mới phải trả nợ cũ để bảo đảm an toàn và phải có tài sản thế chấp, nhưng tài sản trong 2 năm dịch đều thế chấp hết rồi”, Chủ tịch Vietravel nói.

Đồng thời cho rằng các yếu tố này là không phù hợp bởi doanh nghiệp lữ hành chủ yếu nhờ vào nhân lực, tri thức và thương hiệu.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Vietravel

Tại ngày 30/6/2022, vốn chủ sở hữu của Vietravel ở mức âm 104,4 tỉ đồng. Tài sản của doanh nghiệp lữ hành này được kiến tạo bởi khoản nợ phải trả lên tới 2.343,2 tỉ đồng, tăng 14,4% so với đầu năm.

Trong đó, tổng dư nợ vay và nợ thuê tài chính (ngắn hạn và dài hạn) của Vietravel là 1.285,4 tỉ đồng, chiếm 57,4% tổng nguồn vốn. Doanh nghiệp vay ngắn hạn ngân hàng 398,9 tỉ đồng, vay trái phiếu thường dài hạn 489,8 tỉ đồng, còn lại chủ yếu là vay các tổ chức khác.

Ngày 21/12/2021, Vietravel đã phát hành 500 tỉ đồng trái phiếu cho CTCP Chứng khoán VPS (VPS). Lô trái phiếu có kỳ hạn 24 tháng, lãi suất cố định 8,2%/năm, được bảo đảm bằng khoản đầu tư vào trái phiếu phát hành bởi CTCP Nông nghiệp Trường Hải (Tharico).

Trước đó, vào ngày 17/9/2019, Vietravel đã huy động thành công 700 tỉ đồng từ kênh trái phiếu nhằm bổ sung nguồn vốn cho dự án hàng không Vietravel Airlines./.