Vừa qua, Tổng công ty Hàng Hải Việt Nam (VIMC – tên cũ: Vinalines) đã tổ chức cuộc họp Đại hội đồng cổ đông lần đầu để chuyển sang mô hình công ty cổ phần sau nhiều lần lỡ hẹn.
Tại đại hội, các cổ đông đã bầu ra Hội đồng quản trị (HĐQT) VIMC với 5 thành viên. Trong đó, ông Lê Anh Sơn được bầu làm Chủ tịch HĐQT.
HĐQT VIMC đã bổ nhiệm ông Nguyễn Cảnh Tĩnh làm Tổng giám đốc. Trước đó, ông Tĩnh có 4 năm nắm giữ chức Quyền Tổng giám đốc VIMC.
Ông Nguyễn Cảnh Tĩnh sinh năm 1975, quê quán xã Lưu Sơn, Đô Lương, Nghệ An. Ông tốt nghiệp Trường Đại học Tài chính (nay là Học viện Tài chính) chuyên ngành Kế toán công năm 1997 và Thạc sỹ Tài chính chuyên ngành Tài chính kế toán năm 2007.
Về quá trình công tác, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh từng làm kế toán tại Công ty TNHH Tân Hà (Hà Nội) từ tháng 2/1998 – 3/1999; làm kế toán trưởng Chi nhánh Công ty Thương mại lâm sản Hà Nội tại Bắc Ninh từ tháng 4/1999 – 2/2000; phụ trách kế toán, kế toán trưởng Cục Kiểm lâm, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ tháng 3/2000 – 3/2010; làm kế toán trưởng Tổng cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn từ tháng 3/2010 – 1/2011.
Từ tháng 1/2011, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh chính thức công tác tại VIMC, lần lượt nắm giữ nhiều chức vụ khác nhau tại đây. Cụ thể, ông từng là Phó Trưởng Ban Tài chính từ tháng 2/2011 – 2/2012; Trưởng Ban Tài chính, Bí thư Chi bộ Ban Tài chính từ tháng 2/2012 – 4/2013.
Từ tháng 4/2013 – 9/2015, ông Nguyễn Cảnh Tĩnh lần lượt kiêm nhiệm thêm nhiều chức vụ khác như Trưởng Ban Quản lý các doanh nghiệp có vốn góp thuộc VIMC, Thành viên HĐQT tại CTCP Cảng Hải Phòng, Chủ tịch HĐQT CTCP Cảng Vinalines Đình Vũ.
Từ tháng 7/2015 – 9/2015, ông Tĩnh nắm giữ chức vụ Phó Tổng giám đốc VIMC; từ tháng 10/2015 đến nay, là Thành viên HĐTV kiêm Quyền Tổng giám đốc VIMC.
Được biết, VIMC hiện nắm giữ vốn tại 19 công ty con và 16 công ty liên kết. Bên cạnh việc quyết định giữ quyền chi phối, VIMC còn sở hữu cổ phần của 16 doanh nghiệp cảng biển, quản lý khai thác hơn 13.000m cầu bến, khả năng thông qua hơn 150 triệu tấn hàng hóa.
Năm 2020, VIMC dự kiến doanh thu đạt 1.526 tỷ đồng, lỗ trước thuế 1.024,8 tỷ đồng. Mục tiêu đến năm 2025, VIMC dự kiến sản lượng vận tải biển đạt hơn 18 triệu tấn, sản lượng hàng thông qua cảng đạt gần 139 triệu tấn, doanh thu đạt 10.771 tỷ đồng, lợi nhuận hợp nhất hơn 1.230 tỷ đồng./.