“Đổi ý” thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông, Cảng Sài Gòn muốn gì?

VietTimes -- Nhận định tình hình tài chính đã được cải thiện, người đại diện phần vốn của Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines) tại CTCP Cảng Sài Gòn (Cảng Sài Gòn - Mã CK: SGP) đã đề xuất dừng việc thoái vốn của Cảng Sài Gòn tại Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông (Ngọc Viễn Đông).
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông chính là chủ đầu tư của siêu dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.
Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Đô thị Ngọc Viễn Đông chính là chủ đầu tư của siêu dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.

Trước đó, vào tháng 5/2017, Cảng Sài Gòn đã có công văn đề xuất thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông để có nguồn vốn phục vụ công tác di dời và thực hiện các dự án đầu tư phát triển doanh nghiệp. Căn cứ vào đề xuất này, Vinalines đã có công văn gửi Bộ Giao thông vận tải (Bộ GTVT) trình Thủ tướng xem  xét phê duyệt.

Tuy nhiên, căn cứ vào công văn số 52/HHVN-ĐT mà Vinalines gửi cho Bộ GTVT vào tháng 1/2019, Cảng Sài Gòn đã thay đổi ý định, đề xuất xin dừng việc thoái vốn tại công ty Ngọc Viễn Đông.

Trao đổi với VietTimes sáng nay (1/3/2019), Quyền Tổng Giám đốc Vinalines Nguyễn Cảnh Tĩnh cho biết vẫn đang chờ quyết định của Thủ tướng về đề xuất nêu trên.

Muốn thoái vốn do khó khăn về vốn

Công ty Ngọc Viễn Đông được thành lập vào tháng 1/2014 với sự tham gia góp vốn của 3 nhà đầu tư là: Cảng Sài Gòn, Công ty TNHH Phát triển hạ tầng Bến Nghé (Bến Nghé) và một tập đoàn BĐS lớn.

Quy mô vốn điều lệ ban đầu của Ngọc Viễn Đông là 1.153,85 tỷ đồng. Trong đó, Cảng Sài Gòn tham gia góp vốn 300 tỷ đồng, chiếm 26% vốn điều lệ.

Tới tháng 6/2016, quy mô vốn điều lệ của Ngọc Viễn Đông được nâng lên mức 5.400 tỷ đồng nhưng Cảng Sài Gòn vẫn giữ nguyên số vốn góp ban đầu nên tỷ lệ sở hữu giảm xuống chỉ còn 5,56%.

Một trong những dự án đáng chú ý của Ngọc Viễn Đông (với vai trò là chủ đầu tư) phải kể tới là Dự án Khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội. Dự án này được xây dựng trên khu vực cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (đã chuyển đổi công năng sử dụng theo quy hoạch) thuộc quyền quản lý của Cảng Sài Gòn với quy mô 45 ha.

Ảnh minh họa (Nguồn: Internet)
Ảnh minh họa (Nguồn: Internet) 

Chuyển biến bên trong dự án khu phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội

Bên cạnh đó, Ngọc Viễn Đông còn thực hiện tạm ứng vốn để Cảng Sài Gòn tiếp tục đầu tư xây dựng hoàn thiện Dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước (Giai đoạn 1) và ứng vốn xây dựng đường D3 kết nối Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước.

Tại thời điểm đề xuất thoái vốn tại công ty Ngọc Viễn Đông, Cảng Sài Gòn cho biết doanh nghiệp này rất cần nguồn vốn phục vụ công tác di dời và thực hiện các dự án đầu tư phát triển của doanh nghiệp.

Trong đó, bao gồm nhiều hoạt động được đánh giá là quan trọng như: di dời, xây mới trụ sở làm việc; đầu tư Khu dịch vụ hậu cần tại Hiệp Phước; tạo nguồn vốn để hoàn thành Giai đoạn 1 của Dự án Cảng Sài Gòn - Hiệp Phước khi chưa bố trí được nguồn vốn hỗ trợ; bổ sung nguồn vốn đầu tư cho Cảng Sài Gòn khi phải trích lập dự phòng tổn thất đầu tư tài chính dài hạn tại các cảng liên doanh tại khu vực Cái Mép - Thị Vải.

Ngoài ra, theo tìm hiểu của VietTimes, khó khăn về nguồn vốn cũng là nguyên nhân khiến Cảng Sài Gòn không thể góp thêm vốn vào Ngọc Viễn Đông phục vụ nhu cầu vốn phát triển dự án phức hợp Nhà Rồng - Khánh Hội.

Đổi ý

Trong công văn gửi Bộ Giao thông Vận tải cách đây ít lâu, Vinalines cho biết tình hình tài chính của Cảng Sài Gòn đã khởi sắc hơn nhiều, áp lực về nguồn vốn cũng được “giảm tải” chỉ sau 1 năm.

Theo báo cáo từ người đại diện vốn, Cảng Sài Gòn đã giảm được áp lực về nguồn vốn khi đã trích lập tổn thất đầu tư tài chính dài hạn tại các cảng liên doanh với giá trị lên tới 878 tỷ đồng. Tại ngày 30/9/2018, lượng tiền mặt của doanh nghiệp này là 149,3 tỷ đồng, các khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn là 707,6 tỷ đồng.

Trong khi đó, nhu cầu vốn đầu tư thực hiện các dự án đến năm 2020 của Cảng Sài Gòn chỉ vào khoảng 331 tỷ đồng.

Cụ thể, nguồn vốn còn thiếu để tiếp tục thực hiện dự án Sài Gòn - Hiệp Phước (giai đoạn 1) sẽ được huy động từ nguồn vốn hỗ trợ di dời theo quyết định (thông qua vào năm 2010) của Thủ tướng chính phủ. Các dự án xây dựng văn phòng điều hành, Khu dịch vụ hậu cần tại Hiệp Phước, Dự án Cảng Sài Gòn Hiệp Phước giai đoạn 2 của công ty mới đang làm thủ tục giới thiệu địa điểm, xin phép đầu tư nên nguồn vốn chưa cấp thiết.

Đáng chú ý, căn cứ để Cảng Sài Gòn thay đổi đề xuất cũng xuất phát từ việc hoạt động kinh doanh tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội (cũ) mang lại nhiều lợi ích kinh tế cho công ty này.

Cụ thể, hoạt động kinh doanh hành khách tàu biển tại khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội đang mang lại nguồn lợi nhuận hàng năm tương đối cao cho Cảng Sài Gòn. Trong năm 2018, lợi nhuận ước tính từ hoạt động này đạt 25,48 tỷ đồng, cao gấp 2 lần so với năm 2017.

“Trường hợp thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông vào thời điểm này, Cảng Sài Gòn có thể sẽ không còn quyền ưu tiên khai thác dịch vụ” - Cảng Sài Gòn cho biết.

Cũng tại vị trí cảng cũ, Ngọc Viễn Đông được chấp thuận làm chủ đầu tư dự án chuyển đổi mục đích sử dụng đất đang được quy hoạch giữ một phần cầu cảng làm bến tàu khách phục vụ tàu du lịch quốc tế, tàu nhà hàng, tàu du lịch trên sông.

Vì vậy, việc duy trì phần vốn góp tại Ngọc Viễn Đông sẽ tạo điều kiện để Cảng Sài Gòn có lợi thế tiếp tục kinh doanh khai thác tàu khách tại Khu cảng Nhà Rồng - Khánh Hội, phù hợp với điều lệ tổ chức và hoạt động của Cảng Sài Gòn.

Nhưng cũng cần lưu ý rằng, việc ngừng thoái vốn tại Ngọc Viễn Đông sẽ giúp Cảng Sài Gòn duy trì sự hiện diện của mình tại một trong những dự án bất động sản có vị trí đắc địa nhất tại trung tâm TP.HCM./.