|
Ông Nguyễn Bá Thanh để lại dấu ấn với phong cách làm việc và phát ngôn rất riêng |
Từ khi mắc bệnh và phải ra nước ngoài điều trị, ngày 9/1/2015 ông Nguyễn Bá Thanh trở về nước trong sự chào đón của người dân Đà Nẵng. Tuy nhiên, sau 35 ngày trở về nước để tiếp tục điều trị, ông Nguyễn Bá Thanh đã qua đời vào trưa ngày 13/2 tại Bệnh viện đa khoa TP.Đà Nẵng.
Khi còn sống, ông Nguyễn Bá Thanh được nhiều người đánh giá là một nhà quản lý giỏi, rắn rỏi và bộc trực. Nhưng có lẽ hình ảnh của ông in đậm trong tâm thức của người dân là người dung dị, những phát ngôn bình dân nhưng rất thép. Ông Thanh là người cương trực, nói là làm.
Phải biến Đà Nẵng thành đô thị đáng sống chứ không phải là thành phố chán sống trong tương lai
Xung quanh dư luận xôn xao về việc chính quyền Đà Nẵng “cấm cửa” dân nhập cư, trong một buổi trao đổi với báo chí ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Tôi khẳng định, chính quyền Đà Nẵng không có chuyện “cấm cửa” dân nhập cư. Nghị quyết trên xuất phát từ tình hình một bộ phận lớn dân nhập cư không có nhà cửa, không có nghề nghiệp hoặc có nhiều tiền án, tiền sự ồ ạt đổ về các quận nội thành, nơi có mật độ dân số đô thị thuộc loại cao nhất cả nước hiện nay, làm sức chịu đựng của hạ tầng giao thông, y tế, giáo dục bị quá tải; tội phạm diễn biến hết sức phức tạp. Gần 50% các vụ phạm pháp hình sự thời gian qua không phải là dân địa phương. Trước những bức xúc đó, HĐND TP mới có một Nghị quyết như vậy”.
Trong thời gian làm việc tại TP. Đà Nẵng, ông Thanh đã từng thẳng thừng từ chối tiếp nhận dự án hàng tỷ USD bởi những lo ngại ảnh hưởng về môi trường. Hành động này được coi là thông điệp khẳng định rằng lãnh đạo thành phố đang và sẽ tiếp tục nỗ lực xây dựng Đà Nẵng trở thành thành phố có môi trường xanh, sạch, đẹp, đưa Đà Nẵng trở thành thành phố “đáng sống” với sự phát triển bền vững về môi trường.
Có những khoản nợ không phải xấu mà là quá xấu
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu: “Có những khoản nợ không phải xấu, mà là quá xấu, không bao giờ có thể đòi được. Một nước nghèo mà không dưới 100 tỉ USD cho nhà đất thì như thế nào? Ngân hàng Nhà nước phải thống kê nghiêm túc, phải phân tích số liệu chính xác thì mới xử lý rõ ràng”.
Tôi nói là làm, không có chuyện… chạy làng
Tại cuộc đối thoại của Bí thư Thành ủy Nguyễn Bá Thanh với 64 hộ dân làng phong Hòa Vân (TP Đà Nẵng) ngày 5/9/2012, ông có những chia sẻ rất chân tình: “Bà con ở đây rồi, thỉnh thoảng tôi sẽ lên thăm. Không phải đưa bà con vào đây rồi là thôi mà chính quyền sẽ luôn theo dõi. Tôi nói là làm, không có chuyện… chạy làng”.
Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ
Tại buổi nói chuyện về Quỹ hỗ trợ phụ nữ nghèo với cán bộ phụ nữ và trao giải “Chi hội Phụ nữ tiêu biểu” năm 2011 của Đà Nẵng gây được nhiều tiếng vang, tạo được nhiều ấn tượng đối với tất cả những người tham dự khi ông tuyên bố: “Làm thì phải có lửa! Ai mệt quá thì giơ tay xin nghỉ. Bí thư cấp quận, huyện đến Bí thư chi bộ, tổ trưởng dân phố, trưởng thôn, chi hội phụ nữ phải nhận thức đúng tầm quan trọng của quỹ và vào cuộc quyết liệt!”.“Phải bóc tách ra, có những loại nợ không phải là nợ xấu mà quá xấu, không bao giờ có thể đòi được”.
Phát biểu về nợ xấu tại kỳ họp thứ 4, quốc hội khóa XIII, đại biểu Quốc hội Nguyễn Bá Thanh đã phát biểu: “Phải bóc tách ra, có những khoản nợ không phải xấu, mà là quá xấu, không bao giờ có thể đòi được. Một nước nghèo mà không dưới 100 tỷ USD cho nhà đất thì như thế nào? Ngân hàng Nhà nước phải thống kê nghiêm túc, phải phân tích số liệu chính xác thì mới xử lý rõ ràng”.
Sung sướng mà không học nổi thì quá kém
Trong buổi nói chuyện với 176 thiếu niên chậm tiến trên địa bàn thành phố Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh - Bí thư Thành ủy Đà Nẵng - đã nói: Ở đời không ai không có sai lầm. Không phải dũng khí là vung nắm đấm hay vác dao ra xử.
Ông liên tưởng đến việc sau này: “Rồi các em sẽ thành cha, mẹ. Có con cái lớn lên ra đường bị bạn bè dè bỉu: Hui, cha mi là thằng cha ở tù. Nhục lắm. Hối hận thì đã muộn rồi”.
Ông ví von con trâu có sừng nhọn, mỗi lần húc nhau lòi ruột ra. Con người ta có ý chí, có ý thức nên không thể vì chuyện gì cũng vác dao ra đâm chết người. Nếu các em học không nổi thì chuyển sang học nghề, để biết đổ mồ hôi nước mắt kiếm tiền là gì. Đừng để nhàn cư vi bất thiện.
Ông Thanh so sánh việc học của các thời với nhau để thấy được những cái được và chưa được của học sinh bây giờ:
“Hồi chú đi học phải nhịn ăn, viết bút bằng tre cũng ráng.
Giờ các cháu được sung sướng mà không học nổi thì quá kém!”
Cán bộ bây giờ phải biết tập xấu hổ
Trong một cuộc họp với lãnh đạo các sở, ban ngành thành phố, Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Nguyễn Bá Thanh gây ấn tượng bất ngờ khi đề cập đến một khái niệm được đánh giá là “khá lạ lẫm” nhưng cũng “rất chí lý và thấm thía”, đó chính là “văn hóa xấu hổ”.
Ông nói: “Cán bộ bây giờ phải tập biết xấu hổ”, bởi việc các cán bộ được “dân tin dân yêu” cứ “hứa hẹn nhiều nhưng làm chẳng bao nhiêu” hay thậm chí phớt lờ, không làm mà vẫn hứa với dân… không còn là chuyện hiếm hoi.
Tham nhũng xử hết, xử từ lớn đến nhỏ
Đó là khẳng định của ông Nguyễn Bá Thanh, Trưởng Ban Nội chính T.Ư khi tiếp xúc cử tri tại 11 xã của huyện Hòa Vang, Đà Nẵng ngày 24/9.
Trong buổi tiếp xúc, nội dung được cử tri đưa ra chất vấn Nguyễn Bá Thanh nhiều nhất là xử lý tham nhũng, chạy việc. Cử tri đặt câu hỏi: “Vừa rồi thấy chúng ta đã hô hào rất mạnh trong việc xử lý tham nhũng, nhưng vẫn chưa thấy xử lý được vụ nào”. Ông Nguyễn Bá Thanh đáp: “Án tham nhũng đã xử. Thời gian tới sẽ tiến hành xử lý tất cả các vụ tham nhũng từ nhỏ đến lớn chứ không chỉ có lớn mới đưa ra xử”.Ông Thanh lấy ví dụ vụ “nhân bản xét nghiệm” tại Bệnh viện Hoài Đức (Hà Nội) và cho rằng sự việc không chỉ gây thất thu đến tiền tỉ mà còn ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe người dân nên vụ án cũng được nhanh chóng khởi tố hàng chục người.
Người dân cho rằng tham nhũng ở khắp nơi. Dân Hòa Vang còn hỏi thẳng “giá để chạy việc vào làm tại bệnh viện”. Ông Nguyễn Bá Thanh khẳng định: “Nếu biết ai nhận hối lộ để chạy việc thì cứ tố cáo thẳng tới tôi, sẽ được xử lý”.
Không để đồng tiền lấn át nhân cách
Tại buổi gặp cán bộ làm trong ngành LĐ-TB-XH TP. Đà Nẵng, ông nói: “lãnh đạo sở phải theo sát các trung tâm trực thuộc, không được lơ là kiểm tra. Nếu lơ ra mấy anh này thụt két là chết ngay. Anh nào lấy tiền dành cho các đối tượng chính sách, đối tượng xã hội mà ăn là không thể tha thứ, phải xử lý mạnh tay. Nếu muốn làm giàu thì nên đi làm kinh doanh, chứ đừng vào ngành này mà kiếm chác, cắt xén thì mất nhân tâm lắm, không được đâu".
Bớt xén của người bất hạnh là không thể tha thứ được!
Trong buổi tiếp xúc cử tri tại quận Hải Châu (Đà Nẵng) chiều 25-4-2013, nhiều cử tri bày tỏ bức xúc trước nạn công chức “ăn cắp” giờ công, nhũng nhiễu, ông Thanh phát biểu:
"Tình trạng công chức lơ là công việc vẫn xảy ra ở một vài địa phương và đang ra sức chấn chỉnh. Còn vấn đề cử tri hỏi tại sao công chức “rên” lương thấp mà vẫn mua được nhà, sắm được ôtô thì tôi xin trả lời là hiện nay vẫn phải thừa nhận một vài nơi có tình trạng cán bộ hưởng lương ít, nhưng khi làm người này người khác cũng dúi cho phong bì, nên cũng khá lắm!”.
Rồi ông tiếp: "Nhưng cũng nói thật nghe, phải coi chừng đó, chứ một ông chủ tịch UBND tỉnh trong miền Nam có xôn xao léng phéng với một cô gái, Bộ Chính trị vừa có ý kiến cho nghỉ luôn đó, không đùa đâu”.
Tại cuộc họp HĐND TP Đà Nẵng đầu tháng 4-2013, ông Nguyễn Bá Thanh đã đưa ra một vụ việc "chạy" chung cư mà công an quận Sơn Trà bắt quả tang, một đồng chí phó giám đốc Công an TP nói “nhờ phát hiện bắt quả tang nên người dân chưa mất tiền, số tiền không lớn”.
Ông nói: "Cuộc họp có giám đốc Công an TP ở đây, tôi yêu cầu về nói lại với vị phó giám đốc công an rằng vụ này cần phải xử lý nghiêm”.
Ông rắn giọng: "Với các đồng chí thì 10 triệu là không lớn, nhưng với dân nghèo thì đó là cơ nghiệp của người ta... Còn các cán bộ Văn phòng UBND TP tuồn danh sách ra cho đám “cò” nhẹ nhất cũng phải kỷ luật Đảng, xử lý cho chuyển công tác, đáng ra là buộc phải sa thải”.
Nói lời chia tay với người dân Đà Nẵng trên sóng truyền hình trực tiếp của kỳ họp, ông nói: "Tôi tin có nhiều đồng chí giám đốc các sở nghe tôi đi cũng buồn. Nhưng cũng có nhiều đồng chí giám đốc sở rất mừng vì từ nay hết lo bị tôi truy vấn, bóc tách khuyết điểm"
"Thật lòng không muốn kỷ luật ai nhưng công việc mà người dân tin tưởng giao phó, đặt trách nhiệm cho anh mà anh không làm được thì phải xử lý” - ông Thanh tâm sự.
Chiều 14-1-2013, làm việc với cán bộ của Sở LĐ-TB&XH TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã lưu ý cán bộ ngành này: “Những đối tượng các đồng chí đang quản lý có khuyết tật, nghèo, bất hạnh, chính sách... nên phải để mắt đến các hoạt động, quản lý tiền bạc chắc chắn, đúng. Nếu cắt xén tiền bạc là không thể tha thứ được”.
Báo cáo láo quen rồi!
Phát biểu ấn tượng này của ông là tại hội nghị triển khai các giải pháp tiền tệ nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội Đà Nẵng tổ chức ngày 20-3-2013.
Nói về tình hình nợ xấu, Ông Nguyễn Bá Thanh cho rằng còn nhiều vấn đề phải bàn, với cách làm như hiện nay số nợ xấu chỉ là tương đối, còn một số ngân hàng giấu, đối phó chứ chưa nói ra hết.
Theo ông Thanh, trong các lĩnh vực dễ xảy ra tiêu cực thì ngân hàng là lĩnh vực đang được xã hội quan tâm. Muốn có nền kinh tế vĩ mô hoạt động tốt, Ngân hàng Nhà nước phải siết chặt, buộc các tổ chức, cá nhân phải chấp hành đúng quy định.
Ông nhấn mạnh: “Chấp hành, làm là phải tự giác. Chứ nhà người ta trị giá 10 tỉ mà ông nhân viên tín dụng định giá lên đến 50-70 tỉ, rồi lãnh đạo ngồi ở nhà không nắm được giá trị thật cứ gật gù ký, đến lúc phát hiện đổ vỡ thì lấy cái gì, hắn đưa cái mạng cùi ra đó mình cũng chịu... Ở các nước được kiểm soát chặt chẽ. Báo cáo láo, sai là trừng phạt liền, còn mình lâu nay báo cáo láo quen rồi”.
Tại buổi nói chuyện với gần 800 cán bộ, giảng viên Trường ĐH Duy Tân (Đà Nẵng) sáng 19-9-2012, lúc đó đang còn giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã thẳng thắn: "Ở Đà Nẵng không có chuyện chạy chọt, mua quan bán chức".
"Hàng từ phó giám đốc sở trở lên tôi quản lý được hết. Có người nói họ chạy qua vợ con, thư ký của ông thì sao? Tôi khẳng định vụ nớ tôi kiểm soát được. Tôi đi vắng, bà xã ở nhà không dám nhận bất cứ thứ gì. Việc nhận hay không thì phải có tôi ở nhà” - ông Thanh nói.
Còn nhiều những chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của ông khiến người dân Đà Nẵng nhớ mãi: cảnh sát giao thông nhận chung chi là phải về vườn, không phải cứ hễ chung chi là được lên chức, đừng xem bỏ phiếu tín nhiệm là chiếc đũa thần...
“Đừng xem bỏ phiếu tín nhiệm là chiếc đũa thần"
Ngày 24-9-2013, ông Nguyễn Bá Thanh cùng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng tiếp xúc cử tri tại huyện Hòa Vang.
Tại buổi tiếp xúc ở hội trường Huyện ủy Hòa Vang, đông đảo cử tri cho rằng việc tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm ở Quốc hội lẫn HĐND như thời gian qua là không thực chất, chưa có sự chuyển biến. Cử tri thắc mắc vì sao các cán bộ có phiếu tín nhiệm thấp chưa thấy có động tĩnh xử lý gì.
Ông Nguyễn Bá Thanh nói: “Việc bỏ phiếu tín nhiệm lần đầu tiên làm, nên vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Việc bỏ phiếu tín nhiệm cũng có mặt được, nhưng có nhiều điểm chưa làm người dân hài lòng. Như bỏ phiếu ở HĐND vừa qua, các thành viên ban của HĐND không đụng chạm đến ai, không mất lòng nên phiếu tín nhiệm cao. Còn bên cơ quan hành pháp thì ông đi phạt người này, xử lý người kia đôi khi bị va chạm nên cũng khó”.
Trước đó, trả lời cử tri quận Sơn Trà, ông Thanh cho rằng: “Đừng xem bỏ phiếu tín nhiệm là chiếc đũa thần. Bỏ phiếu tín nhiệm cũng có cái chính xác một phần, nhưng có cái ông làm, ông va chạm kiểu này kiểu kia mất lòng phiếu thấp, có cái ông làm mà làm chưa ngon lắm nhưng ông quan hệ tốt, có khi ông lại được phiếu cao cũng chưa biết chừng".
Ông Thanh nói: "Đời cũng có mặt được và mặt chưa được, chứ đừng nhấn mạnh tuyệt đối hóa cho đó như một chiếc đũa thần. Vừa rồi đưa ra bỏ phiếu bên Chính phủ tương đối thấp còn bên Quốc hội cao. Bên Quốc hội thì anh giám sát thôi chứ anh đâu có làm. Vì vậy có người cũng tâm tư. Cách làm như vừa rồi cũng chưa tốt lắm nhưng nói thật tôi cũng chưa nghĩ ra cách làm tốt hơn. Cái này Quốc hội cũng còn phải bàn”.
"Họp nhiều nó mụ người đi"
Tại buổi làm việc với hơn 100 cán bộ, công chức ngành văn hóa - thể thao và du lịch TP Đà Nẵng chiều 11-1- 2013, ông Thanh tái khẳng định: những vấn đề liên quan đến chuyện du khách bị “chặt chém” thì trách nhiệm đầu tiên là của ngành du lịch chứ không đổ cho ngành khác.
Khi nghe đại diện Bảo tàng Điêu khắc Chăm kiến nghị về việc cấp vốn để xây dựng nhà vệ sinh phục vụ du khách, cũng như cấp kinh phí để hạn chế tình trạng “chặt chém” du khách..., ông Thanh nói rằng ông kỳ vọng các đơn vị hiến kế, kiến nghị những giải pháp cho sự phát triển nhưng các nơi chỉ kiến nghị về ngân sách.
Ông Thanh cho rằng ngành du lịch là một mũi nhọn phát triển của TP nhưng hiện còn quá nhiều vấn đề. Ông nói: “Có cứu hộ biển mà để xảy ra nạn chết đuối thì không ai dám đến Đà Nẵng để tắm biển nữa đâu. Mấy anh cứu hộ mệt quá thì cho nghỉ, tuyển anh khác, có quy chế, kỷ luật, phải có người chịu trách nhiệm. Rồi các nơi tắm nước ngọt, mùa hè lại không có chỗ tắm, thiếu nước thì du khách chán ngán ngay. Vì thế, muốn tạo một thương hiệu du lịch Đà Nẵng phải chú ý từng chuyện nhỏ, từ cứu hộ, tắm nước ngọt, giữ xe không chặt chém, tờ hướng dẫn, người tiếp nhận đường dây điện thoại phải giỏi ngoại ngữ...”.
Ông kể ở các nước Malaysia, Thái Lan... khách du lịch phản ảnh chuyện gì thì 5 phút sau cảnh sát có mặt kịp thời. “Còn ở đây, đánh giày, taxi chém như trên trời nhưng khách chẳng biết kêu ai. Là TP du lịch nên các khách sạn phải có đường dây nóng cho du khách để có gì họ phản ảnh. UBND TP chỉ đạo nhưng đến nay vẫn chưa thấy. Suốt ngày họp với giao ban, họp gì mà họp miết thế? Họp nhiều nó mụ mị đi. Tôi làm 16 năm nay có họp ban đêm đâu nhưng mà việc vẫn chạy đấy” - ông hỏi lại cán bộ ngành.
"Muốn an dân phải làm cho dân an"
Phát biểu bế mạc kỳ họp HĐND TP Đà Nẵng ngày 18-12-2004, Nguyễn Bá Thanh lúc bấy giờ là Bí thư Thành ủy - Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng xác định mục tiêu năm 2005 là thực hiện tốt chủ trương “an dân”, trọng tâm là công tác bố trí tái định cư, giải quyết việc làm cho đối tượng này.
Ông Thanh lưu ý: năm 2005 được TP Đà Nẵng chọn làm năm “an dân”, mà muốn an dân thì phải làm cho dân an tâm, do vậy phải tập trung cho công tác di dời tái định cư, xóa nhà tạm, xóa hộ nghèo theo chuẩn mới của TP; tập trung kiềm chế tai nạn giao thông; giải quyết ô nhiễm môi trường, an ninh trật tự xã hội.
Sau khi tốt nghiệp trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, ông về làm cán bộ nông nghiệp, rồi làm chủ nhiệm Hợp tác xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang). Sau đó, làm giám đốc Nông trường chè Quyết Thắng (xã Ba, huyện Đông Giang, tỉnh Quảng Nam).
Năm 1980 ông được kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam.
Năm 1996, ông được bổ nhiệm chức vụ chủ tịch UBND TP Đà Nẵng (thuộc tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng).
Năm 1997, tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng chia tách và ông Thanh tiếp tục giữ chức vụ chủ tịch TP Đà Nẵng cho đến năm 2002.
Năm 2003, ông được bầu vào chức vụ bí thư Thành ủy Đà Nẵng (thay người tiền nhiệm là ông Nguyễn Đức Hạt). Ngay sau đó, ông Thanh cũng được bầu vào vị trí chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng.
Ông là đại biểu Quốc hội Việt Nam các khóa IX, XI và XII.
Ngày 28 -12 - 2012, ông được Bộ Chính trị điều động ra Hà Nội giữ chức vụ Trưởng ban Nội chính Trung ương, đồng thời kiêm phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. Sau khi ông Thanh ra Hà Nội, ông Trần Thọ - phó bí Thư thường trực Thành ủy Đà Nẵng được bổ nhiệm làm bí thư Thành ủy.
Trong những năm làm lãnh đạo TP Đà Nẵng, ông Nguyễn Bá Thanh đã để lại rất nhiều dấu ấn trong công tác điều hành. Nổi bật là quy hoạch, xây dựng thành phố; đền bù giải tỏa; sử dụng và đào tạo thế hệ trẻ, nhân tài; xây dựng TP Đà Nẵng thành thành phố “5 không”, trở thành một thành phố đầu tàu trong khu vực.
Theo ANT, Tuổi trẻ