Ông Khuất Việt Hùng: cháy xe khách "do ý chí chủ quan của lái xe và phương tiện"

Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia vừa cho biết nguyên nhân các vụ cháy xe khách vừa rồi không phải do nhiên liệu mà do ý chí chủ quan của lái xe và phương tiện.
Ảnh: Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia
Ảnh: Ông Khuất Việt Hùng, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia

Thông tin trên được ông Hùng đưa ra trong cuộc họp giữa Bộ GTVT và lãnh đạo TP.Đà Nẵng mới đây. Ông Hùng nói: “Vừa rồi có diễn ra một số vụ tai nạn cháy xe khách. Đầu tiên chúng tôi hỏi ý kiến của một số chuyên gia thì thấy hoang mang vì họ nói là do nhiên liệu pha lẫn phụ gia. Nhưng khi hỏi từ Cục Đăng kiểm lẫn Viện Dầu khí thì họ khẳng định không có chuyện đấy”.

Theo ông Hùng, các vụ cháy nổ xe khách vừa rồi có hai nguồn. Thứ nhất là do bảo trì, bảo dưỡng phương tiện không tốt dẫn đến chập điện và phát cháy nổ. Thứ hai là có những nguồn cháy ở gần các khu vực mà do chính người lái xe hoặc do hàng hóa xếp ở gần khu vực bình nhiên liệu của phương tiện. Đặc biệt là việc cho chở mô tô, xe máy ở trong gầm hàng nhưng không rút hết nhiên liệu dẫn đến cháy nổ xe máy rồi lan sang xe khách.

“Đây là một trong những nguyên nhân mà Công an Bình Thuận đang điều tra vụ cháy hai xe khách vừa rồi. Đề nghị ngành công an và giao thông siết chặt kiểm tra vấn đề này, đặc biệt là tại các bến xe, khi đưa mô tô xe máy vào gầm hàng xe khách thì phải rút hết nhiên liệu ra khỏi xe máy. Cũng như chúng ta phải kiểm tra kỹ những hàng hóa vận chuyển để tránh trường hợp như xe khách nổ ở Lào mới đây”, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia khuyến cáo.

Nói về việc kiểm soát phương tiện quá tải cũng như tình trạng bến cóc xe dù, ông Hùng đề nghị giao trách nhiệm cho cấp ủy, chính quyền của quận, phường.

Ông Hùng cũng đề nghị Đà Nẵng tiếp tục kiểm soát và xử lý tình trạng vi phạm nồng độ cồn đối với người tham gia giao thông. “Thành phố có kế hoạch riêng của thành phố để tăng cường tuyên truyền phòng chống và xử lý vi phạm nồng độ cồn đối với người lái xe cơ giới đường bộ giai đoạn năm 2016-2020. Tức là chúng ta cần một kế hoạch dài hơi để triển khai vấn đề này đầy đủ các giải pháp, không chỉ xử phạt mà phải tuyên truyền, giáo dục, vận động…”.

Theo ông Hùng, căn cứ vào số liệu thống kê của CSGT hiện nay thì số người vi phạm có nồng độ cồn khoảng 6% nhưng trên thực tế là khoảng 40%, có những địa phương cá biệt lên đến 60%.

“Trước thì không có quy định nên khó, nhưng nay đã có thông tư 26 liên tịch Bộ Y tế và Bộ Công an có quy định các nạn nhân bị TNGT vào bệnh viện phải kiểm tra nồng độ cồn ở trong máu. Rất mong lãnh đạo TP chỉ đạo Sở Y tế phải làm dứt điểm việc này”, Phó chủ tịch chuyên trách Ủy ban ATGT quốc gia đề nghị.  

Theo Một thế giới