Phát biểu tại đại hội, ông Hồ Hùng Anh – Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – Mã CK: TCB) cho rằng, việc chia cổ tức bằng cổ phiếu nên thực hiện khi ngân hàng có nhu cầu cải thiện các chỉ số.
“ROE của Techcombank hiện vào khoảng 20%, vốn đầu tư để lại có lợi nhuận như vậy là tốt cho các cổ đông”, ông Hùng Anh chia sẻ. Hệ số lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu (ROE) là chỉ số phổ biến được dùng để đánh giá hiệu quả hoạt động của ngân hàng.
|
Ông Hồ Hùng Anh - Chủ tịch HĐQT Techcombank |
Lần gần nhất, năm 2018, Techcombank đã thực hiện trả cổ tức bằng cổ phiếu với tỷ lệ lên tới 200% (cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu được nhận thêm 2 cổ phiếu Techcombank). Trong khi đó, nhà băng này đã có 10 năm không chia cổ tức bằng tiền.
Theo ông Hồ Hùng Anh, việc chia cổ tức bằng tiền mặt phụ thuộc vào các chỉ số an toàn vốn, nhu cầu đầu tư phát triển của ngân hàng, quan trọng là đảm bảo quyền lợi dài hạn cho cổ đông, đảm bảo ngân hàng hoạt động hiệu quả.
“Giá cổ phiếu hiện tại là vấn đề đang quan tâm nhưng tôi quan tâm nhiều hơn vào giá trị tổ chức. Tôi tin rằng giá trị tương lai của Techcombank sẽ tăng gấp 5, gấp 10 lần bây giờ. Đầu tư ngắn hạn để trading không phải sở trường của tôi”, Chủ tịch Techcombank nhấn mạnh.
Về phương án phân phối lợi nhuận năm 2022, Techcombank dự kiến trích 32.675,8 tỉ đồng vào quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và 1.790,6 tỉ đồng trích quỹ dự phòng tài chính.
Toàn bộ 23.538,9 tỉ đồng lợi nhuận còn lại có thể phân phối sẽ được dùng để bổ sung vốn phục vụ cho hoạt động kinh doanh của ngân hàng, không chia cổ tức năm 2022.
Về kế hoạch kinh doanh, Techcombank đặt mục tiêu lợi nhuận trước thuế hợp nhất năm 2023 đạt 22.000 tỉ đồng, giảm 14% so với năm trước. Dư nợ tín dụng riêng ngân hàng mẹ đạt 511.297 tỉ đồng, tăng trưởng 15%. Tỷ lệ nợ xấu dưới 1,5%./.