Nguyên Tổng bí thư Đỗ Mười có cách nói chuyện rất thẳng thắn và dí dỏm. Đôi khi ông dẫn dắt người đối thoại tới những tình huống đầy bất ngờ và kết quả đem lại cũng bất ngờ không kém.
Vết sẹo hòa giải
Trong những năm 90 của thế kỷ trước, khi đang là phóng viên quốc tế của Báo Quân đội Nhân dân, tôi được giao đặc trách về quan hệ Việt-Mỹ. Vì vậy, tôi có nhiều dịp được chứng kiến các buổi làm việc, các cuộc hội đàm, hay những buổi mà Lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng tiếp các phái đoàn Quốc hội Mỹ, trong đó có đoàn của Thượng nghị sĩ John Kerry, Chủ tịch Tiểu ban phụ trách vấn đề POW/MIA (nay là Ngoại trưởng Mỹ); đoàn của Thượng nghị sĩ John McCain (Chủ tịch Ủy ban quân vụ Thượng viện Mỹ)…
Một trong những cuộc gặp ấn tượng nhất với tôi đó là khi Tổng bí thư Đỗ Mười tiếp phái đoàn Quốc hội Mỹ (năm 1992). Ấn tượng bởi cái cách ông Đỗ Mười xử lý tình huống độc đáo và bất ngờ. Phái đoàn Quốc hội Mỹ hôm ấy do Hạ Nghị sĩ bang Florida Peterson dẫn đầu (sau này ông Perteson trở thành Đại sứ Mỹ tại Việt Nam).
Người phiên dịch cho ông Đỗ Mười là ông Hà Huy Thông (hiện là Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Đối ngoại Quốc hội). Sau khi trò chuyện với các thành viên trong đoàn, ông Đỗ Mười quay lại phía Hạ nghị sĩ Peterson cười vui vẻ: “Tôi được biết ngài đã là khách của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa từ lâu rồi”.
Ông Peterson trả lời: “Vâng, thưa ngài Tổng bí thư”. Ông Đỗ Mười hỏi tiếp: “Khi ngài bị giam ở nhà giam Hỏa Lò ngài được cư xử như thế nào?”. Ông Peterson ngập ngừng một lúc rồi nói: “Ơn chúa, tôi vẫn sống!”. Ông Đỗ Mười lại vui vẻ cười: “Thì đương nhiên rồi. Vì thế hôm nay ngài mới ngồi ở đây. Ý tôi muốn hỏi là “Cách đối xử của chúng tôi với người Mỹ bị giam giữ như thế nào cơ”.
Nói rồi, ông Đỗ Mười, vén tay áo lên, vỗ nhè nhẹ vào vết sẹo ở cánh tay: “Bị thực dân pháp tra tấn trong trại giam Hỏa Lò đấy!”. Ngừng một lát, bất ngờ ông Đỗ Mười hỏi: “Thế ngài có vết sẹo nào không?”. Ông Peterson nói rằng ông có một vết sẹo trên lưng do khi máy bay rơi ông bị thương, rồi bị bắt. Ông Đỗ Mười bảo: “Cho chúng tôi xem vết sẹo của ngài đi!”. Ông Peterson lúng túng: “Tại đây và ngay bây giờ ư?”. “Ngay bây giờ và tại đây”- ông Đỗ Mười nói. Ông Peterson đành phải đứng dậy cởi áo khoác, tháo cà vạt và vén áo sơ mi lên.
Ông Đỗ Mười đứng lên, đi lại xem vết sẹo trên lưng ông Peterson, khi quay lại ghế ngồi của mình, nói: “Tôi vẫn muốn hỏi lại ngài câu hỏi đó”. Ông Peterson trả lời: “Thưa ngài Tổng bí thư, trong thời gian chiến tranh cả hai bên chúng ta gây ra nhiều điều cho nhau. Tôi muốn đề nghị với ngài, chúng ta bỏ qua quá khứ, hướng tới tương lai”. Nghe tới đó, ông Đỗ Mười đứng dậy, bước nhanh tới chỗ Peterson, và bắt tay ông, trước khi nói: “Tôi hoàn toàn đồng ý với ngài”.
Chuyện vượt ngục
Vết sẹo mà ông Đỗ Mười vén tay áo cho những người Mỹ xem là hậu quả của những lần thực dân Pháp tra tấn ông trong những ngày ông bị chúng giam cầm tại nhà tù Hỏa Lò.
Câu chuyện đó có lần được ông kể lại như sau: Tháng 10 năm 1942, trên đường đi công tác thì ông Đỗ Mười bị thực dân Pháp bắt. Ban đầu thực dân Pháp giam ông tại trại giam Hà Đông. Đầu năm 1943 ông bị chuyển về giam ở nhà tù Hỏa Lò. Trong tù Hỏa Lò, ông và nhiều nhà hoạt động cách mạng khác bị tra tấn dã man.
Mặc dù vậy ông vẫn tham gia hoạt động trong Ban Quản lý sinh hoạt nhà tù. Tối 9/3/1945, khi Nhật- Pháp bắn nhau ở Hà Nội, thừa lúc Nhật thay Pháp quản lý nhà tù thì ông Mười và những nhà cách mạng bị giam cầm tại đây tổ chức vượt ngục. Tuy nhiên chuyến vượt ngục này chỉ có ông Trần Đăng Ninh thoát được. Số còn lại bị bắt trở lại nhà tù.
Sau lần thất bại này, tù chính trị đã thận trong hơn và quyết tâm phải thoát ra bằng được để trở về tham gia cách mạng. Trưa ngày 11/3/1945, lợi dụng tình hình nhà tù đang nhốn nháo, ông Đỗ Mười cùng các đồng chí của mình là Trần Tử Bình, Nguyễn Văn Cử, Nguyễn Huy Hòa, Nguyễn Cao Đàm bàn nhau rồi trà trộn vào đám tù thường, tìm quần áo của tù nhân gửi trong kho mặc vào, lấy vải che đầu lẻn sang trại J (trại giam trẻ em) và vô tình phát hiện ra một nắp cống.
Kế hoạch chui cống được sắp xếp, bàn bạc kỹ lưỡng. 19giờ 30 phút, ngày 12/3/1945, ông Trần Tử Bình hạ lệnh mở nắp cống, cuộc vượt ngục tập thể của tù chính trị nhà tù Hoả Lò bắt đầu. Nhóm đi đầu tiên gồm 4 người là Trần Tử Bình, Trần Quang Hoà, Nguyễn Tuân, Phan Lang. Ông Đỗ Mười được phân công đi nhóm thứ hai cùng với Trần Văn Cử, Nguyễn Cao Đàm.
Những khi được hỏi về cuộc vượt ngục này ông Đỗ Mười thường rất vui vẻ kể lại khá chi tiết. “Việc chui cống vô cùng khó khăn và vất vả, nước trong cống đen đặc, hôi thối, đầy rác rưởi, có đoạn bị thu hẹp lại, chúng tôi phải lách mình mới qua được”- ông Đỗ Mười nói. Đôi khi, sau khi kể chuyện vượt ngục, ông còn vén tay áo lên và vỗ nhẹ vào vết sẹo trên cánh tay rồi nói: “Đây là hậu quả của việc bị tra tấn trong nhà tù Hỏa Lò đấy”.
Lên khỏi cống, nhóm của ông Đỗ Mười đi nhanh ra phía bờ sông, băng qua bãi pháo của Nhật, men theo đường đê và đi thẳng về nhà ông ở Đông Phù, Thanh Trì. Tại đây, những cán bộ cách mạng vượt ngục chuẩn bị và phân công nhau tìm liên lạc với Đảng. Ông Đỗ Mười kể rằng, ông được phân công tìm về làng Vạn Phúc để bắt liên lạc với cơ quan Xứ ủy. Tại đây ông đã gặp được ông Nguyễn Văn Trân và bắt tay ngay vào tuyên truyền vận động quần chúng và chỉ đạo cuộc khởi nghĩa tháng Tám 1945.
L.T.B