|
Bị cáo Đinh La Thăng tại ngày xét xử thứ 2 (9/1/2018). Ảnh: Tuổi trẻ |
Theo ông Thăng, ông giữ chức Chủ tịch HĐTV PVN từ tháng 2/2006 đến tháng 8/2011. Nhiệm vụ của ông ta là tổ chức thực hiện, triển khai đường lối, chính sách, chỉ đạo các thành viên tập đoàn phát triển kinh doanh, đóng góp cho nền kinh tế.
Tại sự án nhiệt điện Thái Bình 2, liên quan tới việc chỉ định PVC làm tổng thầu, ông Thăng khai, việc chỉ định này xuất phát từ chiến lược phát triển PVN đến năm 2025 đưa dầu khí thành tập đoàn kinh tế mạnh. Ông Thăng nhấn mạnh vào nội dung của chiến lược là tăng doanh thu dịch vụ trong tổng doanh thu của tập đoàn.
Đồng thời, ông Thăng cho biết tình hình PVC lúc đó rất cấp bách nên việc chọn tổng công ty này làm tổng thầu là cần thiết.
Trả lời câu hỏi có kiểm tra năng lực tài chính của PVC trước khi chọn làm tổng thầu không, bị cáo Đinh La Thăng nói việc chọn là căn cứ vào năng lực của doanh nghiệp này, cũng như căn cứ vào thực tiễn.
Mặt khác, bản thân ông Thăng đồng ý về nguyên tắc cho PVC làm tổng thầu. Lý do vì năm 2010, PVC có lãi 1.000 tỷ đồng, PVN cũng bán 40% cổ phần của PVC và thu được 2.500 tỷ đồng. Đồng thời trước đó, PVC và Lilama cũng đã từng liên doanh trong một số dự án, các liên doanh đều triển khai tốt, tiết kiệm được khoản tiền lớn vì hoàn thành trước tiến độ…
Khi tòa nhắc lại câu hỏi về việc bị cáo có kiểm tra báo cáo tài chính của PVC để xem đơn vị này có đủ năng lực hay không, ông Thăng đáp: “Các phòng ban đều có báo cáo PVC đủ năng lực thực hiện. Căn cứ vào báo cáo của chủ đầu tư, HĐTV đã xem xét, giao cho giám đốc trực tiếp chỉ đạo”.
Về việc ngày 24/2 ông Thăng mới phê duyệt thiết kế điều chỉnh đầu tư, nhưng 4 ngày sau đã có thể khởi công xây dựng được khi hồ sơ còn thiếu, bị cáo Thăng trả lời rành mạch, “Tập đoàn không phải chỉ thực hiện Thái Bình 2, mà thực hiện hàng trăm dự án, công trình. Do đó để đảm bảo tiến độ, tập đoàn luôn luôn chỉ đạo đồng bộ các công việc”.
Trước đó, khi trả lời thẩm vấn trước tòa, bị cáo Trịnh Xuân Thanh – cựu Chủ tịch HĐQT PVC - nói 2 năm trước (2009), PVC đã là công ty đại chúng. Năm 2011, PVC đã có lãi dù ông Thanh không nhớ cụ thể là bao nhiêu. Tuy nhiên, bị cáo Thanh xác nhận lúc này PVC đã tiềm ẩn nguy cơ thua lỗ.
Cụ thể, năm 2011 vốn mà chủ đầu tư chi cho các công ty thành viên vượt, cụ thể là điều lệ khoảng 2.500 tỷ đồng mà đầu tư đã trên 3.000 tỷ đồng. Lý do vì lúc đó đang thực hiện tái cơ cấu mà PVC lại là 1 trong 5 mũi nhọn của PVN. Nên khi triển khai tái cơ cấu thì PVN chuyển một số đơn vị bất động sản, tài chính của điện lực… về PVC.
"Khi chuyển về PVC, các đơn vị trên không có vốn. Chính vì vậy số tiền đó vượt lên, tổng công ty không đủ vốn” - ông Thanh giải thích.
Theo bị cáo Thanh, khi PVN chỉ đạo PVC thực hiện Dự án nhiệt điện Thái Bình 2, PVC là đơn vị thi công nên rất mừng vì đã được chọn làm tổng thầu và đã đi liên hệ với nhà thầu nước ngoài.
Đáng chú ý, ông Thanh khai "bị cáo lúc đó biết PVC cũng chưa đủ điều kiện, nhưng thực tế thời điểm đó cả nước cũng chỉ có PVC và Lilama làm được. Lúc đó PVC cũng từng liên kết với Lilama thực hiện dự án vượt tiến độ và rất thành công".
Hội đồng xét xử hỏi: "với năng lực như vậy theo bị cáo nhận thức việc gánh thêm dự án Nhà máy nhiệt điện Thái Bình 2 là gánh nặng hay thuận lợi?”.
Trả lời, bị cáo Thanh cho rằng việc mất cân đối tài chính là do thực hiện tái cơ cấu, nhưng PVC đã có kế hoạch tăng vốn trong năm 2012 để trả. Tại thời điểm này, một đơn vị xây lắp nhận được dự án như thế là rất tốt, có dự án sẽ có lợi nhuận. Khi khó khăn có công việc càng mừng.
Hội đồng xét xử truy tiếp: "PVN duyệt cho PVC nhiều dự án khi PVC đang khó khăn là tạo thuận lợi hay tăng thêm khó khăn”. Trả lời, bị cáo Thanh khẳng định đây là điều thuận lợi.
“Nhận được công việc, thuận lợi nhiều hơn là khó khăn” – ông Thanh nhấn mạnh.