Ông chủ WikiLeaks nhận thêm 17 cáo buộc, đối mặt án tù cực dài

VietTimes -- Bộ Tư pháp Mỹ trong hôm 23/5 (theo giờ địa phương) đã tuyên bố thêm 17 cáo buộc khác nhau, theo Đạo luật Gián điệp, đối với ông chủ WikiLeaks Julian Assange, người đang bị giam giữ trong một nhà tù ở Anh để chờ phán quyết dẫn độ.
Julian Assange bị bắt giữ ở Anh hồi tháng 3 (Ảnh: Reuters)
Julian Assange bị bắt giữ ở Anh hồi tháng 3 (Ảnh: Reuters)

Bản cáo trạng mới được công bố có liên quan tới các tài liệu mật của Mỹ mà WikiLeaks công bố trong năm 2010, và cáo buộc ông Assange công khai danh tính của những cá nhân từng làm việc với Chính phủ Mỹ, đe dọa tới sinh mạng của những người này.

"Bản cáo trạng này cáo buộc Assange thông đồng với Chelsea Manning, một cựu phân tích gia tình báo trong quân đội Mỹ, đã thu thập và công khai một cách trái phép các tài liệu mật liên quan tới quốc phòng quốc gia" - Bộ Tư pháp Mỹ nói trong một tuyên bố.

"Chúng tôi rất coi trọng vai trò của các nhà báo trong nền dân chủ của chúng ta và cảm ơn họ vì điều đó. Chúng tôi chưa bao giờ có chính sách nhằm vào việc tác nghiệp của họ. Nhưng Julian Assange không phải một nhà báo" - John Demers, Giám đốc Phòng An ninh Quốc gia thuộc Bộ Tư pháp, nói.

Các cáo buộc này được thêm vào bản cáo trạng được đưa ra vào hồi tháng 3 năm nay, trong đó cáo buộc ông Assange thâm nhập vào hệ thống máy tính của Chính phủ Mỹ, dẫn đến việc ông này bị bắt giữ tại London, Anh. Ông Assange đối mặt với án tù lên tới 10 năm cho mỗi cáo buộc kể trên, chưa kể còn các cáo trạng khác.

Chelsea Manning - một nhà thầu tư nhân từng làm việc với quân đội Mỹ, đã tuồn các tài liệu của Bộ Ngoại giao và quân đội cho Assange, cũng bị một tòa án ở bang Virginia triệu tập, nhưng từ chối đứng ra điều trần. Bà Manning cũng đang bị giam giữ, đối mặt với khả năng bị hạn chế nhiều mặt do coi thường tòa án. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy bà Manning có liên quan tới các cáo buộc mới của Assange.

Julian Assange đã sống chui lủi gần 7 năm bên trong Đại sứ quán Ecuador ở London, Anh, nơi mà ông từng xin tị nạn vào năm 2012 với hy vọng sẽ né được các cáo buộc về tấn công tình dục nhằm vào mình ở Thụy Điển - mà ông tin là "tiền đề" khiến ông bị bắt giữ và dẫn độ tới Mỹ. Tuy nhiên, sau khi Chính phủ Ecuador đạt được thỏa thuận với phía Mỹ, ông bị rút quyền tị nạn và bị cảnh sát Anh bắt giữ ngay bên trong tòa Đại sứ quán hồi tháng 4 vừa qua.

Cảnh sát Anh bắt giữ Julian Assange tại sứ quán Ecuador (ảnh Euro News)
Cảnh sát Anh bắt giữ Julian Assange tại sứ quán Ecuador (ảnh Euro News)

Ecuador cũng thu giữ hết tài sản cá nhân của Assange và được cho là đã giao cho phía Mỹ, bác bỏ nhiều đề nghị của luật sư của ông hay đội ngũ WikiLeaks trong việc thu hồi lại số tài sản nọ.

Assange hiện đang bị giam giữ tại nhà giam Belmarsh, ngoại ô London, thi hành phán quyết 50 tháng tù giam vì tội vi phạm quyền bảo lãnh của Anh bằng cách xin diện tị nạn ở Ecuador, và chờ đợi phán xét của tòa án về khả năng dẫn độ tới Mỹ. Trong khi đó, các công tố viên Thụy Điển cũng đang lật lại các cáo buộc tấn công tình dục nhằm vào Assange, dựa trên lời tố cáo cho rằng ông có quan hệ tình dục không an toàn với 2 người phụ nữ vào năm 2010.

Dù là bản cáo trạng đầu tiên hay các cáo buộc mới nhằm vào Assange đều không liên quan tới các cáo buộc cho rằng WikiLeaks hành động như "bên ủy thác của Nga" trong kỳ bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2016, bằng cách công khai các bức thư cá nhân của ông John Podesta - Quản lý chiến dịch tranh cử của bà Hillary Clinton. Công tố viên đặc biệt Robert Mueller của Mỹ chưa từng đề nghị được thẩm vấn Assange trong lúc đang điều tra cái mà ông gọi là vụ việc "Nga can thiệp bầu cử".

Theo RT