Đồng thời, nhóm này cũng kêu gọi Anh và Thụy Điển ngay lập tức thả tự do và bồi thường cho ông Assange.
Nhóm Công tác LHQ về Giam giữ tùy tiện xác nhận phán quyết trên trong một bản thông cáo vào ngày 5.2, dù rằng phán quyết này đã được đưa ra trước đó vào ngày 4.2.
"Nhóm Công tác về Giam giữ tùy tiện cho rằng các hình thức tước quyền tự do mà ông Julian Assange đã trải qua là một hình thức giam giữ tùy tiện", Seong Phil Hong, người đứng đầu nhóm công tác cho biết.
Cùng với phán quyết trên, nhóm công tác kêu gọi nhà chức trách Anh và Thụy Điển "ngừng việc tước quyền tự do của ông Assange, tôn trọng thân thể và quyền tự do đi lại, đồng thời sẵn sàng bồi hoàn thiệt hại cho ông ta".
Ông Julian Assange đã xin tị nạn chính trị tại Tòa đại sứ Ecuador ở London trong hơn 3 năm qua, nhằm tránh bị dẫn độ về Mỹ và bị điều tra liên quan đến hoạt động của WikiLeaks sau khi bị chính quyền Thụy Điển truy nã về tội "hiếp dâm" và yêu cầu dẫn độ ông trên khắp châu Âu.
Trước đó, Assange tuyên bố sẽ tự nguyện một mình cho cảnh sát Anh bắt nếu bị LHQ xử thua. Ngược lại, nhà sáng lập WikiLeaks đòi nhà chức trách Anh phải "ngay lập tức hoàn trả hộ chiếu và ngừng mọi nỗ lực bắt giữ".
Tuy nhiên, các quyết định của nhóm công tác của LHQ này không mang tính ràng buộc. Nhưng nó có thể là một sức ép có tác động đến việc trả tự do cho ông Julian Assange sau nhiều năm buộc phải tị nạn trong Đại sứ quán Ecuador.
Wikileaks là trang web chuyên tiết lộ các bí mật ngoại giao, an ninh của Mỹ và nhiều nước, ông Assage sẽ phải đối mặt với tội "tiết lộ bí mật quốc gia" nếu bị dẫn độ sang Mỹ.
Theo Independent, Một thế giới