Cách đây vài năm, xã Sài Sơn, huyện Quốc Oai tỉnh Hà Tây (cũ) còn là chốn thôn quê yên ả, đặc trưng cho vùng quê đồng bằng Bắc Bộ thanh bình với chùa chiền, làng xóm với những cánh đồng lúa xanh bao la. Chẳng ai có thể nghĩ được rằng, chỉ ngay trước khi sáp nhập về với thủ đô, vùng quê xứ Đoài này đã bị chia năm sẻ bảy, thu hồi hết đất canh tác để dành chỗ cho các dự án khu du lịch sinh thái, biệt thự, nhà vườn, sân golf.
Nằm án ngữ dưới chân núi Thầy, Khu du lịch sinh thái và vui chơi giải trí Tuần Châu đã san phẳng một vùng đồng lúa thành bình địa, ngổn ngang và bụi bặm.
Ngày bị thu hồi đất để làm dự án, nhiều bà con nông dân đã rất lo lắng về công ăn việc làm về sau. Bởi, 80% dân số xã Sài Sơn làm nghề nông, sống nhờ cây lúa, chỉ có một số ít làm nghề nung gạch và bán hàng ở khu danh thắng chùa Thầy.
Tuy nhiên, trước những lời hứa ngon ngọt, “chắc” như đinh đóng cột của những người lãnh đạo dự án rằng chỉ sau một thời gian ngắn là dự án sẽ đi vào hoạt động, khi đó hàng trăm lao động là con em địa phương sẽ có công ăn việc làm.
Một viễn cảnh tươi sáng mở ra trong suy nghĩ của những người nông dân nơi đây. Họ sẽ không còn cảnh “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời”. Ngoài ra, những người dân còn được nhận khoản tiền đền bù lớn. Với số tiền đó, họ đua nhau đi mua xe, mua đồ dùng trong nhà và nhanh chóng thay đổi cuộc đời.
Nhưng niềm vui ngắn chẳng tày gang, bởi sau gần 6 năm trời, dự án vẫn là vùng đất hoang sơ, cỏ mọc um tùm. Người dân mất đất không có công ăn việc làm. Theo người dân ở đây cho biết: “Lúc tổ chức lễ khởi công dự án rầm rộ lắm. Họ hứa với dân là chỉ sau một thời gian ngắn là dự án sẽ đi vào hoạt động, khi đó họ sẽ tạo công ăn việc làm cho hàng trăm lao động là con em địa phương, nhưng bây giờ thì chúng tôi mất hết ruộng mà việc làm cũng chẳng thấy đâu. Trước đây, cả vùng này là những thửa ruộng màu mỡ mỗi năm cho hai vụ lúa chính, giờ trở thành bãi đất hoang cỏ dại mọc um tùm nhìn mà thấy xót”.
Khu nhà điều hành luôn trong tình trạng cửa đóng then cài
Theo quan sát của phóng viên, ngoài khu điều hành (thấp tầng) của công ty đã hiện hữu, toàn bộ dự án chỉ có một ngôi nhà đang thi công dang dở và một số cây bóng mát được trồng thưa thớt. Những con mương nhỏ chạy quanh khúc khuỷu, một chiếc máy xúc nằm “bất động”. Diện tích đất "bờ xôi ruộng mật", nơi canh tác của bà con nông dân giờ chỉ để cỏ dại mọc đầy. Viễn cảnh về khu đô thị quy mô, tầm cỡ chưa có dấu hiệu gì hiện hữu trong nay mai.
Bên cạnh khu điều hành có hàng rào và cây xanh che chắn là cả vùng đất rộng bao la, cỏ mọc um tùm với tấm biển quảng cáo dự án hoàng tráng, những đàn trâu, bò hăng say gặm cỏ. Ngoài ra, không có dấu hiệu nào cho thấy đây là một khu vui chơi giải trí, trung tâm thương mại, khách sạn 5 sao… tầm cỡ quốc tế như viễn cảnh mà dự án đã “vẽ” ra.
Đất dự án bỏ hoang, cỏ mọc um tùm là nơi thả trâu, bò "lý tưởng"
Trong khi tập đoàn Tuần Châu của "chúa đảo" Đào Hồng Tuyển đang làm dư luận nghi ngại về ý tưởng xin lấn một phần biển trong Vịnh Hạ Long để xây biệt thự, thì việc dự án Ecopark Tuần Châu ở Hà Nội "đắp chiếu" suốt nhiều năm qua đặt ra dấu hỏi về chiến lược đầu tư của doanh nhân tài bai này. Nhìn những bãi đất trống bỏ hoang gần chục năm trời, người nông dân Sài Sơn không khỏi xót xa. Trước đây, họ từng hi vọng dự án “tiểu Tuần Châu” sẽ mang lại thay đổi. Nhưng hiện tại, những người nông dân ở đây chỉ muốn được nhìn lại cánh đồng lúa bát ngát với những vụ mùa bội thu.