|
Ảnh minh họa. Nguồn Internet |
Từ vụ việc của Samsung, Kyle Wiens - người sáng lập iFixit, công ty làm dịch vụ sửa chữa thiết bị công nghệ và cũng là nơi nổi tiếng với các hoạt động mổ xẻ sản phẩm công nghệ, đã có bài viết trên tờ Wired của Mỹ cho rằng nguyên nhân khiến sự cố cháy nổ của Samsung trở nên tồi tệ hơn là do viên pin bị gắn liền với thân máy. Dưới đây là bài viết của người sáng lập iFixit được chúng tôi chuyển ngữ để bạn đọc tham khảo.
"Sau khi tuyên bố ngừng sản xuất và ngừng bán Galaxy Note 7, Samsung khuyến cáo người dùng tắt điện thoại này và đem trả lại nhà sản xuất. Hãng sẽ hoàn tiền mua hoặc người dùng có thể đổi sang một sản phẩm khác. Nếu Samsung có thể nói mọi người gỡ bỏ pin ra, có lẽ hãng đã làm. Nhưng không thể vì pin đã gắn liền với điện thoại rồi.
Khó khăn này không phải của riêng Samsung. Mặc dù những chiếc Note phát nổ là hàng của Samsung, song cháy nổ với pin không phải là không hay gặp. Pin lithium-ion có thể sạc lại trong nhiều loại thiết bị từ smartphone đến xe ô tô điện đều không ổn định. Với một lực vật lý hoặc nhiệt tác động mạnh vào, bất kỳ pin lithium-ion nào cũng có thể bị quá nóng và phát nổ. Trong khi đó các nhà sản xuất lại có xu hướng làm cho việc tháo pin trở nên khó khăn hơn hoặc thậm chí không thể tháo ra. Chúng được gắn keo chặt vào khung điện thoại, máy tính và laptop.
Các kỹ sư của chúng tôi ở iFixit đã "mổ" Note 7 ngay sau khi máy ra mắt hồi tháng Tám. Việc tháo pin Note 7 thực sự là việc rất "hại não". Viên pin được gắn keo rất chặt, không dùng bất cứ con vít nào. Tháo pin đòi hỏi phải gia nhiệt (khí nóng) vào lưng điện thoại để làm lỏng lớp keo để tháo kính bảo vệ, rồi đến các linh kiện và cuối cùng mới tiếp cận được đến pin. Trong quá trình tháo pin, chúng tôi phải chuẩn bị các bước tự bảo vệ rất kỹ càng gồm một bịch cát và một bình cứu hoả nhỏ. Khi Note 7 bắt đầu bốc cháy, nhiều phóng viên đã hỏi tôi có ngạc nhiên không. Tôi đã nói rằng điều đó không làm tôi ngạc nhiên.
Tại sao pin lại phát nổ
Pin lithium-ion có thể sạc lại đang được sử dụng trong rất nhiều thiết bị, thậm chí cả những thứ bạn không hề ngờ như là thuốc lá điện tử và thứ thuốc lá này cũng thỉnh thoảng phát nổ. Lithium nhẹ, chứa được nhiều năng lượng và điều này thật tuyệt vời bởi không ai muốn vác một chiếc smartphone nặng tới cả kg.
Nhưng nó lại không ổn định. Pin lithium-ion sử dụng 2 điện cực là cực âm và cực dương. Việc sạc pin sẽ hút các lithium-ion từ cực này sang cực kia. Năng lượng được tạo ra trong quá trình sử dụng khi các ion chảy theo hướng ngược lại. Nếu các điện cực chạm nhau, năng lượng sẽ bị giải phóng một cách nhanh chóng và toả nhiệt rất nguy hiểm. Đó là lý do tại sao pin lithium-ion được thiết kế có bộ phận để tách riêng hai cực điện này.
Nhưng theo báo cáo của Samsung, một lỗi trong quá trình sản xuất Note 7 đã "gây áp lực lên các vách ngăn này trong pin. Vì thế nó khiến cho hai cực âm và dương tiếp xúc với nhau, phát sinh ra nhiệt quá cao". Kết quả là nhiều máy Note 7 đã phát nổ trong quá trình sử dụng.
Bạn sẽ thấy nhiều vụ nổ pin hơn trong tương lai. Về lý thuyết, các nhà sản xuất đã đạt đến 90% công suất của pin li-ion. Tăng thêm công suất mà không phải hy sinh điều gì là việc không dễ dàng. Người tiêu dùng muốn có màn hình lớn hơn, vi xử lý nhanh hơn và thiết bị mạnh hơn. Nhưng họ lại không chịu khi pin có thời lượng sử dụng ngắn hoăn hay pin sạc chậm hơn.
Nỗi ám ảnh muốn có thiết bị ngày càng mỏng nhẹ hơn đòi hỏi phải có pin mỏng hơn. Đó là lý do các nhà sản xuất có xu hướng chuyển sang pin lithium polymer. Đây là loại pin vô cùng mảnh được bọc trong một lớp lá mỏng như kim loại. Điều này giúp pin gọn gàng và dễ đóng gói. Nhưng điều đó cũng giống như gói một thiết bị có khả năng gây cháy trong tờ giấy thiếc vậy và đáng ngại hơn khi chúng ta lại áp thiết bị đó lên má để nghe gọi.
Tai hại cho nhà tái chế và cho môi trường
Samsung đã từng đối phó tốt với nguy cơ cháy nổ pin cách đây 2 năm. Note 4 trang bị loại pin người dùng có thể tự tháo ra để thay thế. Nhiều thiết bị khác của Samsung cũng thế. Nếu có gì đó bất thường, Samsung đơn giản chỉ cần hướng dẫn mọi người tháo pin ra và thay pin mới. Và người tiêu dùng khi cảm thấy điện thoại ấm lên bất thường cũng có thể đơn giản tháo pin ra, chứ không cần ngồi ngắm nhìn chiếc điện thoại của họ cứ phập phù như một ngọn nến.
Lúc đó, Samsung vẫn ủng hộ pin có thể tháo rời. Đó là một điểm mạnh trong sản phẩm của hãng. Đã từng có một quảng cáo chế giễu người dùng iPhone phải túm tụm quanh tường ở sân bay để sạc pin cho iPhone, trong khi người dùng Galaxy S5 chỉ cần đổi pin. Nhưng công ty đã thay đổi định hướng và sử dụng loại pin không thể tháo rời.
Điều này không có gì bất thường. Ủy ban an toàn tiêu dùng Mỹ đã phải thu hồi hơn 40 sản phẩm có pin phát cháy nổ kể từ năm 2002. Song pin nổ không chỉ tồi tệ với người tiêu dùng mà còn tồi tệ cả với môi trường. Tái chế chúng rất khó, đắt và nguy hiểm.
Pin lithium-ion phải được tháo gỡ ra bằng tay. Keo dán khiến điều này trở nên khó khăn hơn. Mỗi thiết bị chỉ có giá vài USD nguyên liệu tái chế do đó mất thời gian cho việc tách chì ra khỏi pin sẽ làm giảm lợi nhuận. Viên pin liền cũng rất nguy hiểm nữa. Làm thủng pin trong khi tháo gỡ có thể gây cháy. Một viên pin chất lượng kém có thể gây ra đám cháy khổng lồ. Đó là lý do vận chuyển chúng bằng máy bay là một rắc rối.
CEO của một công ty tái chế lớn từng chia sẻ với tôi rằng họ phải đối phó với tai nạn cháy 1 lần 1 tuần khi tháo dỡ pin. Chỉ mới năm ngoái, một cơ sở ở Pennsylvania đã bị đốt cháy trong hai ngày liền và đó là vụ cháy lớn thứ 3 mà các cơ sở của công ty gặp phải trong 4 năm. Đây không phải là vấn đề nhà tái chế vô trách nhiệm. Đó là vấn đề nhà sản xuất vô trách nhiệm. Chạy theo những chiếc điện thoại mỏng hơn và lợi nhuận cao hơn, các nhà sản xuất tiếp tục dán chặt các thiết bị gây cháy vào sản phẩm của họ.
Rất may, một số nhà sản xuất tiếp tục thiết kế sản phẩm có trách nhiệm. Máy tính bảng HP Elite X2 có pin dễ dàng tháo rời. Mẫu điện thoại hàng đầu G5 của LG cũng thế. Đã đến lúc toàn bộ ngành công nghiệp này cần làm cho sản phẩm của mình an toàn hơn với người tiêu dùng, an toàn hơn cho các nhà tái chế và an toàn hơn cho môi trường."
Theo VnReview